Tiếng bầy chim hạnh phúc
Nguyễn Tri Thức
Ban đầu là lích chích lẻ tẻ, nhỏ bé, sau dần là ồn ã hơn, khi đồng thanh bầy chim sẻ cùng hót xôn xao cả góc vườn. Cây hoa sữa cổ thụ trước nhà tôi râm ran tiếng bầy chim sẻ gọi nhau. Xôn xao, rạo rực, háo hức, hạnh phúc. Ngày nào cũng vậy, có hai cữ thời gian mà bầy chim sẻ gọi nhau cất dàn âm thanh thật vui tai, nhiều sắc thái tâm trạng, cảm xúc lắng đọng.
Ấy là cuối chiều khi hoàng hôn buông xuống, dòng người hối hả trở về nhà, quây quần bên khu bếp để chuẩn bị bữa cơm sum họp gia đình sau một ngày lao động nặng nhọc. Là sự đoàn tụ, trút hết những âu lo, muộn phiền, bon chen ngoài xã hội. Là sự cân bằng, tái tạo sức lao động...
Ấy là khi ban mai tinh mơ buổi sáng, khi mọi người còn ngái ngủ, ông Mặt trời còn chưa thức dậy. Là sự bắt đầu chuẩn bị cho công việc, học hành của mỗi thành viên trong gia đình. Là tâm thế, sự hứng khởi chào ngày mới, với những hoạt động giàu năng lượng tích cực, để ngày mới tốt đẹp, có ý nghĩa hơn ngày đã qua...
Ngày nào cũng vậy, vào hai cữ mở đầu và kết thúc một ngày làm việc, mọi người bắt đầu rời tổ ấm đi làm và trở về sau khi hoàn thành công việc theo khung thời gian xác định...
Một sáng tinh mơ khó ngủ, trằn trọc đẩu đâu những chuyện không tên, không đầu không cuối, tôi đợi mãi không thấy tiếng bầy chim sẻ cất lên như đồng hồ báo thức. Bất chợt, tôi nhớ những ngày xưa tuổi thơ gian khó thường hay dùng súng cao su tự chế đi bắn chim sẻ mỗi khi chiều buông. Ngày ấy, làng quê rộng thênh thang đầy rẫy ao hồ, sông suối, những rặng tre rì rào mát xanh ken dày đặc thành lũy bên những mái nhà, bờ đê thanh bình, tĩnh tại. Tiếng bầy chim sẻ lích chích gọi nhau thật vui tai kéo bọn trẻ dùng súng cao su kẹp những viên đá cuội vào ngắm bắn những chú chim đứng im hoặc nhảy nhót chuyền cành.
Những chú chim sẻ nhỏ bé trúng đạn bị thương cố gắng tìm cách thoát nạn, hoặc chết oan nghiệt rơi xuống đất. Những chú chim sẻ nhỏ bé xấu số được lũ trẻ khoái trí thu lượm về để cải thiện bữa ăn gia đình. Thịt thà, cá mú ngày xưa đâu dễ có được. Cơm trắng còn không đủ ăn, lấy đâu tiền mua thực phẩm. Thế nên, hầu như đứa trẻ nhà quê nào cũng rất tích cực tham gia tát vét, đánh lươn, bắn chim để lấy nguồn thực phẩm “làm giàu”, “làm tươi” bữa ăn mỗi ngày.
Bây giờ làng quê thay đổi nhiều, kinh tế khấm khá hơn. Nhà lầu, biệt thự, nhà ống mọc lên nhiều. Làng quê đô thị hóa, bê tông hóa chật chội, nóng bức hơn. Những lũy tre không còn nhiều nữa. Hiếm hoi lắm mới có bụi tre cô đơn, lạc lõng. Tôi thường xuyên về quê, buổi chiều tà hay lang thang ra cánh đồng, bờ sông, bụi tre những mong mót được những kỷ niệm thời thơ ấu. Thi thoảng, cũng bất chợt thức dậy những kỷ niệm vui buồn.
Lũ chim sẻ vẫn ở bụi tre, trên những tán cây thưa vắng mỗi nhà. Chúng vẫn làm tổ ở mái nhà ngói, bẹ cau hiếm hoi còn sót lại. Nhưng bọn trẻ ở quê bây giờ không bắn chim sẻ, cũng như các loại chim khác nữa. Lũ chim vẫn vội vã chuyền cành, bay lượn, vẫn lích chích gọi bầy xôn xao tụ hội khi chiều buông. Đó thực sự là những tiếng bầy chim hạnh phúc, không tiềm ẩn mối họa từ những đứa trẻ quê nghèo lam lũ nhọc nhằn kiếm “chút tươi” cho bữa ăn ngày đói.
Đó là tiếng bầy chim hạnh phúc, như chúng háo hức gọi nhau trên cây hoa sữa cổ thụ trước nhà tôi mỗi ngày, đều đặn hai lần, vào những khung giờ đặc biệt, gắn chặt với sinh hoạt gia đình, với tổ ấm bé nhỏ mỗi nhà.../.