19/05/2024 | 01:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đánh thức ký ức

Nguyễn Tri Thức

Tôi quay sang nói với anh bạn đồng nghiệp, cũng là phiên dịch của đoàn, rằng theo con đường bậc thang uốn lượn này, đi lên đỉnh núi Phousi sẽ là ngôi chùa cổ. Từ bốn mặt ngôi chùa, có thể phóng tầm mắt ra bốn hướng, thấy cả những dòng sông, cố đô Luang Prabang cổ kính, trầm mặc của đất nước Lào thanh bình, xinh đẹp, quyến rũ. 

Anh bạn đồng nghiệp nói rằng, gần 20 năm đã qua mà tôi vẫn nhớ quá. Cũng không có gì khó lý giải cả, bởi đó là lần đầu tiên tôi đặt chân lên nước bạn, lần đầu thăm thú cố đô của Lào. Mà những ấn tượng đầu tiên bao giờ chẳng khó phai. 

Thật may mắn là sự hồi tưởng trong tâm trí của tôi không nhầm lẫn. Ngôi chùa Chomsi - điểm khởi đầu cho cuộc diễu hành năm mới của đất nước Lào - không thay đổi là mấy, chỉ trầm mặc, rêu phong, cổ kính theo thời gian. 

Và nữa, từ bốn hướng ngắm nhìn cố đô của Lào, cảnh vật cũng không khác là bao trong ký ức. Vẫn cố đô không bị đô thị hóa, vắng bóng nhà cao tầng. Vẫn thấy rõ hai dòng sông Mee Nam Khong và Nam Khan uốn lượn, ấp ôm đô thị cổ. Vẫn những ngôi nhà mái ngói kiến trúc xưa truyền thống đẹp yên bình, tĩnh tại. 

Và tôi vẫn nhớ, khi đi xuống là bằng con đường khác, ngay đối diện Bảo tàng Cung điện Hoàng gia - một điểm đến không thể bỏ qua nếu đến Luang Prabang.

Mà đâu chỉ núi Phousi, cố đô Luang Prabang của nước bạn Lào thanh bình, xinh đẹp, trong dặm dài những chuyến công tác hay du ngoạn, có rất nhiều địa danh mình trở lại không chỉ một lần. 

Mỗi lần trở lại nơi từng đến đều có những cảm xúc, ấn tượng khác nhau, nhiều tầng nấc cung bậc. Tất nhiên, trong thẳm sâu ký ức, lớp lang thời gian, tầng nấc địa điểm ấy, có những nơi để lại cảm xúc đặc biệt khi ta có dịp trở lại. 

Thường thì những nơi khó đến, những điều đặc biệt đã xảy ra, những người khó quên đã gặp sẽ khiến chúng ta dễ đánh thức ký ức trở về, như mới vừa đâu đây, mồn một hiển hiện.

Hôm rồi, bất chợt có đồng nghiệp gửi tặng bức ảnh chụp bài báo tôi viết từ năm 1996 về quê hương mình, với tiêu đề “Thị xã vĩnh viễn bình yên”, nhưng khi trình bày lại họa sĩ lại “chơi chữ”, cho hai chữ Vĩnh Yên “được quyền” thành tên địa danh, ngăn cách bởi hai chữ khác nhỏ hơn là viễn bình. 

Bất giác, bao kỷ niệm ngót 30 năm trước dội về. Từ những nhân vật tôi tiếp xúc và bối cảnh đi kèm, từ việc dùng từ “nhỏ thó” mô tả dáng người trong bài viết khiến nhân vật phật ý, mình bị hiểu lầm và “bị mắng”. Cả chuyện người dân phô tô bài báo rồi bán đắt hơn giá gốc mà vẫn “cháy hàng”. 

Thế rồi, ngày đầu năm mới 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, thị xã tưởng như vĩnh viễn bình yên dạo ấy thức dậy, đổi thay từng ngày. Tất nhiên, tôi vẫn thường qua Vĩnh Yên đổi mới, thấy được vóc dáng, hình hài của một đô thị hiện đại, năng động, phát triển. 

Những cũ xưa khung cảnh một thời xa vắng còn sót lại không nhiều, nhưng vẫn mặn mòi, sâu đậm, sống động trong ký ức riêng mình. Không chỉ với Vĩnh Yên, với một bài báo cụ thể ấy, mà biết bao ký ức bất chợt như vậy luôn làm bạn với mình, làm hành trang cho mình trong quá trình sinh sống, làm việc, và nó chỉ bật dậy “đâm chồi, nảy lộc” khi có dịp trở lại, động chạm tới.

Tôi nhớ, nhà văn, nhà viết kịch người Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn - người từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1970 - có viết rằng, “chỉ giữ những gì bạn luôn mang theo bên mình: những ngôn ngữ đã biết, những vùng đất đã qua, những người đã quen biết. Hãy để ký ức làm hành trang của bạn”. 

Tất nhiên, ngay cả khi chưa biết đến câu nói ấy, ký ức vẫn luôn được coi là hành trang của mỗi người, cứ bất chợt động cựa, bùng lên, sống dậy mỗi khi ta gặp lại ai, làm việc gì đó, hay trở lại nơi đã từng đến, dù vô tình hay chủ ý./.

25 July 2023
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)