20/05/2024 | 16:00 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tàu chợ

Nguyễn Tri Thức

Nhà tôi nằm sát đường tàu, cách đó không xa là ghe xép nhỏ bé, vắng lặng, buồn hiu hầu như cả ngày. Chỉ những khi có tàu, nhà ga mới huyên náo tiếng người í ới gọi nhau, thúc giục công việc. Cả những tiếng hò hét, chửi thề. Vì vội vã. Vì lo sợ không kịp tàu, nhỡ hàng, nhỡ chuyến...

Ga xép, chỉ có tàu hàng và tàu chợ đỗ vài phút rồi tất bật ngược xuôi. Những người đi tàu còn tất bật hơn vạn lần con tàu chỉ biết theo hiệu lệnh, thời gian rồi hú còi dừng lại, rời đi trong chốc lát. Khách đi tàu chợ chủ yếu là bà con nông dân, những tiểu thương buôn bán nông sản. 

Đủ các loại rau, củ, quả, lúa, gạo, thậm chí cả gia súc, gia cầm,... cũng đều được bà con nông dân, người đi buôn mang đến ga, đưa lên tàu để chuyển tới những miền quê nơi núi rừng 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai rồi tỏa đi khắp các làng quê chật vật thiếu thốn đủ đường.

Người dân quê tôi nhớ như in khi qua ga Hướng Lại tàu sẽ dừng ở các ga Bạch Hạc, Việt Trì, Phủ Đức, Tiên Kiên, Phú Thọ, Chí Chủ, Vũ Ẻn, Ấm Thượng, Đoan Thượng, Văn Phú, Yên Bái, Cổ Phúc, Ngòi Hóp, Mậu A, Mậu Đông, Trái Hút, Lâm Giang, Lang Khay, Lang Thíp, Bảo Hà, Thái Văn, Cầu Nhò, Phố Lu, Lạng, Thái Niên, Làng Giàng, Lào Cai. 

Nhiều ga mang tên địa danh mà nhà ga đứng chân. Tôi không rõ ga Hướng Lại quê tôi mang ý nghĩa gì, hỏi thì cũng không có được thông tin thêm, chỉ biết đó là một nhà ga xe lửa tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, là một điểm của tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và nối giữa ga Vĩnh Yên và ga Bạch Hạc. 

Nhưng tôi chắc sẽ nhớ mãi một lần được các chị gái cho đi tàu chợ, như một sự khen thưởng vì thành tích học tập, vì ngoan ngoãn. Nhà tôi bố mẹ đều là công chức, nhưng lương “ba cọc ba đồng” không đủ nuôi sống cả nhà, nên mọi công việc đồng áng mẹ và chị em tôi đều thạo, kể cả buôn ngược bán xuôi.

Lần đầu được đi tàu, sự háo hức hiển hiện. Tôi cứ như cái đuôi bám nhằng nhẵng các chị. Không rời nửa bước, mặc cho các chị túi bụi, tất bật, khó nhọc khuôn khuôn, vác vác những bao tải gạo nặng trĩu vần lên tàu để mang bán trên miền núi. 

Lên tàu, dù chỉ được đứng một chân, chen vai thích cánh, nhưng tôi vô cùng háo hức ngó nghiêng, nghe ngóng, dõi mắt nhìn phía làng quê tĩnh mịch, tối om leo lét ánh đèn dầu. Các chị thì lo ngay ngáy giữ các bao tải, có bao phải buộc vào thanh nắm cửa lên xuống tàu. 

Rồi tàu chợ cũng nhọc nhằn đến ga Yên Bái. Tôi lẽo đẽo theo các chị mua bán. Ai cũng vội vã, hối hả, khuôn mặt vàng vọt dưới ánh điện leo lét. Sự nhọc nhằn, khắc khổ, lam lũ bao trùm. Bán hết hàng, các chị tôi cũng như mọi người, mua khoai, sắn, gia cầm... ở miền ngược mang về bán ở chợ quê. 

Khi về, vẫn tàu chợ. Vẫn chen chúc, vội vàng. Tôi còn nhớ thêm một điều rất sâu nặng rằng, các chị tôi bị người xấu dọc đường cắt mất bao tải sắn. Vậy là bao công sức, mồ hôi kiếm lời lãi được mấy đồng đã thâm hụt. Mắt các chị đỏ hoe vì tiếc của.

Sau này, tôi cũng nhiều lần đi tàu chợ, nhưng là đi ngược tuyến thời tuổi thơ duy nhất một lần được các chị cho “bám đuôi”, để xuống Hà Nội học. Tàu chợ giá vé rẻ đã đành, nhưng có lúc cũng phải đánh đu theo một số người leo lên nóc tàu, qua khỏi ga khi tàu còn đang chậm rề xuất phát, để hồi hộp, liều lĩnh nhảy tàu trốn vé vì bần cùng không một xu dính túi...

Bây giờ, tàu chợ vẫn còn. Nhà tôi vẫn ở sát đường tàu. Thi thoảng, tôi cũng tản bộ ra xem tàu chợ, nhưng không còn đông đúc, chật ních người và hàng nữa. Không còn những bao tải lúa, ngô, khoai, sắn,... treo lủng lẳng ở các cửa tàu và người đi chợ tháo xuống khi tàu sắp vào ga. Vừa cho kịp giờ, cũng là vừa trốn cước hàng hóa. Đồng tiền không dễ kiếm khiến con người ta đôi khi cũng phải “đánh mất mình” như thế...

Thời bao cấp, chả riêng gì tàu chợ, phương tiện giao thông nào cũng hiếm hoi, ít ỏi, cũng như nêm người, nêm đồ đạc, hàng hóa. Cũng đều những phận người tất bật, nhếch nhác, lo toan. Ngoảnh lại, thấy sự đổi thay là rất lớn, rất nhanh. Chả mấy chốc, tôi cũng đến khi nghỉ chế độ, về với quê hương, với đường tàu. Và nhớ về những chuyến tàu chợ xưa với biết bao cảm xúc, sự biết ơn.../.

28 June 2023
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)