Thương mại điện tử: Khi động lực tăng trưởng kinh tế đi kèm mối lo lãng phí
Thanh NamTrong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
Vì thế, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.
Kịch bản chôn lấp rác
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thích nghi với công nghệ và có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Với dân số trẻ, yêu công nghệ cùng tốc độ tăng trưởng Internet cao, Việt Nam trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á.
Thực tế, những lợi ích và tiềm năng của thương mại điện tử cũng đi kèm những thách thức không nhỏ. Theo các báo cáo của tổ chức môi trường CleanHub (trụ sở tại Đức), mua sắm trực tuyến (online) dẫn tới lãng phí vật tư bao bì tốn gần gấp 5 lần hình thức mua sắm trực tiếp truyền thống, gây phát thải tới 24 triệu mét khối khí CO2 hằng năm và thường kết thúc bằng kịch bản chôn lấp rác do gánh nặng tài chính ngày càng gia tăng với các nhà bán lẻ.
Mua sắm online thường tăng lượng vật tư bao bì tới 4,8 lần so với các cửa hàng truyền thống. Những sản phẩm bị trả lại còn có thể làm gia tăng các lãng phí bao bì vì đòi hỏi các hộp nhựa phụ hoặc thùng carton, trong khi một số nhà bán lẻ còn khuyến khích khách hàng sử dụng thêm các vật liệu phụ trong quá trình trả hàng.
Các chuyên gia thuộc CleanHub đã nêu ví dụ về Shopee, theo đó với trường hợp bao bì hàng hóa gốc bị rách vỡ, sàn thương mại điện tử này thường hướng dẫn khách hàng “buộc sản phẩm lại một cách cẩn thận và quấn quanh ít nhất 1 - 2 vòng xốp bóng nổ (bubble wrap)”.
Theo một số báo cáo của CleanHub, tỷ lệ trung bình các mặt hàng bán online bị khách hàng trả lại là 30%. Tổng lượng hàng hóa bị trả lại trong thương mại điện tử cao gấp 3 lần so với cách mua sắm truyền thống, trong đó thống kê với khách tiêu dùng Mỹ về những mặt hàng bị trả lại nhiều nhất theo thứ tự là quần áo (26%), túi xách các loại (19%), giày dép (18%), đồ phụ kiện (13%), đồ điện tử (11%), thực phẩm và đồ uống (11%).
Hiện ở các thị trường lớn, phong trào “thời trang nhanh” (fast fashion) khá phổ biến cùng hiện tượng chiêu trò lợi dụng chính sách đổi trả của các thương hiệu cao cấp, nhiều người mua sắm thản nhiên sử dụng, khoe trên mạng xã hội rồi gửi lại hàng đã dùng.
Rất nhiều sàn thương mại trực tuyến lớn và nhỏ nỗ lực duy trì sức cạnh tranh bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí và đổi thoải mái, đôi khi bao gồm cả chi phí vận chuyển khi trả lại. Mặt tích cực của nó là thúc đẩy tâm lý mua sắm nhiều hơn và mang lại doanh thu khổng lồ.
Hàng hóa khi được trả có thể trở lại kệ, vứt bỏ hoặc phần lớn chúng được chuyển cho người thanh lý và bán với giá “mềm” hơn. Chính sách hoàn trả (consumer return) hào phóng của các cửa hàng tại Âu Mỹ tạo ra một thói quen cho khách hàng là mua trước, nghĩ sau và luôn luôn giữ lại nhãn mác, biên lai.
Lãng phí + ô nhiễm
Với tỷ lệ hoàn trả trung bình của hàng quần áo chiếm tới 32% các giao dịch, báo cáo của CleanHub chỉ ra rằng, có tới 40% số mặt hàng dệt may bị trả lại sau khi mua, cùng với phong trào “thời trang nhanh”, tình trạng đáng lo ngại này có thể tạo ra mức phát thải khí nhà kính tương đương 3 triệu chiếc ô tô ở Mỹ.
Bất kỳ sản phẩm nào được trả lại các kho hàng bán lẻ có thể tạo ra lượng đồ nhựa bao bì lãng phí hơn khi sản phẩm đã bị bóc ra, xử lý và bọc và bán lại. Lần lượt, 91% số lượng vỏ nhựa bao bì này có quy trình kết thúc bằng việc chôn lấp rác thải.
Hiện các nhà bán lẻ được cho là chỉ đơn thuần vứt bỏ 4,7 triệu tấn hàng hoàn trả, vì theo giải thích của các chuyên gia thuộc CleanHub, điều này còn hiệu quả kinh tế hơn là việc bán lại các sản phẩm.
Theo thống kê từ các nhà bán lẻ Mỹ, họ đã mất khoảng 816 triệu USD cho các quy trình trả hàng trong năm 2022. Áp lực này ngày càng tăng trong các mùa nghỉ lễ khi giai đoạn cao điểm, chi phí mỗi ngày cho việc trả hàng lên tới 1 triệu USD.
Quần áo có thể là thứ đồ rất khó bán lại, một khi nó đã bị người khác mặc thử. Và như vậy, chúng thường xuyên bị đem chôn lấp hoặc chất thành đống ở nhiều địa điểm như ở bãi phế thải trên sa mạc Atacama ở Chile.
Hơn 3km2 đất hoang hóa giờ đây đã trở thành bãi đổ phế liệu quần áo. Nguy hiểm hơn, quần áo thường được làm từ các chất nhựa và vật liệu rẻ tiền. Các bãi đổ phế liệu sẽ khiến các mẩu nhựa thâm nhập vào môi trường và góp phần vào ô nhiễm hạt vi nhựa.
Ngoài vấn đề lãng phí vật liệu, các chuyên gia CleanHub nhấn mạnh rằng việc vận chuyển hàng trả lại làm tăng thêm 30% lượng khí phát thải từ quá trình giao hàng một sản phẩm.
Các quy trình tiếp theo có thể làm mất gấp 3 lần thời gian giao hàng ban đầu, với các thùng carton được vận chuyển quốc tế và sẽ đóp góp tới 3% lượng khí phát thải của toàn ngành vận tải tàu biển.
Tại Việt Nam, vào cuối tháng 7-2024, văn phòng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố báo cáo Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam.
Báo cáo cho thấy, năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tới 332.000 tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn, phần lớn bao bì nhựa này thải ra môi trường, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa - vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia CleanHub, có một tín hiệu đáng mừng khi trong cuộc khảo sát độc lập năm 2023 của tổ chức này, có 66% số nhà bán lẻ thương mại điện tử muốn tham gia vào các hoạt động bền vững môi trường và tin rằng cần phải cải thiện các quy trình trả hàng để tăng cường trải nghiệm cho khách mua.
Các doanh nghiệp và người tiêu dùng cần thiết phải cùng có sự thay đổi để giảm bớt tác động của thương mại điện tử tới môi trường./.