20/05/2024 | 18:54 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bởi quê hương, nên không thể nói nhiều

Nguyễn Tri Thức

Tôi ngồi một mình ở cái chòi nho nhỏ bố mới dựng trên nền đất trước kia là bể bê-tông bé xinh được xây để thả cá, trồng sen. Nhấp ngụm trà rồi thảnh thơi vắt chân lên chiếc ghế gỗ thấp tè nhìn ra khu vườn xanh mướt tốt tươi các loại cây ăn quả, cây tạp. Nơi ấy, trước đây là cái ao có nguồn nước lưu thông với con kênh sát nhà, bốn mùa ì oàm, lách tách tiếng cá quẫy. 

Con kênh đôi bờ kè bê-tông bây giờ bé tẹo, cảm giác có thể nhảy qua được ấy thế mà trước đây sao thấy to rộng, mênh mông nước đến thế! Rồi những rặng tre bên bờ sông phía làng um tùm xanh mát rủ bóng xuống dòng sông giờ cũng nhường cả cho nhà cửa, sân vườn. 

Con sông tuổi thơ đôi bờ lở bồi giờ chỉ còn hằn in trong ký ức. Những sợi chỉ kết nối quá khứ với đầy ắp những câu chuyện, khung cảnh, con người cứ mênh mông, kéo dài, xâu chuỗi thế chả thể ngắt mạch nghĩ suy, nếu như không có khách đến...

Xa quê đã hơn 3 thập niên, kể từ hồi trở thành sinh viên và xuống Hà Nội học rồi “ở trọ” Thủ đô, nhưng hầu như tháng nào tôi cũng về nhà. Thế nên, họ hàng thân thiết, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau và cả khách quen của bố mẹ và gia đình, tôi vẫn biết rành rẽ. Những câu chuyện cũng không có gì phải ý tứ, giữ kẽ. 

Lan man vài câu chuyện xưa nay thuộc các lĩnh vực khác nhau, bất chợt có người nhận xét nửa đùa, nửa thật, rằng đi khắp nơi, viết đủ cả năm châu, các tỉnh thành mà ít viết về tỉnh mình, về quê hương mình. 

Tôi chợt sững người, quả đúng là thế thật. Những bài viết về quê hương chỉ đếm trên đầu ngón tay, và tuyệt nhiên chưa có bài nào về xã nơi mình sinh ra, lớn lên, ngoại trừ bài viết từ hồi sinh viên khi bí đề tài, khi chưa thể đi công tác. 

Bài báo ấy, tôi vẫn nhớ đến bây giờ, đó là viết về những đôi vợ chồng trẻ ở thôn xóm mình tách ra ở riêng, chịu khó làm lụng, kinh tế khấm khá. Bài báo ấy, tôi nhớ khi ra tòa soạn lĩnh nhuận bút được 60.000 đồng, bác phó tổng biên tập có nói rằng, “bằng mấy tạ thóc ở quê đấy”. 

Tôi không nhớ rõ giá gạo hồi ấy, nhưng chắc chắn không thể nào quên bữa cơm bụi sinh viên có giá chỉ trên dưới 1.500 đồng, hôm nào ăn sang có thêm thịt gà, trứng tráng là 2.000 đồng...

Câu nhận xét nửa đùa, nửa thật của bác hàng xóm bỗng chốc làm sống dậy những mạch chuyện xưa nay, những câu chuyện không đầu không cuối. Ấy thế mà xôn xao tâm trạng, trăn trở nghĩ suy. Hóa ra đã gần 3 thập niên rồi, tôi đã xa quê, đã chuyển hộ khẩu trở thành công dân Thủ đô. Ba thập niên ấy, biết bao sự đổi thay ở xã mình, huyện mình, tỉnh mình, tôi vẫn chứng kiến nhiều. 

Ấy thế mà lại vô tâm, dửng dưng chả mấy khi viết bài về những chuyển động của địa phương mình, về những đổi thay đáng mừng hay những trở trăn, băn khoăn cần lên tiếng. Thôi thì đành tự an ủi rằng, bởi là quê hương nên không thể nói nhiều, viết nhiều, cứ để “hữu xạ tự nhiên hương”, cứ để đồng nghiệp thể hiện thì sẽ khách quan hơn.

Nhưng như thế, cũng chợt thấy chột dạ, hóa ra có phải những gì mình biết, thậm chí biết rõ, mà không nói ra đều là tốt đâu.../.

23 September 2023
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)