22/12/2024 | 09:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chống lãng phí cần đi liền với thực hành tiết kiệm

Nguyễn Tri Thức
Chống lãng phí cần đi liền với thực hành tiết kiệm Ngày 30-10-2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực_Ảnh: nhandan.vn
Ngày 13-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí”, ngay lập tức thu hút sự chú ý sâu rộng của toàn xã hội. Trong 4 giải pháp trọng tâm, Tổng Bí thư yêu cầu “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...”.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại rằng: “trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả”. 

Tổng Bí thư nhắc lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí, từ việc chỉ rõ những biểu hiện, mối nguy hại đến sự căn dặn, nhắc nhở đội ngũ “đầy tớ của nhân dân”. 

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, “trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”. 

Bởi lẽ, “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo”.

Sinh thời, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về lối sống giản dị, gương mẫu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người luôn kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải học lấy 4 đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính. Người cho rằng: “tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”.

Bác Hồ khẳng định “lãng phí rất phổ biến”. Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến”. Từ rất phổ biến đến khá phổ biến là cả chặng đường dài chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh với thứ “giặc nội xâm” tai ác này. 

Từ rất đến khá thể hiện rõ sự suy giảm, nói cách khác là công tác phòng, chống lãng phí của Đảng ta đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, vấn nạn lãng phí còn khá phổ biến. 

Có thể dễ thấy rằng, sự phổ biến ấy đến từ sự lãng phí rất nhỏ, như lãng phí thời gian, công sức, thức ăn, nước uống hằng ngày đến lãng phí rất lớn, như lãng phí tài sản công, chi tiêu ngân sách, đầu tư công, lãng phí cơ hội, sự phát triển... 

Xin đưa một số liệu cụ thể: theo thông tin từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2024, cả nước còn 63.400 cơ sở nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Trong số này, có hàng nghìn cơ sở đang để không nhiều năm, trong đó có những khu “đất vàng” tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh... 

Một số liệu khác, theo Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội ngày 11-10-2022, trong giai đoạn 2016 - 2021, có hơn 3.000 dự án gây thất thoát, lãng phí, bao gồm nhiều dự án đầu tư công sai phạm và phải xử lý hình sự. Tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng. Cho đến nay, rất nhiều dự án chưa hoàn thành, chưa được giải ngân,... vẫn trong tình trạng bỏ hoang, “đắp chiếu”, xuống cấp, hư hỏng vô cùng lãng phí. 

Tình trạng này diễn ra khá phổ biên, không loại trừ bộ, ngành, địa phương nào. 

Ngày 6-12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 29, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công được các đại biểu chất vấn khá “nóng”. Kết quả khảo sát, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh và qua phản ảnh của cử tri cho thấy, nhiều tài sản công không còn sử dụng thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được quản lý, sắp xếp, việc quản lý có nơi chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm quy định, có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí... 

Tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc có khu đất diện tích 35ha của một công ty thuốc lá đã giải thể bỏ hoang hơn 20 năm qua, vô cùng lãng phí. Khi hỏi đến khu đất này thì được trả lời là đất của doanh nghiệp do Bộ Tài chính quản lý. Trong khi đó, tại huyện Hàm Thuận Nam cách đây 7 - 8 năm đã bố trí 2 khu đất mới để xây dựng trụ sở Chi cục Thuế và Kho bạc Nhà nước. 

Tuy nhiên, đến nay 2 khối tài sản là trụ sở cũ vẫn chưa chuyển giao cho địa phương trong khi trụ sở Chi cục Thuế cũ đã xuống cấp trầm trọng, mất an toàn và địa phương đã nhiều lần có văn bản đề nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo quy định, các trụ sở trên thuộc ngành dọc của Trung ương do Bộ Tài chính quản lý...

Những ví dụ nêu trên không phải là cá biệt. Nguyên nhân dẫn đến lãng phí có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Chủ quan có thể là do tâm lý “cha chung không ai khóc”, không phải của mình nên không tiếc, là sự quan liêu, thiếu trách nhiệm, thờ ơ... 

Khách quan có thể là do những quy định của pháp luật còn chồng chéo, giẫm chân lên nhau. Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ rõ “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. 

Đó là việc lập pháp chưa thực sự chuẩn chỉnh, chứ không hẳn chỉ là việc thực thi pháp luật còn hạn chế. Nghĩa là phải khơi thông điểm nghẽn thể chế, để luật pháp, chính sách, những văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành đều có thể triển khai thuận tiện, lưu thoát trong thực tiễn. 

Và khi điểm nghẽn thể chế được khơi thông, không chỉ việc chống lãng phí được tiến hành đạt kết quả, mà nhiều vấn đề vướng mắc khác cũng được tháo gỡ, tạo điều kiện cho sự phát triển. Như mạch máu được lưu thông, như tuyến giao thông không có điểm ùn tắc, như lộ trình chúng ta vạch ra không có những trở ngại ngáng đường...

Bác Hồ nói rằng: “chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy...”. 

Rõ ràng, chống lãng phí phải đi liền với thực hành tiết kiệm. Bởi tiết kiệm là quốc sách, nếu chúng ta xem thường những việc nhỏ, việc vặt, những tài sản công mà bỏ qua tiết kiệm thì cũng chính là sự lãng phí hết sức đáng tiếc. 

Trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác Hồ chỉ rõ, “chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra”. 

Để kết thúc bài viết này, xin trích lại một giải pháp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra trong bài viết “Chống lãng phí”, đó là: “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”./.