Đồng Văn và những cái tên còn mãi
Nguyễn Tri ThứcChúng tôi tản bộ dọc theo con phố nhỏ ở khu phố cổ dẫn lối vào sâu trong làng, nơi có miếu thờ thần nước, có chiếc quẩy tấu to nhất thế giới do chính ông là người nghĩ ra và mời bà con về đan bằng nguyên vật liệu thật, chứ không phải đắp bê-tông cốt thép gì.
Nhiều người ví ông như cuốn Almanach sống về Đồng Văn, không chỉ huyện mà cả cao nguyên đá cùng tên. Ví như thế, đơn giản là bởi có cuốn sách với tựa đề “Almanach - những nền văn minh thế giới”, nghĩa rằng ông như một pho sử sống, một cuốn từ điển, cuốn bách khoa thư về Đồng Văn.
Quả thực, một buổi sáng cùng ông Nguyễn Văn Chinh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - đi đến những điểm không thể không đến khi đặt chân đến huyện Đồng Văn, tôi thấy lời ví von ấy là không hề quá.
Khi dạo bước quanh thôn Lô Lô Chải đẹp như cổ tích dưới chân cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ông còn kể nhiều chuyện bất khả kháng liên quan đến việc người dân phải “làm giả” nhà trình tường với những sự “sáng tạo” bôi trát những bức tường xi măng thoạt nhìn như đất, để che đi vết dấu đô thị, để thấy được sự gần gũi thiên nhiên.
Tất nhiên, thôn Lô Lô Chải, vốn được công nhận Làng Văn hóa Du lịch hồi đầu năm 2022, vẫn còn nhiều căn nhà trình tường có tuổi đời hàng trăm năm của người Lô Lô, trong đó có quán cà phê Cực Bắc của ông Yasushi Ogura - một người Nhật Bản 68 tuổi yêu Việt Nam mê đắm.
Ông Y. Ogura đến Lũng Cú năm 2002 và lập tức bị vùng đất, con người Lô Lô Chải mê hoặc, để rồi ở lại và chăm chút bảo tồn những ngôi nhà trình tường cổ kính của người Lô Lô. Quán cà phê Cực Bắc vốn là một ngôi nhà trình tường cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn, là điểm đến của hầu hết du khách khi ghé thăm một trong những bản làng làm homestay đẹp nhất Việt Nam. Mỗi tháng, ông Y. Ogura dành nửa tháng ở Nhật, nửa tháng, hoặc nhiều hơn, ở Lũng Cú, Đồng Văn.
Ông Chinh biết, thậm chí chơi khá thân với ông Y. Ogura. Ông Chinh kể rằng, ông Y. Ogura không chỉ mở quán cà phê Cực Bắc, bảo tồn nhà trình tường của người Lô Lô, là sứ giả của làng du lịch homestay mà còn là hướng dẫn viên đưa du khách đi khắp các điểm đến ở Đồng Văn và một số điểm ở cao nguyên đá Đồng Văn thuộc các huyện khác.
Nhiều khi, ông hướng dẫn miễn phí, nhưng ông cảm thấy thoải mái, vui vẻ vì đưa được nhiều du khách, trong đó có khá đông du khách “đất nước Mặt trời mọc” quê ông đến được những nơi đáng đến, những nơi không chỉ có cảnh đẹp hùng vĩ, không khí trong lành mà cuộc sống của người dân vẫn còn khá hoang sơ, hòa hợp với thiên nhiên...
Bất chợt, ông Chinh tâm tư rằng, hôm họp với tỉnh, lãnh đạo huyện cũng có kiến nghị với tỉnh rằng, sau này tiến hành bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh, sắp xếp cấp xã, cố gắng giữ những cái tên đã thành thương hiệu du lịch, đã đi vào tâm trí của du khách trong và ngoài nước. Đồng Văn là một cái tên như thế, bởi ngoài phố cổ Đồng Văn, còn có cả Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gần như là sự định vị thương hiệu du lịch Hà Giang.
Nhắc đến Hà Giang, người ta nhắc ngay đến Đồng Văn. Chả thế mà đánh 2 cụm từ “du lịch Đồng Văn” và “du lịch Hà Giang” vào trang tìm kiếm thông tin Google, kết quả của “du lịch Đồng Văn” còn lớn hơn khá nhiều so với “du lịch Hà Giang”.
Tôi cũng chia sẻ với ông Chinh rằng, không riêng gì Đồng Văn, không riêng gì Hà Giang, những cái tên, những thương hiệu nổi tiếng, thân thuộc, ăn sâu vào tiềm thức con người, cả du khách cũng như người bản địa thì hẳn không thể dễ dàng mất đi, mà phải bằng mọi cách nhất, hợp lý nhất để giữ lại.
Ví như người ta nói đi du lịch Đồng Văn, chứ mấy ai nói đi du lịch huyện Đồng Văn đâu. Và hẳn nhiên, Cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, sông Nho Quế, đỉnh Mã Pì Lèng,... cũng như vậy; mấy ai nhớ thuộc địa phận hành chính cụ thể, rõ ràng đâu.
Mà thậm chí ngay cả khi nó không còn tồn tại tên gọi đơn vị hành chính nữa, điểm đến ấy, tên gọi ấy vẫn luôn còn trong tâm tưởng, trí nhớ mỗi người với biết bao kỷ niệm đậm sâu, không dễ mờ phai.
Và tất nhiên, không chỉ là Đồng Văn, không chỉ là Hà Giang, mà trên cả nước ta, nơi đâu cũng đều như vậy. Những sự chia cách về mặt địa giới hành chính dẫu có diễn ra trong suốt lịch sử hình thành và phát triển đất nước ta, đâu có bao giờ dẫn đến sự chia cách về tình người, ngăn cản sự phát triển, trái lại đó chỉ là những điều kiện, tiền đề tạo cơ hội, dư địa, sức bật cho sự phát triển, tiến bộ mà thôi! ./.









Các bài cũ hơn



