18/05/2024 | 23:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thấy gì từ Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2024?

Phạm Thị Lan Hương
Ban Đối ngoại Trung ương
Thấy gì từ Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2024? Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang, ngày 7-3-2024_Ảnh: AFP
Ngày 7-3-2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang trước phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện Mỹ cũng như khán giả truyền hình vào khung giờ vàng. Đây là nghi thức chính thức hàng đầu trong đời sống chính trị của Mỹ; là Thông điệp Liên bang thứ ba của Tổng thống J. Biden kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2021 và cũng được coi là thông điệp quan trọng nhất của ông J. Biden trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ khốc liệt nhất từ trước đến nay.

Một số điểm nhấn trong Thông điệp Liên bang Mỹ

Là sự kiện thường niên đầu năm của nước Mỹ, tuy nhiên, Thông điệp Liên bang năm 2024 có thời lượng 1 giờ 7 phút, ngắn hơn so với năm 2023 và gần như ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tổng thống J. Biden đề cập đến nhiều vấn đề, cả về đối nội và đối ngoại.

Trong đó, về đối ngoại, đề cập đến 2 cuộc xung đột vũ trang ở Ukraina và Dải Gaza, Tổng thống J. Biden cho rằng, 2 nhà nước là giải pháp thực tế duy nhất cho cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Khẳng định ổn định ở Trung Đông đồng nghĩa với việc ngăn chặn mối đe dọa từ Iran. 

Đó là lý do tại sao Mỹ xây dựng một liên minh gồm hơn 10 quốc gia để bảo vệ hoạt động vận tải quốc tế và tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như ra lệnh tấn công để làm suy giảm khả năng của lực lượng Houthi và bảo vệ các lực lượng Mỹ trong khu vực.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông J. Biden cho biết, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập niên qua. Mỹ sẽ khôi phục các mối quan hệ đối tác và liên minh khu vực Thái Bình Dương; đồng thời khẳng định, Mỹ muốn cạnh tranh nhưng không phải là xung đột với Trung Quốc.

Về đối nội, Tổng thống J. Biden nhấn mạnh đến những thành tựu kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông,... mà Mỹ đạt được, như giành kỷ lục 15 triệu việc làm trong vòng 3 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm, 16 triệu người dân Mỹ thành lập các doanh nghiệp nhỏ, hầu hết người dân Mỹ có bảo hiểm y tế, lạm phát giảm từ 9% xuống 3% - mức thấp nhất trên thế giới; các dự án kết cấu hạ tầng về xây dựng cầu đường trên khắp nước Mỹ sử dụng sản phẩm Mỹ với sự tham gia của người lao động Mỹ; cam kết tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phát triển giáo dục; đồng thời nhấn mạnh, Mỹ tham gia chương trình giảm phát thải khí hậu của Liên hợp quốc, có kế hoạch cắt giảm 1/2 số lượng phát thải carbon vào năm 2030; xây dựng các trạm sạc điện; duy trì chính sách hạn chế nhập cư, cải cách an ninh biên giới; thông qua kế hoạch “giải cứu nước Mỹ”; ngăn chặn bạo lực trong cộng đồng...

Theo số liệu thống kê của Thông tấn xã Việt Nam, có khoảng 32,2 triệu người đã theo dõi Tổng thống Mỹ J. Biden đọc Thông điệp Liên bang năm 2024 trên truyền hình hoặc truyền hình cáp vào tối 7-3 (giờ địa phương). Con số này tăng khoảng 18% so với con số 27,3 triệu người theo dõi trong năm 2023. Trong đó, 74% số khán giả thuộc nhóm trên 55 tuổi, 19% thuộc nhóm 35 - 54 tuổi và khoảng 5% thuộc nhóm 18 - 34 tuổi.

Phần cuối của bản Thông điệp, Tổng thống J. Biden nhấn mạnh, các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ thay vì nhập khẩu chip bán dẫn, có thể xây dựng các nhà máy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chip bán dẫn nhờ có Đạo luật chip và khoa học; khẳng định trong nhiệm kỳ 4 năm qua của ông, nước Mỹ không những vượt qua đại dịch COVID-19 thành công, mà còn chứng kiến nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Phá tan sự hoài nghi của người dân Mỹ?

Theo thông lệ, Thông điệp Liên bang Mỹ thường là dịp để Tổng thống Mỹ điểm lại những thành tựu trong nước, đề ra chính sách an sinh xã hội, điều hành kinh tế,... với trọng tâm là vấn đề nội bộ nước Mỹ và những lợi ích sát sườn đối với người dân. Tuy nhiên, Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2024 không có nhiều điểm đặc biệt, chủ yếu liệt kê thành tựu đạt được, chưa đưa ra được đường hướng chính sách mà nước Mỹ sẽ thực hiện trong thời gian tới. 

Song, một số điểm khác trong Thông điệp Liên bang lần này so với những lần trước đây, đó là Tổng thống J. Biden đã 13 lần nhắc tới và nêu bật những hạn chế từ các chính sách của người tiền nhiệm, như chính sách thắt chặt biên giới giữa Mỹ với Mexico, trận tấn công đồi Capitol...

Giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống J. Biden đang tranh thủ cơ hội này để công khai chỉ trích “đối thủ” Donald Trump, để người dân Mỹ có thể thấy được lộ trình chiến dịch tranh cử của ông cũng như tạo sự tương phản về các chính sách, thế giới quan so với ông D. Trump nhằm thu hút, vận động cử tri bỏ phiếu cho mình trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. 

Thế nhưng, dường như người dân Mỹ vẫn chưa hết hoài nghi về “gánh nặng” tuổi tác và khả năng thắng cử của Tổng thống J. Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024. Theo số liệu thống kê, hiện sự ủng hộ của nhóm cử tri “trung thành” đối với Tổng thống J. Biden đang có xu hướng giảm so với năm 2020, nhất là nhóm cử tri da màu, nữ giới và nhóm cử tri ở lứa tuổi 18 - 29.

Các chuyên gia đánh giá, phần mở đầu của thông điệp lần này khác với văn hóa chính trị Mỹ, đó là Tổng thống J. Biden đưa nội dung và chính sách đối ngoại lên vị trí đầu tiên. Điều này cho thấy, ông J. Biden là một tổng thống thiên về đối ngoại, coi đây là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. 

Cũng có thể thấy, qua gần 4 năm nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống J. Biden đã từng bước hoàn thiện đường lối đối ngoại mới đối với các quốc gia, khu vực, nhất là những nơi đóng vai trò then chốt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chính sách đối ngoại trong thời kỳ Tổng thống J. Biden cho thấy sự tương đối đồng bộ, toàn diện khi vừa có sự kế thừa chính sách của những người tiền nhiệm, vừa có sự thay đổi linh hoạt nhằm phù hợp với vai trò và sức mạnh hiện tại của Mỹ.

Trong Thông điệp lần này, ông J. Biden cũng 7 lần đề cập đến cụm từ “Trung Quốc” và lần đầu tiên đề cập đến việc kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Động thái trên được nhiều nhà phân tích cho rằng, ông J. Biden đang “chống lại” Trung Quốc, mặc dù tuyên bố muốn “cạnh tranh” chứ không phải xung đột với Trung Quốc. 

Theo học giả Bao Trình Kha - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á, Thượng Hải (Trung Quốc) - khi đề cập đến vấn đề cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc vào năm 2023, Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2024 không có sự thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc, song trong mỗi câu chữ hàm chứa không ít sự đối đầu và có thể thấy, ông J. Biden đang chịu khá nhiều áp lực trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. 

Ngoài ra, các học giả cũng nhận định, chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống J. Biden tương đối ổn định; ngược lại, chính sách của Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống D. Trump thường khó dự đoán, thiếu mạch lạc, khiến thế giới khó dự liệu được về môi trường thế giới nếu ông “quay trở lại” Nhà Trắng.

Là đương kim Tổng thống Mỹ, đồng thời là ứng cử viên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11-2024, do vậy, Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2024 không chỉ được xem là chính sách của người đứng đầu Chính phủ Mỹ đương nhiệm, mà còn là lời tuyên bố tranh cử của một ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 4 năm tới: “trên hết, tôi nhìn thấy tương lai cho tất cả người dân Mỹ. Tôi thấy một đất nước dành cho tất cả người dân Mỹ. Và tôi sẽ luôn là tổng thống vì tất cả người dân Mỹ”.

Đáng chú ý, chỉ sau 24 giờ Tổng thống J. Biden đọc Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2024, Quỹ tái tranh cử của ông đã nhận được 10 triệu USD trong ngày 9-3-2024. Đây là thông tin lạc quan về khía cạnh vận động tài chính trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử của ông J. Biden; đồng thời, cũng minh chứng cho người dân Mỹ thấy những chính sách mà ông đưa ra luôn hướng đến mọi người dân, tầng lớp trung lưu, những người yếu thế trong xã hội Mỹ..., cũng như sự hy vọng của ông khi có thể tiếp tục ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai./.

27 March 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 Sau