22/12/2024 | 09:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chống lãng phí chi tiêu ngân sách: Nhà nước đi đầu, làm gương

Phạm Nhẫn
Chống lãng phí chi tiêu ngân sách: Nhà nước đi đầu, làm gương Sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa, phân tích hiệu quả chi tiêu ngân sách - một trong những biện pháp chống lãng phí_Ảnh minh họa
Chống lãng phí những nguồn lực nói chung và chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước nói riêng là việc được chính quyền nhà nước và xã hội ở mọi nơi trên thế giới quan tâm, coi trọng và triển khai thực hiện từ lâu nay. Cách làm có khác nhau và kết quả đạt được cũng khác nhau, song nổi bật trước hết và trên hết là nhận thức chung về tầm quan trọng vô cùng to lớn của việc chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước.

Hai nhân tố luôn được đặc biệt coi trọng

Thực tiễn cho thấy ở những nơi rất thành công hoặc thành công trong việc chống lãng phí trên phương diện chi tiêu ngân sách nhà nước, 2 nhân tố sau đây luôn được đặc biệt coi trọng.

Nhân tố thứ nhất là cách tiếp cận “không tạo điều kiện và cơ hội cho lãng phí” trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Nói cách khác, đấy là cách tiếp cận “phòng trước khi chống và phòng ngừa ngay từ đầu để không phải chống về sau”. Trong khía cạnh này, việc thực hành tiết kiệm triệt để và liên tục đóng vai trò then chốt. Nhân tố thứ hai là sự kiên định quyết tâm và sự nhất quán của chính quyền nhà nước trong chống lãng phí về chi tiêu ngân sách nhà nước. Ở đây đề cập đến trách nhiệm đặc biệt của chính quyền nhà nước, vì chính quyền nhà nước vừa trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước, vừa cấp phát ngân sách nhà nước cho các ngành và địa phương, đồng thời chính quyền nhà nước thực thi việc quản lý, giám sát và kiểm soát tất cả những gì liên quan đến sử dụng ngân sách nhà nước. Chính quyền nhà nước chịu trách nhiệm đầu tiên và trước hết về tình trạng lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước, bởi chỉ có chính quyền nhà nước và những đơn vị, tổ chức được chính quyền nhà nước ủy thác mới được trực tiếp sử dụng nguồn vốn là ngân sách nhà nước. Những điều này đều hàm ý chính quyền nhà nước phải đi đầu, làm gương trong việc sử dụng ngân sách nhà nước và thực hiện chống lãng phí về chi tiêu ngân sách nhà nước.

Kiểm soát, sử dụng ngân sách hiệu quả, hiệu suất

Cách làm của nhiều nơi trên thế giới về chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước thường bắt đầu từ việc xác lập kỷ cương chặt chẽ trong mọi khía cạnh liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước, quy định cụ thể và minh bạch, chế tài rõ ràng và nhất quán. Có thể hiểu ở đây là luật pháp và tất cả các quy định hành chính liên quan phải đi trước, phải để cho các bên liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước tiếp cận kịp thời, đầy đủ và dễ dàng. Mục đích phòng ngừa lãng phí và lạm dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải được xác định và thể hiện rõ ngay từ đầu trong luật pháp, những văn bản pháp quy và quy định hành chính liên quan.

Tiếp đến là chủ trương thực hành tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm triệt để và liên tục là một trong những cách thức hiệu quả nhất đưa lại hiệu ứng chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Trên phương diện này, có biện pháp rất hữu dụng là cắt giảm những chi tiêu không cần thiết. Chẳng hạn như ở Mỹ, các cơ quan chính phủ có trách nhiệm thường xuyên đánh giá lại hiệu quả và giá trị của các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thậm chí còn thành lập Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ (GAO) để kiểm tra mức độ hiệu quả thiết thực của các khoản chi tiêu từ ngân sách nhà nước. Hay như ở Anh, chính phủ thực thi chương trình Spending review thường xuyên để đánh giá và quyết định cắt giảm những khoản chi, dự án không cần thiết, hoặc không còn phù hợp với ưu tiên chính sách hiện tại của chính phủ.

Để phòng ngừa và chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, biện pháp chung được rất nhiều nơi trên thế giới vận dụng là sử dụng ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở hiệu quả và hiệu suất, đi cùng với kiểm soát chặt chẽ các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ví dụ như Australia áp dụng mô hình Performance-Based Budgeting (sử dụng ngân sách dựa trên hiệu suất). Hay như ở Thụy Điển, chính phủ thực thi chính sách phân bổ ngân sách nhà nước theo từng giai đoạn để buộc cơ quan, đơn vị hay tổ chức nhận ngân sách nhà nước phải đạt được mục tiêu đề ra cho giai đoạn trước thì mới được cấp ngân sách nhà nước cho giai đoạn tiếp theo. Nhật Bản chống lãng phí, đội vốn dự án và lãng phí bằng cách kiểm soát chặt chẽ các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, quy định rất chặt chẽ về đấu thầu, bắt buộc đấu thầu phải công khai. Ở Na Uy, chính phủ đề ra các tiêu chí rõ ràng về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường áp dụng trong hệ thống quản lý các dự án công.

Minh bạch về ngân sách, rõ ràng trong giải trình

Minh bạch về ngân sách và quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm giải trình trong những việc, những công đoạn liên quan đến sử dụng ngân sách nhà nước được các nơi xếp vào diện những biện pháp chính sách rất hữu dụng về chống lãng phí về chi tiêu ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, Đức có quy định buộc các cơ quan nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước phải lập báo cáo định kỳ về hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, có nghĩa vụ giải trình trước quốc hội và người dân. Canada ban hành luật pháp rất nghiêm ngặt để ngăn ngừa tham nhũng và xung đột lợi ích trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, qua đó bảo đảm ngân sách nhà nước được sử dụng một cách có trách nhiệm và minh bạch.

Minh bạch, rõ ràng và cụ thể ngân sách nhà nước, về cả cơ cấu lẫn phân bổ ngân sách nhà nước cho ngắn hạn cũng như cho lâu dài, về cả quản lý lẫn kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình sử dụng ngân sách nhà nước. Các nơi đều công khai thông tin về ngân sách nhà nước, về kế hoạch ngân sách và sử dụng ngân sách, về tăng hay giảm ngân sách để công chúng và xã hội giám sát.

Một biện pháp chính sách về chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước được nhiều nơi trên thế giới trong thời gian gần đây tăng cường áp dụng là sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa ngân sách nhà nước, phân tích hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước để đưa ra những quyết định đúng đắn, thiết thực hơn liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước. Singapore vận dụng rất rộng rãi biện pháp chính sách này. Hàn Quốc áp dụng Hệ thống e-Budget - một nền tảng kỹ thuật số - để quản lý và vận hành toàn bộ quá trình lập kế hoạch, phê duyệt, phân bổ, quản lý, giám sát và kiểm soát việc sử dụng ngân sách nhà nước. Ở Ấn Độ, chính phủ sử dụng những ứng dụng trên nền tảng số giúp người dân, có thể giám sát các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, phát hiện và tố cáo những trường hợp lãng phí và tham nhũng. Sự tham gia của người dân và dư luận rất hữu ích cho việc chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Một cách làm rất thú vị ở Brazil là mô hình Participatory Budgeting (mô hình ngân sách tham gia), trong đó người dân địa phương có quyền tham gia quyết định những phần nào đó trong ngân sách công của địa phương, hoặc liên quan đến địa phương,vừa tăng cường tính minh bạch vừa giúp chống lãng phí về sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Có thể thấy kinh nghiệm thực tiễn về chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước rất đa dạng và phong phú, có giá trị và hữu ích đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong chống lãng phí./.