Phòng ngừa, kiểm soát lãng phí thông qua cắt giảm chi phí trong khu vực công
Vũ Thanh VânYêu cầu bức bách
Cắt giảm chi phí là đòi hỏi khách quan và thường xuyên đối với các chính phủ dù nền kinh tế đang tăng trưởng tốt hay đang đối mặt với khó khăn, lạm phát. Tuy nhiên, trong thời kỳ kinh tế suy thoái, lạm phát cao, đòi hỏi này càng trở nên cấp bách và quyết liệt.
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, các chính phủ buộc phải gia tăng chi tiêu cho các chương trình hỗ trợ kinh tế, xã hội cho người dân và doanh nghiệp, trong khi nền kinh tế mất đà phát triển và nguồn thu suy giảm.
Trong bối cảnh đó, các chính phủ phải duy trì hoạt động với nguồn lực hạn chế hơn trong khi kỳ vọng của người dân về những sự hỗ trợ chỉ tăng, không giảm.
Một nghiên cứu của hãng tư vấn McKinsey (Mỹ) với 3.000 công chức ở 18 quốc gia cho thấy, 43% các nỗ lực chuyển đổi trong khu vực công giai đoạn 2013 - 2018 xác định cắt giảm chi phí là mục tiêu cốt lõi.
Tuy nhiên, McKinsey cũng chỉ ra rằng, các chương trình cắt giảm chi phí hoạt động thường thất bại nếu không kết hợp với mục tiêu cải thiện hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Những người tham gia nghiên cứu đánh giá, chỉ có khoảng 19% số chương trình cắt giảm chi phí của các chính phủ là thành công.
Kết quả khiêm tốn này theo McKinsey là do tiếp cận sai lầm trong việc lấy chỉ tiêu cắt giảm làm mục tiêu duy nhất mà không xét đến hiệu quả hoạt động.
Kinh tế khó khăn không phải là nguyên nhân duy nhất buộc các chính phủ triển khai những chương trình cắt giảm chi phí. Bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, tình trạng chồng chéo về trách nhiệm là một trong những nguyên nhân cơ bản. Chính phủ càng cồng kềnh, kinh phí vận hành càng lớn và cơ chế phối hợp càng phức tạp.
Vì thế, các chương trình cắt giảm kinh phí thường gắn liền với việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Nhà triết học Mỹ Robert Nozick thậm chí đưa ra đề xuất táo bạo về mô hình “nhà nước tối thiểu”, tập trung vào những chức năng cốt lõi của chính phủ để làm thật tốt và tiết kiệm chi phí vận hành.
Tại Mỹ, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ (GAO) có trách nhiệm rà soát, theo dõi tình trạng phân tách, chồng chéo và lẫn lộn trong các cơ quan chính phủ, từ đó đề xuất các biện pháp cắt giảm kinh phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hằng năm GAO đưa ra đề xuất, kiến nghị cho các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ và các đề xuất này được đánh giá là đã giúp tiết kiệm hàng chục tỷ USD.
Năm 2021, GAO đề xuất Bộ Y tế và Dịch vụ con người cải thiện mô hình điều phối các bệnh truyền nhiễm để khắc phục tình trạng chồng lấn trách nhiệm giữa các đơn vị trực thuộc đồng thời nâng cao năng lực phản ứng trước các đợt bùng phát dịch.
Từ năm 2011 đến năm 2021, GAO đưa ra hơn 1.100 giải pháp để cắt giảm chi phí, gia tăng nguồn thu đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ. Các giải pháp này giúp tiết kiệm khoản tiền ước tính lên đến 429 tỷ USD thông qua việc tích hợp các mục tiêu giống nhau và loại bỏ các hoạt động trùng lặp của các cơ quan chính phủ.
Báo cáo năm 2021 của GAO cho rằng: “Chính phủ Liên bang đã thực hiện giải pháp tài chính chưa từng có để ứng phó với đại dịch COVID-19. Khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi, Quốc hội và chính quyền cần xây dựng và nhanh chóng triển khai kế hoạch để bảo đảm nền tảng tài chính bền vững dài hạn cho chính phủ”.
Trong khi đó, năm 2023, Chính phủ Đức thông qua kế hoạch cắt giảm kinh phí hoạt động 30,6 tỷ euro trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi từ đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraina gia tăng sức ép về năng lượng. Biện pháp không thể trì hoãn này ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực như y tế, giáo dục và chăm sóc trẻ em.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng, việc cắt giảm kinh phí là để thay đổi thói quen chi tiêu rộng rãi trong nhiều năm và “giảm bớt gánh nặng nợ nần cho đất nước, đồng thời không gia tăng gánh nặng thuế khóa cho doanh nghiệp và người dân”.
Giải pháp căn cơ
Các chính phủ trên thế giới không thể không cắt giảm kinh phí hoạt động, nhưng phải tìm kiếm giải pháp căn cơ để các chương trình cắt giảm kinh phí không phản tác dụng.
Các cơ quan và công chức trong chính phủ cơ bản không thoải mái, sẵn sàng với các nỗ lực kiểm soát chi tiêu, còn người dân cũng không hài lòng nếu đầu tư cho y tế, giáo dục và văn hóa giảm đi. Hãng tư vấn McKinsey đưa ra giải pháp thông minh để cắt giảm chi phí trong khu vực công gồm 3 nội dung.
Một là, bảo đảm đủ nhân sự để gánh vác nhiệm vụ trong quá trình thay đổi. Việc cắt giảm chi phí của chính phủ nhắm đến giảm bớt các hoạt động chi tiêu bất hợp lý hơn là cắt giảm con người.
Hai là, sử dụng các khoản kinh phí tiết kiệm được để đầu tư cho các chương trình và nỗ lực cải cách, đổi mới hoạt động. Các chương trình cắt giảm kinh phí thực chất là để tiết kiệm, chống lãng phí và tập trung nguồn lực cho những chương trình thật sự thiết thực, mang lại lợi ích cho xã hội và người dân.
Nếu chính phủ thực hiện được điều này, người dân và doanh nghiệp sẽ đón nhận, ủng hộ, thay vì phản đối chương trình cắt giảm kinh phí. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp thứ hai này, chính phủ phải có kỷ luật chi tiêu, điều chỉnh quy trình phân bổ ngân sách và ra các quyết định tài chính.
Ba là, các chính phủ cần tăng cường tổng hợp và phân tích dữ liệu tài chính, đồng thời ứng dụng công nghệ trong các quy trình giải quyết giao dịch và cung cấp dịch vụ công.
Các chương trình chuyển đổi số quốc gia hay tăng cường cơ sở vật chất và nền tảng công nghệ quốc gia chính là bước đi chủ động, mang tính chiến lược để đạt được mục tiêu tối ưu hóa hoạt động, giảm bớt chi phí vận hành, mang lại sự hài lòng hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Các quy trình, thủ tục rườm rà, phức tạp không chỉ tốn thời gian, tạo cơ hội nhũng nhiễu mà còn làm phát sinh lãng phí nguồn lực.
Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ) đưa ra lộ trình năm bước giúp các chính phủ chi tiêu thông minh hơn gồm: tăng cường sự minh bạch, xây dựng cơ chế điều phối trung ương hiệu quả, tối ưu hóa các hoạt động ưu tiên, nâng cao hiệu quả hoạt động theo chức năng và điều chỉnh động lực làm việc.
Báo cáo tư vấn của hãng đề xuất: “không giống như doanh nghiệp trong khu vực tư, các cơ quan chính phủ không thể sử dụng động lực tài chính như cơ chế chính để khuyến khích nhân viên. Tuy nhiên, họ có thể sử dụng các phương pháp tạo động lực phi tài chính như ghi nhận tấm gương xuất sắc, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, trao cơ hội lãnh đạo...”. Việc tạo động lực cho cán bộ giúp cán bộ hoàn thành công việc với hiệu quả cao hơn, tiết kiệm nguồn lực hơn.
Một số nhà nghiên cứu thậm chí đề xuất chính phủ áp dụng mô hình và quá trình sản xuất tinh gọn của doanh nghiệp vào hoạt động của chính phủ. Sản xuất tinh gọn là mô hình bao gồm các nguyên tắc, công cụ cải tiến nhằm loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ của tổ chức đồng thời mang lại giá trị lớn hơn cho khách hàng.
Ví dụ, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đưa ra bộ hướng dẫn về chính phủ tinh gọn bao gồm các chỉ số về thời gian, chi phí, quy trình, chất lượng và kết quả đầu ra để tối ưu hóa hoạt động với nguồn lực tiết kiệm hơn.
Hãng tư vấn McKinsey thì cho rằng, việc áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn của doanh nghiệp vào chính phủ sẽ giúp cải thiện “hệ điều hành” của chính phủ, từ đó giúp tiết kiệm kinh phí hoạt động từ 15 đến 30%.
Bản chất của mô hình sản xuất tinh gọn chính là tiết kiệm, cắt giảm chi phí thông qua phòng ngừa, kiểm soát lãng phí, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động.
Một bộ máy chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả chính là bộ máy tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Bộ máy ấy không lãng phí kinh phí cho những nhân sự làm việc nửa vời, những hoạt động không thiết thực và những chính sách không hợp lý.
Nó gắn liền với việc xây dựng môi trường và văn hóa làm việc chuyên nghiệp, văn minh và hiệu quả, trong đó con người làm việc hết mình và được đãi ngộ xứng đáng./.