Những đảng viên tiêu biểu lặng lẽ giữa sống đời, sống đạo - Kỳ cuối: Khi tấm gương trở thành nỗi nhớ
Vũ Toàn
Xuất khẩu lạc, đổi xe tải và máy kéo
Chị Nguyễn Thị Trà - 38 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn - nhớ về người bí thư cũ của xã mình là ông Nguyễn Quang Xử bằng sự trân trọng, cảm phục.
Chị nhớ, năm 2020 xã Thượng Tân Lộc được sáp nhập từ 3 xã Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc. Trước đó, Nam Lộc là xã toàn tòng thuộc giáo xứ Vạn Lộc, giáo phận Vinh - Thanh. Ông Xử lớn lên từ xã Nam Lộc, trở thành Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã. Nhưng trước đó, ông Xử là Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông Thương Tín, năm 1984.
Năm ấy, ông Xử phụ trách kế hoạch của HTX. Cảnh đêm đêm dân làng thắp đèn dầu sinh hoạt thì ông Xử đã từng trải rồi, nhưng khi thấy máy bơm nước của trạm bơm chạy bằng dầu để tải nước từ dưới hói (khe) Hồng Sơn lên đồng bãi, ông xót lắm.
Xót, bởi tiền đâu mua dầu cho đủ 500ha đồng bãi canh tác. Khi cạn tiền, máy bơm nằm trơ mà đồng bãi đang khát nước. Nhưng muốn giải quyết bài toán này, ông phải giải bài toán điện thắp sáng trước. Thời điểm này, điện thắp sáng ở nông thôn đang hiếm hoi. Cả huyện Nam Đàn chưa có xã nào sáng điện.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đặc thù “Năm 2016, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Đề án số 01 về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên”. Đề án này đặc biệt quan tâm những việc làm căn bản, như: ưu tiên nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cần lưu ý khi thực hiện việc bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu cán bộ để bầu vào các chức danh cấp trưởng, cấp phó của các tổ chức trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước”. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An |
Ông Xử nhìn đường dây cao thế đi qua Nam Lộc nghĩ đây là một lợi thế để xây trạm điện hạ thế để “kéo” điện về. Biết HTX đang có quỹ sản xuất, quỹ phúc lợi và người dân sẵn lòng đóng góp kinh phí, ông Xử bàn bạc với Ban chủ nhiệm HTX, xin ý kiến Ủy ban nhân dân xã rồi làm việc với Công ty Điện lực Nghệ Tĩnh.
Khi được các cơ quan chức năng đồng tình, ông Xử lên kế hoạch mua toàn bộ thiết bị dây điện, cột điện, xà và sứ phục vụ việc thi công đường dây hạ thế. Cuối năm 1984, điện lưới về xã Nam Lộc. Dịp đó, HTX của ông Xử khánh thành trạm bơm số 1 dưới hói Hồng Sơn để bơm nước từ trên lưu vực chảy về. Mùa hạn, nước từ sông Cả dâng lên hói này nên quanh năm đồng bãi Nam Lộc “no” nước phục vụ sản xuất.
Ông Xử nhắc lại một chi tiết ấm áp: “hôm khánh thành trạm bơm, linh mục quản xứ xuống hói Hồng Sơn dự lễ với bà con giáo dân. Ai ai cũng nức lòng, phấn khởi”.
Năm 1985, ông Xử được kết nạp Đảng. Vai trò của người đảng viên như được tăng thêm nghị lực trong suy nghĩ và việc làm hằng ngày của ông. Ông Xử nhận thấy đồng bãi Nam Lộc màu mỡ do phù sa sông Cả bồi đắp hằng năm. Đây là cơ hội để năm 1987, ông nêu ý tưởng phát triển mạnh cây lạc trên toàn bộ diện tích bởi giai đoạn đó, lạc là sản phẩm nông nghiệp có sức thu hút trên thị trường trong, ngoài nước.
Mùa thu hoạch lạc năm 1987, sau khi nhập lạc cho Công ty ngoại thương huyện Nam Đàn, ông Xử bàn HTX kết hợp với Trường Đảng Trần Phú (nay là Trường Chính trị Nghệ An) xuất khẩu 40 tấn lạc nhân sang Liên Xô (cũ) đổi lấy một xe tải ZIL-130 và 3 xe honda cup 79 về cho HTX.
Thế là sau sự kiện xã đầu tiên của huyện có điện lưới quốc gia, HTX Nông Thương Tín của Nam Lộc là HTX đầu tiên của huyện có ô tô tải và honda cup. “Vui nhất là chúng tôi còn mua thêm một máy kéo phục vụ sản xuất.
Mặt ngoài 2 cánh cửa phía trước ca bin máy kéo in vòng chữ HTX Nông Thương Tín Nam Lộc. Của “độc lạ” của năm 1987 đó”, ông Xử bồi hồi nhắc lại một dấu ấn nhớ đời.
Sau 2 thành công, năm 1989, ông Xử được bầu làm chủ nhiệm HTX, nhiệm kỳ 4 năm. Từ đây, ông lại được bầu làm Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc. Trước khi nghỉ hưu (2015), ông là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nam Lộc.
Ông Xử vác cuốc, đội chiếc mũ cối sờn màu dẫn chúng tôi lên đồi chanh, đồi “kinh tế” của gia đình ông trên dãy rú (núi) Chuyền. Trên đường, chúng tôi gợi lại tâm tư, tình cảm của lớp cán bộ trẻ hôm nay xem ông như một gương sáng.
Hơn thế nữa, họ thường nhớ tới ông mỗi khi vượt khó để xã “lớn” Thượng Tân Lộc hôm nay được xếp loại số một của huyện về sản xuất nông nghiệp và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024.
Ông Xử nói: “giáo dân cũng như lương dân, ai cũng yêu làng quê, đất nước của mình. Đó đó cũng là tình yêu của lẽ đời, lẽ đạo. Tôi nghĩ được gì có ích cho mình, cho dân, cho xã hội thì việc làm cứ theo nghĩ suy đó cho đến khi thành công. Con trai và con dâu tôi đều là giáo viên trung học cơ sở, đảng viên từ xứ đạo này. Hiện xã có 67 giáo dân trở thành đảng viên trong tổng số 141 đảng viên gốc giáo ở huyện Nam Đàn. Là giáo dân, mình phải sống đạo. Là người dân nước Việt thì mình phải sống đời. Lẽ sống đời, sống đạo chuẩn mực sẽ góp phần dựng xây con người làm nên làng quê sáng đẹp”.
Hai cha con đồng hành việc nhà, việc xã
Nhà ông Đậu Văn Cai ở cách nhà ông Xử một bờ tường. Thay vì làm kinh tế bằng cây chanh, ông Cai trồng 8 sào lạc TK10. Thu hoạch lạc xong, ông xoay vòng đất để trồng ngô hàng hóa. Thu hoạch ngô xong, ông trồng dưa hấu. Còn 6 sào ruộng cho lúa gạo dư ăn quanh năm.
Nếu tính thu nhập sản phẩm hoa màu này với lượng bán buôn từ 80 - 100 tấn phân đạm, ka li, lúa giống và 1,2 tấn ni lông phủ cây lạc, cây dưa thì mỗi năm gia đình ông Cai lãi 200 triệu đồng.
Tiếp chúng tôi trên bộ bàn ghế còn sáng màu véc-ni giữa sân gạch rộng, đối diện là tượng Đức mẹ Maria đặt trước thềm ngôi nhà khang trang, ông Cai nói về quan niệm sống của mình thật chân tình: “tôi là giáo dân, là Bí thư Chi bộ thôn Phú Lộc (thôn toàn tòng) kiêm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nên tôi hiểu, muốn sống đạo tốt thì việc làm phải có hiệu quả tốt và sống chân thành với người dân. Nếu không, dân không nghe mình nói bất cứ một câu nào đâu. Bổn phận của mình là giúp người dân gần gũi với cán bộ địa phương để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Nhà tôi có lúc như một góc công sở bởi người dân đến hỏi chuyện suốt ngày. Cái gì dân chưa biết hoặc chưa hiểu tường tận thì họ đến tận nhà hỏi kỹ lưỡng để biết, để làm. Mới đây, đợt tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự, thôn Phú Lộc của tôi hoàn thành ngoài mong đợi”.
Một quan niệm khác của ông Cai là cần tạo được chuyển biến ngay từ trong gia đình của mình là bước đi đầu tiên. Gia đình ông có cô con gái duy nhất là Đậu Thị Thu. Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp y, Thu về làm nhân viên y tế thôn. Từ y tế thôn, cô phấn đấu làm trưởng thôn, bí thư chi đoàn và trở thành đảng viên.
Nhìn con gái đang bê những bao phân đạm phía nhà ngang, ông Cai tâm sự: “tôi tiếp sức cho con gái bằng cách giúp con nâng cao nhận thức của lẽ sống đời, sống đạo thường ngày. Đây là điều tôi đặc biệt quan tâm. Tuổi trưởng thành cần thiết phải tham gia công tác xã hội để va chạm, học hỏi được nhiều vốn sống của người khác ở những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, từ đó tích luỹ vốn sống cho bản thân mình. Làm được như thế vừa có ích cho bản thân, vừa giúp làng xã xây dựng nếp sống mới, không lạc hậu với thời cuộc đang biến đổi từng ngày. Vậy là hai cha con cùng đồng hành việc nhà, việc xã hội trong nhiều năm nay”.
Ông Cai năm nay 62 tuổi. Có lẽ, tâm tính chân thành là vốn quý trong lẽ sống đời, sống đạo của ông. Ông bộc bạch một ý nghĩ giản dị: “đôi khi tôi nghĩ, cha con tôi cũng giống như đồng bãi của làng quê xứ đạo này. Khi đồng bãi có phù sa, nếu con người có khối óc, bàn tay biết quay vòng, gối vụ tốt, đất phù sa sẽ cho lúa, lạc, ngô, dưa để nuôi sống mình và nuôi sống mọi người vậy”./.









Các bài cũ hơn



