21/12/2024 | 23:06 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Indonesia: Cải cách hệ thống thuế để tăng cường hiệu năng, chống lãng phí

Phan Lương
Indonesia: Cải cách hệ thống thuế để tăng cường hiệu năng, chống lãng phí Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati khẳng định Hệ thống quản lý thuế lõi là trụ cột để đạt được mục tiêu nguồn thu ngân sách của chính phủ, khi thúc đẩy tối ưu hóa nguồn thu ngân
Tỷ lệ thuế trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia đã và đang sụt giảm hằng năm, buộc chính phủ nước này phải nỗ lực tiến hành cải cách hệ thống thuế, như triển khai Hệ thống quản lý thuế lõi (CTAS) và để ngỏ khả năng tăng thuế suất giá trị gia tăng (VAT). Dù những cải cách này nhằm hiện đại hóa hệ thống thuế và tăng thu ngân sách, nhưng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong triển khai. Đặc biệt, không ít chuyên gia đã cảnh báo việc lập ngân sách công có trách nhiệm sẽ có ý nghĩa then chốt để bảo đảm thành công trong dài hạn.

Cách mạng hóa công tác quản lý thuế

Thống kê cho thấy tỷ lệ thuế trên GDP của Indonesia đã giảm đều trong hơn 10 năm qua, chỉ ở mức 12,1% vào năm 2022, cao hơn Lào trong các nước ASEAN và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 19,3% của châu Á - Thái Bình Dương và mức trung bình 34% của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). 

Để ứng phó, Chính phủ Indonesia đã nỗ lực triển khai cải cách hệ thống thuế, với 2 chính sách lớn dự kiến sẽ sớm có hiệu lực, gồm CTAS từ tháng 1-2025 và khả năng tăng VAT cũng trong năm sau.

Đặc biệt, Chính phủ Indonesia đặt kỳ vọng sáng kiến đầy tham vọng CTAS sẽ nâng cao hiệu năng và tính minh bạch trong tất cả các quy trình liên quan đến thuế, đồng thời hiện đại hóa hệ thống thuế của nước này, thông qua việc tích hợp tất cả các quy trình thuế trên một nền tảng duy nhất, sử dụng dữ liệu chính xác để tăng cường năng lực giám sát và cải thiện hiệu quả thu thuế. 

CTAS được cho sẽ mở rộng cơ sở thuế và tăng cường hiệu lực khi xác định được những đối tượng phải chịu thuế mới cũng như những nguồn thu nhập chưa đánh thuế, cải thiện khả năng áp dụng đồng thời giúp giám sát các nguồn thu nhập dễ dàng hơn.

Phát biểu trước Hạ viện, bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia khẳng định, CTAS là trụ cột để đạt được mục tiêu nguồn thu ngân sách của chính phủ, khi thúc đẩy tối ưu hóa nguồn thu ngân sách công, gồm cả nguồn thu từ thuế và phi thuế, trong khi vẫn duy trì môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi. 

“Việc tăng cường và mở rộng, cũng như sử dụng công nghệ trong hệ thống thuế, dự kiến sẽ tăng cường nguồn thu ngân sách công”, bà Indrawati giải thích.

Chính phủ Indonesia kỳ vọng việc triển khai CTAS trong năm 2025 có thể làm tăng tỷ lệ thuế trên GDP thêm 1,5 điểm %. Trong dự thảo ngân sách nhà nước năm 2025 của Indonesia, mục tiêu nguồn thu ngân sách là khoảng 193,23 tỷ USD, trong đó nguồn thu từ thuế dự kiến khoảng 160,53 tỷ USD và nguồn thu phi thuế ước tính khoảng 32,54 tỷ USD.

Thách thức cần vượt qua

Cùng với việc giới thiệu mã định danh duy nhất để đánh thuế vào năm 2022, CTAS dự kiến sẽ cải thiện hiệu năng trong việc truy thu thuế thu nhập cá nhân vốn dĩ ở mức thấp tại Indonesia. 

Hiện cơ cấu nguồn thu ngân sách từ thuế của Indonesia phụ thuộc nhiều vào thuế doanh nghiệp (28,8%) và VAT (28%), trong khi tỷ lệ đóng góp từ thuế thu nhập cá nhân chỉ ở mức tối thiểu (13%). 

Các xu hướng quốc tế cho thấy, những quốc gia có tỷ lệ thuế trên GDP cao thường có một phần lớn nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân.

Lâu nay hầu hết nguồn thu thuế thu nhập cá nhân ở Indonesia là từ người lao động, trong khi mức thuế tự khai báo của chủ doanh nghiệp, bác sĩ và luật sư vẫn chưa hoàn toàn tối ưu. 

Khoảng cách thuế - mức chênh lệch giữa số tiền thu được dự kiến và trên thực tế - là 42% trên tổng số thuế thu nhập cá nhân và lên tới 80% với thuế thu nhập của người không phải là người lao động trong năm 2019, tại Indonesia.

Một khía cạnh trong nỗ lực cải cách hệ thống thuế ở Indonesia chính là mục tiêu cải cách hệ thống VAT thông qua Luật điều chỉnh thuế năm 2021, dự kiến tăng thuế suất VAT từ 11 lên 12% vào đầu năm 2025, qua đó đưa thuế suất VAT của Indonesia đến gần hơn mức trung bình 19% của OECD và mức trung bình 15,4% toàn cầu. 

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế VAT thường được cho sẽ tác động bất đối xứng tới những hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lo ngại này có thể được xoa dịu thông qua việc tăng cường những chương trình hỗ trợ xã hội mục tiêu, bù đắp tác động do tăng thuế với nhóm thu nhập thấp. 

Ngoài ra, tác động phân phối tổng thể của hệ thống tài chính mới có ý nghĩa quyết định, chứ không chỉ tác động riêng lẻ của một chính sách. Bên cạnh đó, VAT không nên áp dụng với những nhu cầu thiết yếu cơ bản của người dân như lương thực, y tế và giáo dục.

Dù việc tăng VAT là cần thiết, nhưng tình trạng suy giảm kinh tế hiện nay ở Indonesia, thông qua sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất và sức mua tiêu dùng giảm, đồng nghĩa việc tăng VAT vào năm 2025 có thể làm trầm trọng thêm áp lực tài chính. 

Tuy nhiên, luật thuế VAT cũng có tính linh hoạt, khi cho phép chính phủ có thể điều chỉnh thời điểm tăng thuế suất theo điều kiện kinh tế và có thể hoãn nếu cần thiết.

Ngân sách công có trách nhiệm

Theo các chuyên gia, Indonesia đang đi đúng hướng trong nỗ lực cải cách thuế, nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận rằng phần lớn nguồn thu ngân sách tăng thêm từ việc tối ưu hóa thuế thu nhập cá nhân và VAT sẽ đến từ tầng lớp trung lưu. 

Nhóm đối tượng này đang gánh chịu gánh nặng thuế đáng kể ở Indonesia, chiếm tới 42% nguồn thu từ các loại thuế gián tiếp (VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng như đại diện cho đa số người nộp thuế thu nhập ở Indonesia. 

Điều này đồng nghĩa, nhóm sẽ trông đợi các lợi ích công và quản trị tốt hơn để đổi lại phần đóng góp thuế lớn của mình.

Do vậy, thành công của cải cách hệ thống thuế ở Indonesia sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc tăng nguồn thu, mà còn phụ thuộc vào việc ngân sách công được chi tiêu hiệu quả ra sao. 

Chắc chắn việc cung cấp hàng hóa công hiệu quả, hiệu năng sẽ nhận được sự ủng hộ của người đóng thuế, trong khi chi tiêu lãng phí sẽ làm xói mòn lòng tin của họ. 

Theo không ít chuyên gia, cải cách thuế cần phải song hành với việc chi tiêu nguồn thu ngân sách công một cách hiệu năng, hiệu quả, chống lãng phí.

Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc chậm giải ngân ngân sách công và không đạt mục tiêu chi ngân sách công đã và đang làm suy yếu tính hiệu quả, hiệu năng trong chính sách của chính phủ. 

Không ít chuyên gia đã cảnh báo, trong khi Indonesia tiến hành cải cách hệ thống thuế, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm những nỗ lực này không bị ảnh hưởng bởi việc chi tiêu lãng phí. 

Phân bổ ngân sách công cần thể hiện những ưu tiên chính sách thực sự và hiệu quả, trong đó những mục tiêu chính sách cần có tính khả khi, cũng như xác định rõ cách thức huy động và phân bổ nguồn lực. 

Một ngân sách có trách nhiệm chắc chắn sẽ thành công trong tương lai./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện