18/05/2024 | 23:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vết sẹo

Nguyễn Tri Thức

Xưa, thi thoảng tôi lại sờ vào cằm, thấy gờn gợn vết sẹo tuổi ấu thơ hằn rõ. Thói quen cứ thế mà thành, mà nhắc nhớ cũ xưa. Từ ngày phải cạo râu, thói quen ấy dần nhạt phai, bởi khi soi gương đã thấy hình hài vết sẹo, đủ để không quên những gì đã qua.

Vết sẹo ấy, tôi vẫn nhớ như in tại sao lại có. Ấy là một buổi chiều cuối tuần nóng bức mùa hè, bố đi công tác về vội vã dựng xe đạp, tất tả tìm chỗ để treo chiếc võng đay mới mua. 

Ngày chưa có điện, nhiều đêm nóng bức mẹ mỏi nhừ hai tay phe phẩy chiếc quạt nan để cậu út ngủ khì. Những hôm trời đứng gió, bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành chiếc quạt, từ tờ báo, cuốn sách, chiếc mo cau hay chiếc quạt nan có ghi rõ tên từng người trên đó.

Ước mơ nằm võng đu đưa tạo gió mát lành luôn thường trực, lại dưới gốc cây bóng mát nữa thì thật không có gì bằng. 

Thế nên, khi bố mắc tạm chiếc võng trong căn phòng ngôi nhà cấp 4 thấp tè, chật hẹp, mấy chị em tôi ai cũng hí hửng, háo hức để leo lên đu đưa, thậm chí còn đẩy thật mạnh để võng chao đi thật xa. 

Cảm giác mạnh, những làn gió thổi bay mái tóc khiến ai cũng hưng phấn, tranh nhau ngồi võng. Đến nỗi vào bữa tối, tôi ôm cả bát cơm lên võng ngồi ăn cho mát. 

Bất cẩn là hẳn nhiên rồi, võng lật và tôi ngã. Bát cơm vỡ, một mảnh sắc nhọn chạm nhẹ vào cằm. Máu chảy đỏ loang lổ. Mẹ vội vàng sơ cứu, cầm máu vết thương. Bố lẳng lặng tháo chiếc võng cất đi.

Hôm nay, Hà Nội nắng nóng cao điểm. Thế mà trên quê nhà lại mất điện. Quả là cực hình, bởi đã quen với quạt điện, lệ thuộc vào điều hòa rồi. 

Bất chợt, tôi nhớ những tháng ngày cũ xưa tuổi thơ lam lũ, thiếu thốn đủ bề. Nhớ chiếc võng và vết sẹo. Ký ức ùa về nhọc nhằn, tinh khôi. 

Lướt mạng, thấy nhiều người viết về ngày của cha. Ấy là một ngày có nguồn gốc từ phương Tây, người ta đề ra rồi thực hiện thế. Để có một ngày các bậc làm con nhớ tới công ơn thế hệ sinh thành mà làm việc tốt báo hiếu. 

Là đề ra thế thôi, cho thêm sự nhắc nhớ, vinh danh, chứ có nơi nào trên thế gian này, việc hiếu đễ phải đợi đến đúng ngày mới thực hiện.

Việt Nam không có ngày của cha, nhưng không vì thế mà tình cảm cha con thiếu gắn kết, keo sơn so với tình phụ tử những nơi khác. Trái lại, tình cảm sâu nặng “công cha như núi Thái Sơn” ở nước Việt không người con nào có thể lãng quên. 

Dù những người cha hiếm khi tỏ bày tình cảm bằng lời nói, mà chỉ thâm trầm, lặng sâu chất chứa điệp trùng, tầng nấc những cội nguồn “nước mắt chảy xuôi”. 

Như chiếc võng mới mua bố vừa treo xong đã vội vàng tháo bỏ khi thấy con mình bị ngã vì bất cẩn. 

Như vết sẹo trên cằm theo tôi suốt cuộc đời ấy, rõ ràng là để nhắc nhớ về một thời khó nhọc không thể nào quên, là để biết mình cũng có món “nợ đồng lần” mà biết vén vun, đắp bồi cho thế hệ sau. 

Chẳng hà cớ gì mà phải kêu ca, than thở, so bì với “nhà người ta”.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, các cụ đúc kết rồi, cấm có bao giờ sai./.

17 April 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)