21/11/2024 | 17:10 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cột mốc

Nguyễn Tri Thức

Năn nỉ mãi, chúng tôi cũng được đồng chí cán bộ cửa khẩu đồng ý đặc cách cho ra cột mốc biên giới, nhưng không quên dặn dò kỹ lưỡng đi như thế nào, chỉ được làm những gì, mặc dù đồng chí cán bộ đi cùng chỉ đường và... giám sát. Nguyên tắc mà, nhiều điều không thể phá vỡ! 

Nhưng không chỉ lần cố gắng ở thời buổi dịch bệnh ấy, mà có khi còn chưa có sự thống nhất về việc phân giới cắm mốc giữa 2 nước nữa. Ấy là những lần khó khăn hiếm hoi, chứ khi có dịp đến thăm, chụp ảnh mốc giới quốc gia, mỗi chúng ta đều háo hức, tự hào khôn xiết. 

Chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, ai cũng có nhiệm vụ gìn giữ, ai cũng có quyền hãnh diện được nhìn thấy, ấp ôm khi chạm đến.

Tôi đã may mắn đặt chân đến khắp 63 tỉnh, thành phố của cả nước; đã may mắn đặt chân lên những hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió. Lần nào có dịp tôi cũng đều xin được đến cột mốc, ngay cả khi đã vài lần đặt chân đến địa danh, cột mốc ấy. Vẫn lặng lẽ ngắm nhìn, nghĩ suy. Và hẳn nhiên, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, dù đã cất giữ trọn vẹn thầm kín nơi trái tim. 

Cột mốc trên đất liền rõ hình hài, vóc dáng, dễ hình dung hơn so với cột mốc ngoài đại dương bao la. Nhưng biên giới quốc gia trên biển  với các tọa độ trên hải đồ theo quy định ấy lại có những “cột mốc sống”. Ấy là những chiến sĩ Hải quân ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển đảo máu thịt của Tổ quốc. Là những ngư dân lênh đênh trên biển khai thác tại những ngư trường thuộc vùng biển của đất nước. 

Thậm chí, là cả khi lá cờ Tổ quốc tung bay hay lúc quốc ca Việt Nam vang lên ở bên ngoài đất nước mình. Ở đâu có người Việt đồng bào, ở đó có những “cột mốc sống” như thấy dáng hình đất nước mình...

Tôi chưa được theo các “cột mốc sống” là những ngư dân bám biển ngoài khơi xa, nhưng được tiếp xúc với họ một vài lần trong đất liền, trên những hòn đảo. Bao giờ, họ cũng yên tâm ra khơi bám biển, tự hào căng những lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc bay phần phật trên những con tàu, đoàn thuyền đánh cá. 

Và họ càng yên tâm, tự hào hơn khi luôn có các chiến sĩ hải quân đồng hành, luôn có các hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió đón nhận họ khi bão lũ, lúc bệnh tật bất ngờ ở ngoài khơi.

Tháng ba, rồi tháng tư là mùa biển lặng, hết sức thuận tiện để ra khơi, cũng là mùa “xuống biển” của bà con ngư dân. Mùa “bà già đi biển” cũng là mùa bắt đầu những chuyến tàu chở lớp lớp thế hệ người trong đất liền ra biển, cả kiều bào ở xa Tổ quốc. 

Tôi đã may mắn được đặt chân đến một số hòn đảo, nhà giàn ở quần đảo Trường Sa. Đúng là dù xem, nghe, đọc, thậm chí hát về Trường Sa, về biển đảo thân yêu, thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng phải tận thấy Trường Sa, mới xiết bao thêm yêu biển đảo, đất nước mình. 

Và từ lâu tôi cảm nhận rất rõ rằng, cột mốc hay “cột mốc sống”, dẫu có khác nhau về hình hài, vóc dáng, vị trí địa lý đi chăng nữa, cột mốc nào cũng đau đáu, trở trăn, sừng sững, oai hùng dáng hình Tổ quốc. Cũng đậm sâu dấu ấn lịch sử dựng nước, giữ nước trường kỳ của dân tộc. 

Đó chính là những cột mốc thời gian hằn sâu giá trị lịch sử, bồi đắp sức mạnh cho mỗi người để sống, làm việc tốt hơn. Và trân trọng, nâng niu sự bình yên không đánh đổi!./.

14 June 2023
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)