Bộ Giáo dục Mỹ - “hòn đá thử vàng” cho chính sách tinh gọn và tiết giảm
Đăng Bảo
Vì sao bộ Giáo dục là vấn đề?
Bộ Giáo dục Mỹ có tuổi đời rất ngắn, mới được thành lập vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, nhằm hiện thực hóa lời hứa của ông với Công đoàn Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEA).
Trước đó, các chức năng quản lý giáo dục ở cấp liên bang thuộc về Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi. Với tổ chức như vậy, sự can thiệp của chính phủ liên bang vào giáo dục vô cùng hạn chế so với hiện nay.
Ngay từ khi mới thành lập, Bộ Giáo dục đã gặp nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ những người cho rằng giáo dục không phải là trách nhiệm của liên bang mà là của các tiểu bang.
Họ lập luận, Hiến pháp Mỹ không đề cập đến vai trò của chính phủ liên bang trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, mà theo Tu chính án thứ 10 thì tất cả những quyền không được Hiến pháp giao cho chính phủ liên bang sẽ thuộc thẩm quyền của các tiểu bang. Như vậy, việc chính phủ liên bang quản lý giáo dục là vi hiến.
Từ khía cạnh khoa học quản lý, Christine Fairbanks - chuyên gia giáo dục tại Viện nghiên cứu chính sách Sutherland - cho rằng, các tiểu bang có khả năng đưa ra cải cách mạnh mẽ và linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu cụ thể của cư dân, vì thế, không nên lập ra Bộ Giáo dục trùm lên các cơ quan quản lý chuyên ngành của các tiểu bang.
Trong đợt tinh gọn và tiết giảm khổng lồ sắp tới, tổng thống đắc cử D. Trump muốn giải thể hẳn bộ này để “đưa giáo dục về các tiểu bang”. Qua các cuộc trò chuyện với Elon Musk được phát trên X, ông D. Trump đánh giá thứ hạng giáo dục Mỹ “thấp khủng khiếp” so với các các quốc gia phát triển, trong khi lại chi tiêu nhiều hơn bất cứ quốc gia nào.
Ông tin rằng, phần lớn các bang sẽ làm tốt hơn với chi phí ít hơn khi được trao quyền tự quyết: “trong số 50 bang, tôi chắc rằng 35 bang sẽ làm tốt. Trong số tốt đó, sẽ có 15 đến 20 bang làm tốt như Na Uy”.
Không giống như nhiều quốc gia khác, hệ thống giáo dục Mỹ được tổ chức từ cấp độ tiểu bang trở xuống. Chính quyền liên bang không tham gia vào việc xác định chương trình giảng dạy, tiêu chuẩn giáo dục, cũng như thành lập và quản lý các trường.
Bộ Giáo dục chỉ hỗ trợ tài chính cho các trường tiểu học và trung học của các khu vực có nhiều con em các gia đình có thu nhập thấp theo học; thu thập dữ liệu về các trường, giám sát việc công nhận tổ chức giáo dục đại học; bảo vệ sinh viên khỏi sự phân biệt đối xử về chủng tộc, giới tính và quản lý các chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên, bao gồm các khoản vay và trợ cấp.
Mặc dù quyền hạn của Bộ Giáo dục hạn chế như vậy, nhưng không ít người vẫn “cảm thấy chính quyền liên bang kiểm soát quá nhiều”.
Theo một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2024, có tới 45% số người được khảo sát không hài lòng với hoạt động của Bộ Giáo dục, và chỉ 44% hài lòng. Đáng chú ý là có tới 64% số người cánh hữu không hài lòng, trong khi 62% số người cánh tả lại có quan điểm ngược lại.
Trở ngại không dễ giải quyết
Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng việc loại bỏ Bộ Giáo dục lại không hề dễ dàng. Trên báo chí và mạng xã hội, không ít người cho rằng đằng sau ước muốn giải thể bộ này là sự mâu thuẫn ý thức hệ giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến.
Ví dụ, chính quyền B. Obama đã yêu cầu các trường không được đuổi học học sinh da đen với tỷ lệ cao hơn quá nhiều so với các nhóm khác, từ đó dẫn đến hệ quả là các trường buộc phải “nương tay” hơn với kỷ luật và môi trường học đường ngày càng kém an toàn hơn.
Năm 2016, ngay sau khi lên nắm chính quyền, ông D. Trump lập tức bãi bỏ quy định này. Gần đây hơn, chính quyền Joe Biden đã ban hành các quy định bảo vệ học sinh thuộc cộng đồng giới tính không chuẩn tắc (LGBT) và vấp phải phản ứng dữ dội tại các bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.
Từ lâu, cánh hữu ở Mỹ đã không ưng nền giáo dục mà họ cho là “quá thiên tả”. Một cuộc khảo sát của Công ty khảo sát dư luận xã hội Gallup năm 2017 cho thấy, 32% số người khảo sát thuộc Đảng Cộng hòa cho rằng, vấn đề của các đại học Mỹ nằm ở chỗ nó đã bị chính trị hóa, cánh tả hóa; 21% cho rằng sinh viên bị thao túng tư duy theo quan điểm chính trị của các giảng viên, vốn thiên về cánh tả.
Con số này ở những người khảo sát thuộc Đảng Dân chủ lần lượt là 1% và 6%. Mâu thuẫn này càng được thể hiện rõ qua những cuộc thăm dò sau cuộc bầu cử tổng thống mới đây.
Trong số những người được khảo sát, chỉ 36% những người không có bằng đại học bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng dần khi học vấn của đối tượng được khảo sát tăng lên, lên đến 59% trong số những người có bằng sau đại học.
Chính vì vậy, suốt từ năm 1979, khi Bộ Giáo dục được thành lập, đến nay đã có không ít lần các lãnh đạo Cộng hòa gắng sức giải thể cơ quan này.
Thế nhưng từ Tổng thống Ronald Reagan năm 1981, Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich năm 1994, rồi Tổng thống D. Trump năm 2016 đều vấp phải sự phản kháng của Quốc hội và các tổ chức xã hội chuyên về giáo dục. Nhiều người nghi ngờ DOGE có “lợi dụng” thẩm quyền của mình cho “cuộc đấu tranh ý thức hệ” ấy.
Giờ đây, trở ngại lớn nhất cho ông D. Trump trong việc giải thể Bộ Giáo dục chính là Thượng viện. Các thượng nghị sĩ phản đối ý tưởng này có thể sẽ thực hiện “chiến thuật câu giờ” (trong Thượng viện, phần tranh luận không giới hạn thời gian, do đó, các thượng nghị sĩ chống đối có thể luân phiên nhau phát biểu nhằm trì hoãn quá trình bỏ phiếu).
Để chống lại chiến thuật này, chính quyền D. Trump phải thu thập ít nhất 60 phiếu ủng hộ để kiến nghị chấm dứt tranh luận và tiến hành bỏ phiếu. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa chỉ có 53 ghế trong Thượng viện.
Đó sẽ là trở ngại mà DOGE khó có thể vượt qua. Và cùng với nó, toàn bộ kế hoạch tinh giản và tiết giảm chính quyền liên bang mà DOGE mong đợi cũng vô cùng khó khăn để tới được thành công.
Ngoài những thượng nghị sĩ “cứng đầu”, kế hoạch giải tán Bộ Giáo dục còn sẽ vấp phải sự phản kháng đến từ xã hội dân sự. Hậu bầu cử, 2 công đoàn giáo viên lớn nhất nước Mỹ - NEA và Liên đoàn Giáo viên Mỹ (AFT) - đã cam kết bảo vệ nền giáo dục công lập và quyền lợi của học sinh.
NEA và AFT cam kết tiếp tục đấu tranh cho trường công chất lượng cao, an toàn và chào đón mọi học sinh, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tổ chức Quốc tế giáo dục (EI) - liên đoàn toàn cầu của các công đoàn giáo viên - cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với các công đoàn giáo viên tại Mỹ đấu tranh vì quyền lợi của học sinh.
Cuối cùng, trở ngại “khó chịu” nhất là vấn đề thời hạn. Chuyên gia Dan Goldbeck của tổ chức Diễn đàn Hành động Mỹ cho rằng phần lớn hành động sắp tới của chính quyền D. Trump sẽ tập trung vào việc hủy bỏ các quy định được đưa ra trong thời Joe Biden.
Đáng tiếc là quy trình hủy bỏ các quy định ấy cũng mất thời gian không kém gì quy trình tạo ra chúng. Sẽ mất ít nhất 1 đến 2 năm để hoàn thành điều đó.
Mặc dù Bộ Giáo dục cấp liên bang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, nhưng việc giải thể nó có thể lại còn gây ra nhiều tranh cãi hơn. DOGE có đủ sức vượt qua “hòn đá thử vàng” này không?
Nếu không, cùng với nó, toàn bộ kế hoạch tinh gọn và tiết giảm chính quyền liên bang mà DOGE mong đợi cũng khó đi tới được thành công./.