Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Trung Quốc: Đan xen hợp tác và cạnh tranh
Xuân Sơn
Duy trì xu hướng “tan băng” quan hệ
Tín hiệu hữu nghị của chuyến thăm được thể hiện ngay trong chương trình làm việc phong phú, đa dạng khi tại thành phố Thượng Hải - điểm đến đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken đã gặp Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh, tiếp xúc với một số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Thượng Hải, giao lưu với sinh viên và xem một trận bóng rổ.
Ngày 26-4, Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken tới Thủ đô Bắc Kinh và có cuộc gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, gặp Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc đã có một số cải thiện. Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang ở một vị trí rất khác so với 1 năm trước - thời điểm quan hệ song phương ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhận định quan hệ Trung Quốc - Mỹ có xu hướng “ngừng xấu đi và dần ổn định” sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố San Francisco (Mỹ) hồi tháng 11-2023.
Thực tế, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống J. Biden, một số hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh eo biển Đài Loan đã có phần “lắng xuống”, các chuyến thăm giữa hai bên cũng diễn ra sôi động hơn.
Quan trọng hơn, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken là động thái mới nhất trong hàng loạt chuyến trao đổi đoàn các cấp, gặp gỡ giữa nhóm làm việc song phương thời gian qua.
Trong cuộc điện đàm đầu tháng 4-2024, lãnh đạo 2 nước nhất trí việc duy trì liên lạc cấp cao. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Đổng Quân. Có thể thấy, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken đã góp phần duy trì xu hướng các cuộc tiếp xúc cấp cao này.
Về quan hệ song phương, Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken kêu gọi hai bên tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết của Hội nghị thượng đỉnh Woodside (diễn ra tháng 11-2023) về các vấn đề chính, trong đó có nội dung tăng cường liên lạc quân sự để tránh những tính toán sai lầm và xung đột, tăng cường hợp tác chống ma túy, hợp tác trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và củng cố giao lưu nhân dân.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ: “Trung Quốc và Mỹ nên là đối tác chứ không phải là đối thủ”, đồng thời nhắc đến việc năm 2024 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong cuộc gặp Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh, Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken đã nhắc lại thông điệp xuyên suốt của chính quyền Mỹ về Trung Quốc “quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm”.
Về các vấn đề quốc tế, hai bên thảo luận về sự cần thiết ngăn chặn sự leo thang của các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Ngoài ra, ông A. Blinken nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù còn tồn tại nhiều khác biệt trong những vấn đề nhạy cảm, nhưng cũng không cản trở xu hướng “hâm nóng” quan hệ giữa 2 cường quốc.
Xuyên suốt chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken luôn khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp ngoại giao để đạt được tiến bộ trong những lĩnh vực mà hai bên có khác biệt và trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng đối với người dân Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, coi đây như một phần của việc “cạnh tranh có trách nhiệm” với Trung Quốc.
Còn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất ba nguyên tắc bao trùm cho mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ là: hai nước tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi. Đó là những bài học rút ra từ quá khứ, vừa là kim chỉ nam cho tương lai.
Chưa thể xoa dịu những mặt cạnh tranh
Mặc dù quan hệ song phương đã được cải thiện, nhưng trên thực tế, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực.
Trên lĩnh vực kinh tế, ngay trước chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật buộc ByteDance - doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu ứng dụng TikTok - phải bán nền tảng này trong 9 tháng tới, đồng thời từ bỏ quyền sở hữu thuật toán gợi ý video dựa trên sở thích người dùng; cùng với hàng loạt biện pháp kinh tế khác, như nâng mức thuế quan đối với các mặt hàng thép, tấm pin năng lượng Mặt trời,... của Trung Quốc.
Mỹ còn cân nhắc giới hạn hơn nữa quyền tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ bán dẫn hiện đại vốn được sử dụng trong phát triển AI.
Trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh, Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken cũng đề cập đến mối lo ngại về các chính sách thương mại và hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.
Còn phía Trung Quốc chỉ trích viện trợ nước ngoài của Mỹ là “ích kỷ”, “tự đại”, là công cụ để can thiệp công việc nội bộ, duy trì sự kiểm soát với các quốc gia khác.
Cũng theo các thông cáo chính thức, trong cuộc gặp giữa 2 bộ trưởng Mỹ và Trung Quốc, phía Trung Quốc cho rằng Mỹ đã thực hiện các biện pháp “không giới hạn” nhằm kìm hãm nền kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ của Trung Quốc và những động thái đó chính là kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ cần nhìn vào sự phát triển kinh tế của Trung Quốc “một cách tích cực” để quan hệ song phương được cải thiện và cho rằng, đây là “vấn đề cơ bản” cần được giải quyết đúng đắn để mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ có thể phát triển và trở nên thực sự ổn định, cải thiện.
Eo biển Đài Loan vẫn là một “điểm nóng đặc biệt”. Ngay khi Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken tới Trung Quốc, Tổng thống J. Biden đã ký phê chuẩn dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó gồm 8 tỷ USD cho đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc).
Ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, nỗ lực của Mỹ “sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột, đối đầu ở eo biển Đài Loan, cuối cùng sẽ phản tác dụng”.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines được tổ chức tại Nhà Trắng ngày 11-4-2024, Mỹ tái khẳng định hợp tác an ninh chặt chẽ “trước các hành động nguy hiểm và ngày một quyết đoán trên Biển Đông” của phía Trung Quốc.
Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho rằng đây là “cáo buộc vô căn cứ, bôi nhọ có chủ đích”, đồng thời phản đối “chính trị bè phái”, kích động, gây căng thẳng và tổn hại tới an ninh chiến lược và lợi ích tại khu vực.
Về xung đột Nga - Ukraina, Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại về lập trường của Trung Quốc, đặc biệt là thông tin Trung Quốc chuyển công cụ sản xuất, chất bán dẫn và vật liệu đa dụng cho Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao A. Blinken từng chỉ trích Trung Quốc là “nhà đóng góp chủ chốt” cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm lần này, ông A. Blinken vẫn tỏ ra thận trọng khi không trả lời câu hỏi “liệu Mỹ có áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga hay không?” - điều mà các quan chức Mỹ cảnh báo sẽ có nguy cơ làm tổn hại mạnh mẽ hơn đến mối quan hệ song phương.
Có thể thấy, chưa có điểm bất đồng nào trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thể hạ nhiệt sớm, bất chấp thời lượng đối thoại gia tăng kể từ thời kỳ chính quyền Tổng thống J. Biden. Duy trì kênh liên lạc là cần thiết, song chưa đủ để quan hệ Mỹ - Trung Quốc thực sự hạ nhiệt.
Do đó, hai bên có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng và cạnh tranh có trách nhiệm nhằm duy trì sự ổn định của mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới bởi sự ổn định của mối quan hệ song phương quan trọng hàng đầu thế giới này luôn là nền tảng cho sự ổn định chung của quan hệ quốc tế toàn cầu./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn



