Giải mã chiến dịch xuyên tạc vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt
Lê Thế Mẫu
Kỳ IV: Chiến thắng của Liên Xô ở Kursk đập tan lực lượng tăng thiết giáp chủ lực của phát xít Đức
Tiếp theo chiến dịch Moscow làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của phát xít Đức, chiến dịch Stalingrad làm phá sản toan tính của Adolf Hitler tung đòn hiểm tấn công vào hậu phương chiến lược của Liên Xô; chiến dịch Kursk của Hồng quân Liên Xô đánh tan tác lực lượng cơ giới tăng thiết giáp chủ lực của quân Đức, tạo lợi thế chính trị cho Liên Xô tại Hội nghị cấp cao Xô - Mỹ - Anh tại Teheran (Iran) năm 1943.
Chiến thắng tại Stalingrad và các chiến dịch tiếp theo của Hồng quân Liên Xô từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943 trên một chiến tuyến rộng lớn kéo dài từ Biển Baltic đến Biển Đen đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh quân sự của phát xít Đức.
Để ngăn chặn sự suy giảm tinh thần của quân đội và dân chúng, cũng như xu hướng chia rẽ xuất hiện trong liên minh chống Liên Xô, A. Hitler quyết định sử dụng “quả đấm thép” với lực lượng nòng cốt là các sư đoàn xe tăng và xe bọc thép để chuẩn bị tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào hệ thống phòng ngự của Liên Xô ở vòng cung Kursk với toan tính giành lại thế chủ động chiến lược đã bị Hồng quân Liên Xô vô hiệu hóa sau thất bại ở Stalingrad.
Về tương quan lực lượng vào thời điểm mùa hè năm 1943, quân số của quân đội Đức trên mặt trận phía Đông khoảng 4,8 triệu, chiếm tới 71% tổng quân số quân tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngoài ra, quân đội các nước chư hầu của Đức vào khoảng nửa triệu quân. Tổng quân số quân Đức trên mặt trận phía Đông trong tháng 6-1943 được tổ chức thành 232 sư đoàn, được trang bị khoảng 54.000 pháo và súng cối, 5.800 xe tăng và pháo tự hành, gần 3.000 máy bay và 277 tàu chiến.
Về phía Liên Xô, tổng quân số đã lên đến gần 6,5 triệu, trong đó 90% tập trung trên mặt trận Xô - Đức, được trang bị 6.232 xe tăng, 99.000 pháo và súng cối, gần 2.200 dàn pháo phản lực bắn loạt Katyusha, 8.298 máy bay chiến đấu. Ngoài ra, Liên Xô còn có 10 tập đoàn quân dự bị chiến lược. Như vậy, xét về tương quan lực lượng, Liên Xô giành ưu thế rõ rệt so với quân Đức.
Theo hồi ký của Nguyên soái Liên Xô A. Vasievsky, vào giữa năm 1943, thông qua hoạt động tình báo, Tổng hành dinh của Hồng quân nắm được kế hoạch của A. Hitler chuẩn bị kế hoạch sử dụng các sư đoàn xe tăng và xe bọc thép mạnh nhất để mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào khu vực Kursk. Trong bối cảnh đó, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: tấn công hay phòng thủ và nếu phòng thủ thì phải tổ chức lực lượng như thế nào?
Sau khi phân tích kỹ các dữ liệu tình báo thu được về chủ trương chiến lược của quân Đức và tham khảo ý kiến của chỉ huy các phương diện quân và các tập đoàn quân, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô quyết định đối phó với chiến dịch tấn công của quân Đức bằng cách tiến hành chiến dịch Kursk theo 2 giai đoạn phòng thủ và phản công.
Theo kế hoạch, mục tiêu của Hồng quân Liên Xô trong giai đoạn phòng thủ là sẽ đánh tiêu hao đáng kể lực lượng chủ lực của quân Đức, tạo điều kiện tiến hành phản công trong giai đoạn sau nhằm vô hiệu hóa toàn bộ “quả đấm thép” của kẻ thù. Đây là trường hợp hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh, khi bên chiếm ưu thế về lực lượng và nắm giữ thế chủ động chiến lược lại không mở chiến dịch tấn công mà lựa chọn phương thức tác chiến phòng thủ kết hợp phản công.
Về tương quan lực lượng trên mặt trận Kursk, Hồng quân Liên Xô có 1.336.000 quân, 19.000 pháo và súng cối, 3.444 xe tăng và pháo tự hành và 2.172 máy bay. Trong khi đó, quân Đức triển khai khoảng 900.000 quân, 10.000 pháo và súng cối, 2.700 xe tăng và pháo tấn công, khoảng 2.050 máy bay. Như vậy, Hồng quân Liên Xô chiếm ưu thế so với quân Đức cả quân số và trang bị không chỉ trên toàn mặt trận phía Đông mà cả trên phòng tuyến Kursk.
Trước khi quân Đức bắt đầu cuộc tấn công trên phòng tuyến Kursk, Bộ Tổng tư lệnh tối cao của Liên Xô nhận được tin tức tình báo chứng tỏ đối phương sẽ mở đầu cuộc tấn công vào 03h00 ngày 5-7-1943. Để làm suy yếu lực lượng tấn công của quân Đức, J. Stalin quyết định tiến hành cuộc phản pháo mạnh mẽ vào 01h10, buộc quân Đức phải hoãn thời điểm tấn công do bị thiệt hại nặng nề trước hoả lực chống tăng rất có hiệu quả của đối phương.
Chỉ tính riêng trong ngày giao tranh đầu tiên, quân Đức đã bị tổn thất tới 2/3 trong số 300 xe tăng tham chiến trong giai đoạn đầu. Sau khi làm rối loạn lực lượng tấn công của quân Đức, tới giữa tháng 7-1943, Hồng quân Liên Xô chuyển sang giai đoạn phản công. Đến ngày 23-8-1943, Hồng quân không chỉ đẩy lùi quân Đức ra khỏi vòng cung Kursk mà còn buộc phải rút lui về phía Tây 140 - 150km.
Tổng cộng, quân Đức bị tổn thất tới 30 sư đoàn tinh nhuệ trong trận chiến Kursk, trong đó có khoảng 500.000 binh sĩ tử trận, bị thương và mất tích; 1.500 xe tăng, hơn 3.000 máy bay và 3.000 khẩu pháo bị phá hủy. Hồng quân Liên Xô cũng bị thiệt hại lớn: 860.000 binh sĩ tử trận và bị thương, bị phá hủy hơn 6.000 xe tăng và pháo tự hành, 5.000 khẩu pháo và súng cối, 1.500 máy bay.
Tuy nhiên, tương quan lực lượng trên toàn mặt trận vẫn nghiêng về phía Liên Xô. Sau khi giải phóng Kursk, Hồng quân Liên Xô tiến hành chiến dịch giải phóng Thủ đô Kiev của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Ukraina vào ngày 6-11-1943, trước thời điểm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười (7-11).
Chiến dịch phòng ngự - phản công ở Kursk của Hồng quân Liên Xô là một trong những chiến dịch lớn nhất và là trận đấu xe tăng lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau thất bại ở Kursk, quân Đức hoàn toàn đánh mất thế chủ động chiến lược, rơi vào thế phòng thủ bị động và suy yếu không thể đảo ngược.
Trong chuyên khảo “Natural Enemies: The United States and the Soviet Union in the Cold War, 1917 - 1991”, tác giả Robert C. Grogin đưa ra nhận định: “nếu thảm bại ở Stalingrad đánh dấu sự sụp đổ huyền thoại về “khả năng bất khả chiến bại” của quân Đức, thì thất bại ở Kursk chứng tỏ phát xít Đức không còn khả năng mở một cuộc tấn công trên quy mô lớn nào nữa trên mặt trận Xô - Đức. Thắng lợi của Liên Xô ở Stalingrad và Kursk tạo bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Thống chế Đức Erich von Manstein là một trong số không ít tướng lĩnh cao cấp Đức Quốc xã tỏ ra ngạc nhiên trước tiềm lực quốc phòng hùng hậu, cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường của Hồng quân Liên Xô.
Trong hồi ký “Nhớ lại và Suy nghĩ”, Nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov đưa ra đánh giá về chiến dịch Kursk: "sau gần 50 ngày đêm diễn ra trận chiến vĩ đại nhất của Hồng quân Liên Xô chống lại chiến dịch tấn công chiến lược của phát xít Đức. Trong đó, Hồng quân Liên Xô đánh tan 30 sư đoàn bộ binh cơ giới tinh nhuệ của phát xít Đức, trong số đó có 7 sư đoàn tăng. Hơn nửa quân số của những sư đoàn này đã bị tiêu diệt.
Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân trong chiến dịch phòng thủ - phản công ở Kursk chứng tỏ sức mạnh ngày càng lớn và hùng hậu của Nhà nước Xô-viết và Các lực lượng vũ trang Liên Xô. Thắng lợi ngoài mặt trận cũng như ở hậu phương của Liên Xô chứng tỏ nỗ lực phi thường của người dân Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Trong các trận chiến giằng co khốc liệt ở Kursk, các chiến sĩ và chỉ huy của Hồng quân đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu kiên cường và sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc, tinh thần đoàn kết tập thể muôn người như một và sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Xô-viết.
Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô đánh giá rất cao lòng dũng cảm của các quân nhân Xô-viết và quyết định trao tặng trên 10 vạn huân chương và huy chương các loại cho các chiến sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh. Trong đó, nhiều người được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Toan tính của quân Đức giành lại thế chủ động chiến lược hoàn toàn thất bại. Sau trận Kursk đến khi kết thúc chiến tranh, quân Đức chỉ có thể ở trong thế phòng ngự và không có phép màu nào có thể tránh khỏi thất bại cuối cùng”.
Thắng lợi của Liên Xô trong chiến dịch Kursk còn có ý nghĩa chính trị ở tầm chiến lược. Thắng lợi này tạo vị thế và tiếng nói có ý nghĩa quyết định cho đoàn đại biểu của Chính phủ Liên Xô do J. Stalin dẫn đầu tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên Xô - Mỹ - Anh tại Teheran từ ngày 28-11 đến ngày 1-12-1943.
Tại hội nghị này, Liên Xô hối thúc đồng minh mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu. J. Stalin giải thích cho phía Mỹ và Anh biết rằng các cuộc đổ bộ của họ tại vùng Sicilia và Apennin ngày 10-7-1943 không thể coi là nỗ lực mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu như từng cam kết do lực lượng tham chiến quá nhỏ và chỉ diễn ra trên phạm vi hạn chế.
Trong khi Thủ tướng Anh Winston Churchill bảo vệ quan điểm cho rằng nên dùng lãnh thổ Italia và bán đảo Balkan làm bàn đạp tấn công quân Đức thì Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt lại đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Liên Xô J. Stalin cho rằng quân đồng minh nên mở mặt trận thứ hai chống quân Đức trên lãnh thổ Pháp.
Vì thế, sau Hội nghị Teheran, quân đồng minh thực hiện chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandiey của nước Pháp vào ngày 6-6-1944 mang mật danh “Ngày D” với lực lượng gồm khoảng 1.200 máy bay, hơn 5.000 tàu chiến các loại và gần 160.000 binh sĩ.
Xét về lực lượng tham gia cũng như mức độ quyết liệt, chiến dịch đổ bộ của quân đồng minh Mỹ - Anh lên Normandie không thể nào so sánh được với các chiến dịch chiến lược của Hồng quân Liên Xô ở Moscow, Stalingrad hay Kursk.
Thế nhưng, về sau giới lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây coi chiến dịch đổ bộ lên bán đảo Normandie của quân đồng minh Mỹ - Anh “có ý nghĩa quyết định” trong cuộc chiến đánh bại phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai./.
Kỳ 5: Chiến dịch Berlin kết thúc Thế chiến 2 ở châu Âu