Tiếng người
Nguyễn Tri Thức- Anh quên tắt tivi à?
- Không, anh để thế để khi mở cửa vào phòng còn nghe thấy tiếng người.
Câu trả lời rất thật của anh làm tôi thoáng giật mình, khựng lại một chút rồi lan man lăn tăn nghĩ suy mông lung vơ vẩn đâu đâu. Căn phòng rộng thênh càng thêm mênh mông diệu vợi, xa xăm mịt mờ. Rồi cô đặc lại trong lắng đọng tâm trạng. Cảm giác như sờ nắn được nỗi cô đơn, trống trải không hình hài.
Chỉ thoảng hình dung thôi, rằng khi cuối mỗi buổi chiều, khi mọi người hối hả rời công sở trở về tổ ấm của mình, tất bật, hứng khởi lo toan việc nhà cùng gia đình, mình anh ở đó đo đếm thời gian chầm chậm trôi đi. Chỉ là đôi khi như thế thôi, cũng thấy sự thiệt thòi, thậm chí là hy sinh, không hề nhỏ.
Bởi có phải cuối ngày nào cũng vùi đầu vào công việc mê say, tất bật để lấp đầy nỗi trống trải đâu. Có phải cuối ngày nào cũng bạn bè, anh em vui vẻ tếu táo bên ly rượu, cốc bia chuyện trò, ngắm nhìn phố phường, dòng đời hối hả, xô bồ, náo nhiệt đâu. Rồi lúc trở về khi màn đêm buông xuống. Căn phòng ở công sở rộng tênh. Một mình. Cảm xúc chắc là khó đong đếm lắm…
Thế nên, có tiếng người ở chiếc tivi mở sẵn, đợi chủ nhân về, cũng là một giải pháp tình thế dễ chấp nhận.
Tiếng người trên tivi, thật đấy mà giả đấy. Biết sao chuyện trò, bởi khác gì nói chuyện với đầu gối đâu. Thậm chí, có tranh luận, “cãi nhau” với tivi thì cũng chỉ một mình độc thoại thôi, làm sao có sự tương tác, nói gì đến đồng điệu.
Tivi đâu có thèm tranh luận, bàn thảo, tâm tình, phản đối hay đồng ý. Tivi cứ tuần tự chương trình mà phát sóng thôi. Đâu như tiếng người ngoài đời với vô vàn âm vực, giọng điệu, kiểu cách, cung bậc cảm xúc, tầng nấc ý nghĩa, thông điệp.
Tiếng người ngoài đời, thật đấy mà giả đấy. Bởi ai dám khẳng định chắc rằng ai đó không “nói một đằng làm một nẻo”, ai đó không “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”. Thậm chí, là những “lời nói đọi máu”, chứ đâu dễ dàng “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”…
Tất nhiên, có những “lời tử tế ngắn gọn dễ nói nhưng âm vang của nó thực sự vô tận”, như Mẹ Teresa đúc kết.
Tiếng nói, cũng như con người vậy, tiếng ai của người đó, nhưng có khi lại khó đoán định hơn. Bởi tiếng nói dễ đánh lừa người khác, tiếng nói có sức mạnh khủng khiếp, như một tác giả khuyết danh trên thế giới nhận xét rằng: “cái lưỡi không có xương nhưng nó đủ cứng để phá vỡ trái tim. Hãy cẩn thận với lời bạn nói”.
Chẳng thế mà tiếng người bằng thật, có khi nghe mãi vì những mối quan hệ công việc, xã giao, nhưng đâu phải khi nào, bao giờ cũng giống nhau đâu. Tiếng nói cũng bị điều khiển bởi não bộ, mục đích của người nói. Nên có khi gắt gỏng, dịu dàng khác thường. Có khi ủy mị, thờ ơ, vô cảm. Có khi dửng dưng, thây kệ…
Cùng với tiếng người, là sự giao đãi, tiếp xúc, cộng tác. Ấy là lẽ giản đơn, đương nhiên, không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị, điều kiện kinh tế...
Thế nên, có những tiếng người nghe mãi vẫn luôn gờn gợn âu lo, bởi nó thường ẩn chứa những sự toan tính, ích lợi, bon chen chứ không bộc trực, ngay thẳng, rõ ràng. Có những tiếng người nghe nhiều lần mà vẫn không tài nào có được sự thiện cảm, ấm áp, tin tưởng…
Tiếng người, cho vơi đi nỗi cô đơn trống trải một mình, có khi lại rất thật, dù đó chỉ là những người xa lạ, thậm chí quen biết, đang nói trên vô tuyến, trong các chương trình khác nhau. Trong mỗi lần anh mở cửa vào phòng, dù với tâm trạng thế nào đi nữa, cũng có cảm giác “còn nghe thấy tiếng người”…./.









Các bài cũ hơn



