Những ngày hè cháy khát
Nguyễn Hoài Anh
Ngày nhỏ, nghỉ hè tôi thường được về quê ngoại. Ông mất sớm. Bà một mình nuôi con, cực khổ, vất vả trăm bề. Bà gầy yếu, lưng còng như cái liềm.
Mẹ tôi thoát ly, làm cán bộ, đẻ 4 đứa con. Chúng tôi lớn lên bằng tem phiếu, chỉ biết cày đường nhựa, nhưng hè nào cũng thích về với bà ăn cơm quê, làm nông dân tập sự.
Niềm vui bất tận mùa hè thời thơ bé là lêu hêu chạy chơi trên cánh đồng làng. Trèo cây vặt vài thứ quả cả xanh lẫn chín trong vườn nhà. Thì thũm tắm ao. Dính ve, thả diều...
Lớn hơn một chút biết đi chăn trâu, mót khoai, bắt tôm, cua, muồm muỗm, đốt lửa nướng ăn. Khát thì uống nước sông, nước ngòi. Có lần, trượt chân xuống sông, nước cuốn suýt chết.
Vẫn nhớ như in buổi chiều hè đó, ông cất vó bè lôi tôi ướt lướt thướt lên từ sông Diêm, nằm ngáp ngáp giữa đám cỏ dại. Bà tôi vừa chạy vòng quanh, vừa gào khóc, hú hồn, hú vía cháu gái.
Có lẽ, tiếng gọi thê thiết giữa chiều sắp tắt nắng, vừa hoang hoải, vừa ma mị đã lôi tôi về lại với thế giới này. Sau đận đó, bà cấm tiệt tôi đi chăn trâu.
Lớn hơn chút nữa, tôi biết giúp bà gặt lúa, thu mùa. Đòn gánh siết rát vai, kéo còng lưng, mồ hôi ướt đẫm. Tối rải lúa xuống sân, kéo trục đá. Một người kéo, 1 hoặc 2 người đẩy. Kẽo kẹt vài giờ cũng được mẻ lúa. Sáng mai đợi nắng, phơi giòn rồi rê gió. Hạt thóc là hạt nhọc nhằn.
Mâm cơm của bà chỉ có món cá đồng kho với quả chay, chuối xanh, nước chè. Mỗi con cá cõng bao nhiêu chua chát. Món canh của bà là những loại rau bà trồng hoặc mọc dại trong vườn, một nắm ngót, mùng tơi, rau dền, rau dệu nấu với chút mắm cáy.
Bà nấu bếp rạ khéo lắm, nồi cơm vùi xuống tro là bắc nồi canh. Nồi cá kho ủ trấu cả buổi, ăn cả đầu lẫn xương. Cơm gạo mới thơm lừng, từng hạt tròn căng, dẻo dính, khe khẽ nhai thấy lép bép trong miệng.
Làng Khai Lai của bà ngày xưa có cái quán nhỏ đầu làng, họp chợ chớp nhoáng đầu buổi sáng. Người làng trao đổi mớ rau, con cá hái được, bắt được trong vườn, dưới ruộng.
Bà thường mang ra quán bán mấy nón chè hái trên cây từ tối hôm trước. Vườn chè của bà thân mốc thếch, cao ngang đầu người, lần hồi đủ lá cho bà hái bán quanh năm, đắp đổi mới cá, mớ tép.
Thỉnh thoảng, bà dẫn tôi đi chợ huyện. Đấy là những năm lưng bà chưa còng rạp. Bà đi kiểu chúi chúi người, mà bước nhanh lắm. Tôi vừa đi, vừa chạy lúp xúp bên bà, mỏi chân vô kể.
Đến chợ, thể nào bà cũng mua cho vài thứ quà quê. Cái bánh rán mật, khúc sắn luộc, khẩu mía,... nhâm nhi chờ bà mua, bán đến trưa trật.
Bà biết nghề nấu rượu và làm hàng xáo. Bà đong thóc, bán gạo, nấu rượu, vén khéo, đảm đang. Mẹ tôi kể, ngày mẹ còn nhỏ, ban ngày bà đi làm thuê, làm mướn, được chủ nuôi ăn bữa trưa và tối về trả công bơ gạo.
Bữa trưa bà chỉ ăn 2 xới, còn nắm lại dành cho con ăn tối. Bơ gạo thì bầy con ăn bữa trưa mai, bớt lại một nắm to để dành ngày mưa bão.
Những ngày không đi làm thuê, bà nhận vá quần áo cho người ta. Bà vá khéo lắm, mũi chỉ thẳng thớm, nhỏ li ti, công được vài xu, mà cứ chắt chiu, lượm lặt từng chút để nuôi con như thế.
Sau này, mẹ và các bác tôi lớn lên, đi làm nhà nước, nhà bà không còn đói, nghèo nữa, nhưng cái tính chi chút, tiết kiệm thì không bỏ được. Mua tặng bà cái áo, cái quần, bà vẫn cứ khâu khâu, vá vá, rách quá thì cắt làm xà cạp quấn chân đỡ nắng lúc đi làm đồng.
Tôi nhớ như in dáng bà ngồi nghiêng nghiêng bên khung cửa, gương mặt gầy gầy, vành khăn vấn cắm vài cái kim khâu. Tôi ngồi bên, lần tay sờ lưng, sờ chân bà, giúp bà xâu kim.
Những mùa hè cháy nắng ấy, mệt, khổ nhưng đầy ắp niềm vui. Bà cháu cười rúc rích. Trong mắt cháu có nắng lấp lánh. Trong mắt bà có vệt sao mờ. Cháu thương bà nên không ngại việc, chỉ mong đỡ đần bà vài ngày hè ngắn ngủi.
Hết hè, buồn nhất là ngày mẹ về quê đón lên để đi học. Từ quê lên tỉnh có mấy chục ki-lô-mét. Mà ngày ấy thấy xa lắc. Bà cháu nấn ná mãi không rời. Bà cứ đứng ở cổng nhìn theo.
Cháu đi xa, bà lại vòng lối vườn sau, rẽ rào tre, để nhìn thấy cháu thêm lần nữa. Thương cái lưng còng neo trên cây gậy gỗ, mòn xơ; thương bàn tay vẫy như lá héo. Dọc đường về cháu cứ khóc suốt.
Nước mắt, giờ vẫn còn rơi.../.