18/05/2024 | 22:46 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nguồn cội…

Nguyễn Tri Thức
Cây cối còn có nguồn cội thế, nữa là con người. Mấy ai trên đời có thể quên được quê hương “chôn nhau cắt rốn”, tổ tiên cội nguồn…

Hôm rồi, bất chợt tếu táo chuyện sau này về già muốn có được căn nhà nhỏ xinh ở lưng chừng đồi, phía dưới có cái ao và vườn tược trồng cây ăn trái, tôi nhớ về một chuyến đi miền Tây có liên quan đến vựa giống cây trồng nức tiếng. 

Ấy là lần đi thực tế tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre viết về đề tài nông thôn mới. Vĩnh Thành có thể được xem là trung tâm cây giống - hoa kiểng (hoa cảnh) cả nước, với nhiều nông dân tự mày mò, trao truyền kinh nghiệm, “học lỏm” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội mà trở thành những nghệ nhân, những thợ lành nghề.

Đến mức, ông Nguyễn Văn Liêm - Bí thư đảng ủy xã Vĩnh Thành - phải thừa nhận rằng, “về mặt kỹ thuật ghép cây thì không ai, không nơi nào vượt qua được người dân nơi đây”. 

Chả thế mà nhiều nhà vườn ở Vĩnh Thành nhập giống từ nơi khác, cả nước ngoài rồi về ghép. Nhưng cây ghép đạt chất lượng chuẩn F1 ấy nếu trồng ở đất địa phương lại không cho trái ngon, chất lượng mà phải trồng ở nơi chúng vốn là đặc sản, ví như bơ ghép ở Vĩnh Thành nhưng phải trồng ở Đà Lạt mới tuyệt hảo. 

Nghe thông tin ấy, tôi mới ngộ ra rằng, hoa thơm trái ngọt đâu phải chỉ bởi cây giống, mà còn nhiều yếu tố tác động trong quá trình sinh trưởng nữa, nhất là thổ nhưỡng, khí hậu. Mà những yếu tố ấy mới là điều quyết định!

Chuyện cây giống phải sống ở đúng nơi nó là đặc sản thực ra chả có gì là mới, chỉ là mình có để ý hay không thôi. Ví như bưởi Đoan Hùng đặc sản Phú Thọ chẳng hạn, dù vẫn giống ấy nhưng mang ra khỏi địa phương là thoái hóa, biến chất ngay. 

Hay như bưởi Diễn nức tiếng Hà Nội, có khi trồng ở ngay trên địa bàn Thủ đô thôi, cũng không còn bảo đảm chất lượng như tại quê hương. Hay như chè shan tuyết Bằng Phúc của Bắc Kạn cũng thế, cứ phải được trồng ở xã của huyện Chợ Đồn này mới cho chuẩn vị ngọt thanh dịu, mùi thơm nhẹ nhàng và màu vàng đặc trưng quyến rũ người thưởng thức. 

Nhân nhắc đến Bằng Phúc, cũng phải nói ngay là rượu men lá ở đây là một đặc sản, phân phối khắp các tỉnh, thành phố. Theo nhiều người nấu rượu ở đây, sở dĩ rượu men lá Bằng Phúc không nồng, uống không đau đầu là do ngoài men lá đặc sản địa phương, còn là bởi nguồn nước rất đặc trưng…

Những chuyện cứ lan man, vấn vít, thậm chí “dây cà ra dây muống” ấy kéo mạch suy nghĩ lang thang khắp những vùng, miền, địa phương mình đã đặt chân đến. Rất nhiều đặc sản gắn chặt với địa danh, hễ nhắc đến tên đặc sản là người ta nhớ ngay đến địa phương gắn liền với nó, sản sinh ra nó. Ấy là nguồn cội. 

Và chẳng khó gì để kể tên những sản vật địa phương như vậy, nào là vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, chè Thái Nguyên, chè shan tuyết Hà Giang, su su Tam Đảo (Vĩnh Phúc), thanh long Bình Thuận, bưởi Năm Roi Vĩnh Long, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), cà phê Tây Nguyên, vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang)…

Tất nhiên, ở thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ, với công nghệ hiện đại, cây giống đặc sản ở nơi này vẫn có thể sinh trưởng, phát triển và cho ra hoa trái chất lượng như ở nơi gốc rễ, cội nguồn chúng xuất hiện, thành danh. 

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tên gọi loại cây đặc sản ấy vẫn gắn liền với nơi nó sinh ra, cho dù có gắn thêm địa danh nào, ở bất cứ đâu đi chăng nữa.

Cây cối còn có nguồn cội thế, nữa là con người. Mấy ai trên đời có thể quên được quê hương “chôn nhau cắt rốn”, tổ tiên cội nguồn…./.

29 April 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)