“Cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi”
Nguyễn Tri Thức“Ôi trời ơi, đẹp quá!”.
Thi thoảng, mấy nữ đồng nghiệp lại thốt lên hào hứng, tưng bừng đầy cảm xúc như thế, khi xe đi qua những núi non điệp trùng, thung lũng bằng phẳng, ruộng bậc thang tầng nấc…
Tôi chắc là chả riêng mấy nữ đồng nghiệp mới thốt lên như vậy. Rất nhiều nữ du khách cũng trong tâm thế ấy. Phụ nữ mà, đa phần họ vốn quản trị cảm xúc không được tốt như cánh mày râu. Dễ bất chợt buồn vui, khóc cười. Dễ bồng bột, xăng xái bày tỏ chính kiến, thái độ về bất cứ thứ gì, điều gì họ nghe, họ thấy.
Những câu cảm thán ấy theo dọc hành trình. Thậm chí, chỉ cần xe ngoặt qua một khúc cua tay áo trên những con đường thiên lý kỳ vĩ ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), sự cảm thán đã xuất hiện. Đơn giản thôi, bởi núi rừng điệp trùng, hùng vĩ, hiểm trở miền cao nguyên đá dẫu có đi đến trăm lần vẫn luôn thấy sự tươi mới, háo hức, hồi hộp.
Chỉ là khi lên đến đỉnh đèo nào đó, dừng xe thảnh thơi ngắm con đường mình đã qua, thấy đủ sự gian nan, hiểm trở, nên thơ, mỗi chúng ta cũng đều có quyền ban cho mình một đặc ân, ấy là sự sung sướng, thỏa mãn khi đã chinh phục được con đèo, dù có nhờ ô tô hay xe máy đi nữa.
Bất chợt, có người nói to ao ước của mình, “giá như được sống ở ngôi nhà sàn chênh vênh, đơn sơ nơi triền núi kia nhỉ”. Anh cán bộ người địa phương đi cùng đoàn chợt buột miệng cười nói: “chắc gì đã ở nổi một ngày”.
Câu nói nửa đùa, nửa thật ấy không khiến câu chuyện dừng lại, nó còn đẩy sự đối thoại lên cao hơn. Lữ khách thì quả quyết sống như vậy hết sức thanh bình, được hòa mình với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, không vướng bận, bon chen, lo toan tất bật tham sân si…
Anh cán bộ địa phương, bằng kinh nghiệm, vốn sống thực tế của mình, không phản đối, chỉ chốt rằng, anh đã sống ở đây bao nhiêu năm rồi, buồn lắm, tẻ nhạt lắm. Chỉ thích xuống Thủ đô thôi. Và anh cũng từng nghe rất nhiều người nói thích miền núi, nhưng là chỉ thích một vài ngày, một vài chuyến đi thôi. Chứ mấy ai lên ở hẳn đâu…
À, thì ở đời mà, những suy nghĩ, hành động cứ trái chiều nhau. Người dưới xuôi thì thích lên miền núi, người vùng cao thì thích hạ sơn. Nhưng ai cũng thế thôi, có đặt mình vào, ở trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ấy, trải nghiệm đủ đầy những cung bậc cuộc sống, trên mọi lĩnh vực, mới có thể thấu hiểu được thực sự.
Mà đâu chỉ phong cảnh hữu tình, nên thơ, cả những thái độ, tình cảm, ứng xử của con người cũng vậy. Chúng ta cứ chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, ngó nghiêng cảm xúc, bất chợt ngẫu hứng thì làm sao có được rộng dài, cao sâu thấu đáo để mà thấy được sự đích thực của cuộc sống. Và có khi chúng ta cứ “đứng núi này trông núi nọ” thì sẽ chỉ thấy được núi bên kia với toàn những mặt tốt mà không thể thấy được những hạn chế, bởi thực tế là xanh bên kia núi chắc gì đã xanh bằng núi mình đang đứng.
Bất giác, tôi nhớ câu của ai đó mình đã đọc được, đại ý rằng, “điều tuyệt vời nhất trên thế giới bạn không thể nhìn thấy và chạm được, bạn sẽ phải cảm nhận chúng bằng trái tim”. Và khi cảm nhận bằng trái tim, chắc chắn bạn sẽ không rơi vào cảnh huống với sự sân si rằng “cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi”…./.