17/04/2025 | 10:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị COP-28: Nỗ lực vượt qua bất đồng vì một tương lai chung

Anh Thư
Hội nghị COP-28: Nỗ lực vượt qua bất đồng vì một tương lai chung Lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, ngày 30-11-2023_Ảnh: AFP
Một năm nóng nhất trong lịch sử loài người, một giai đoạn với dịch bệnh lan rộng và xung đột xảy ra ở khắp mọi nơi - đó là những gì thế giới đang phải đối mặt khi bước vào Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-28). Đây là nơi diễn ra các vòng đàm phán gay gắt về những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, là thời điểm các nước đánh giá tính hiệu quả của những chương trình chống biến đổi khí hậu đang được triển khai, đồng thời tìm ra tiếng nói chung để giải quyết những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu.

Thế giới đang trải qua những gì?

Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (Liên minh châu Âu) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục, đồng thời dự đoán nhiệt độ toàn cầu năm 2023 cao hơn 1,40C so với thời kỳ tiền công nghiệp (gần với ngưỡng 1,50C theo Thỏa thuận khí hậu Paris). 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới đã bước vào “kỷ nguyên nung nóng toàn cầu” - một cấp độ nguy hiểm hơn nhiều so với khái niệm thế giới vẫn sử dụng là “sự ấm lên toàn cầu”. Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. 

Tại một số châu lục đã chứng kiến các đợt nắng nóng với nhiệt độ kỷ lục. Tại châu Á, nhiệt độ ở Nhật Bản có lúc lên tới 400C. Trung Quốc chứng kiến nhiệt độ lên tới hơn 500C. Canada - quốc gia ở Bắc Mỹ - đã trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. 

Cùng lúc đó, nhiều nơi khác cũng phải chịu thảm họa mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm triệu người dân.

Hội nghị COP-28 đặt ra 4 mục tiêu chính: 1- Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng; 2- Cam kết tài chính cho khí hậu; 3- Đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế của người dân ở trung tâm của các hành động vì khí hậu; 4- Nỗ lực để đưa COP-28 trở thành một hội nghị hành động về khí hậu bao trùm và toàn diện nhất từ trước đến nay.

Một báo cáo của Đại học Delaware (Mỹ) - được công bố trước thềm Hội nghị COP-28 - ước tính tình trạng biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD trong năm 2022, tương đương 6,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, những cam kết của thế giới cho cuộc chiến này vẫn còn rất khiêm tốn. 

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, nguồn tài trợ dành cho các nước đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện mới chỉ đạt được 1/10 đến 1/5 mức đề ra (vốn được tính toán là cần đạt 300 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030).

Những bất đồng không dễ vượt qua

Ngay từ khi chưa chính thức diễn ra, Hội nghị COP-28 đã chứng kiến rất nhiều ý kiến trái chiều. Người chủ trì Hội nghị - Tiến sĩ Sultan Al Jaber - tuy đang là đặc phái viên của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng cũng lại là Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC). 

Đây là vị trí mà nhiều người cho rằng không phù hợp để chủ trì một sự kiện mang tính toàn cầu về ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Bên cạnh đó, có tới hơn 2.500 nhà vận động hành lang trong ngành dầu mỏ đăng ký tham dự COP-28 - một con số kỷ lục trong tất cả các kỳ Hội nghị COP. Điều này càng củng cố cho những ý kiến nghi ngờ và cáo buộc các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn có ý định lợi dụng COP-28 để thực hiện giao dịch về dầu khí.

Thêm nữa, trong suốt quá trình thảo luận, các nhà đàm phán liên tục tranh luận gay gắt về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Việc văn bản dự thảo Thỏa thuận khí hậu COP-28 không bao gồm nội dung loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đã nhận phải sự chỉ trích từ nhiều bên tham gia. 

Điều này dẫn tới tình trạng một số quốc gia đã rời bỏ các cuộc đàm phán với sự thất vọng, bởi lời kêu gọi thiếu tính rõ ràng về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thập niên này. Hơn 100 quốc gia và khối liên minh, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, cho rằng, bản dự thảo này không thể giải quyết các vấn đề thế giới đang gặp phải và gửi đi những thông tin sai lệch về việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. 

Các quốc gia ở khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, như châu Phi, quần đảo Thái Bình Dương cũng khẳng định sẽ không thông qua dự thảo thỏa thuận có tính chất như một “án tử” như vậy. 

Tất nhiên, những đề xuất này đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Saudi Arabia là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất ngôn ngữ chống nhiên liệu hóa thạch, các thành viên OPEC và OPEC+, như Iran, Iraq và Nga, cũng phản đối việc loại bỏ nhiên liệu này.

Bên cạnh đó, tính công bằng vẫn là yếu tố gây nhiều tranh cãi tại Hội nghị COP-28. Một số đại diện của các quốc gia châu Phi cho biết, họ có thể ủng hộ thỏa thuận loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch nếu các nước phát triển đồng ý từ bỏ trước. 

Một điểm khúc mắc khác là việc liệu có thể tiếp tục tiêu thụ dầu mỏ cùng các loại khí đốt khác với điều kiện lượng khí CO2 thải ra sẽ được thu giữ hay “giảm bớt”. Một số bên mong muốn thúc đẩy công nghệ lưu giữ carbon, trong khi những bên khác lại cho rằng, đây có thể chỉ là một cách biện minh cho hành động tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Thỏa thuận mang tính lịch sử

Mặc dù mỗi bên đều có mục đích riêng cùng những bằng chứng để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng không thể phủ nhận, Hội nghị COP-28 đã đạt được một số kết quả mà các kỳ hội nghị trước chưa thực hiện được. 

Đại diện gần 200 bên tham dự đã cùng đưa ra Bản đánh giá toàn cầu (GS) đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu chung là duy trì giới hạn gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C. GS được coi là kết quả trọng tâm của COP-28, với nội dung bao gồm các vấn đề đang được đàm phán và có thể được các quốc gia thông qua để xây dựng những kế hoạch hành động về khí hậu mạnh mẽ hơn vào năm 2025. 

Bên cạnh đó, Hội nghị COP-28 cũng chứng kiến sự hoàn thiện của Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu ứng phó với những tác động ngày càng nghiêm trọng và tốn kém do thảm họa tự nhiên này gây nên. Sau các cuộc đàm phán, Quỹ đã nhận được các cam kết tài chính với tổng giá trị đạt khoảng 792 triệu USD.

Đặc biệt, trong ngày cuối cùng của Hội nghị (ngày 13-12-2023), đại diện gần 200 quốc gia đã thông qua thỏa thuận cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Đây cũng là thỏa thuận đầu tiên về việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. 

Cụ thể, thỏa thuận kêu gọi “giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý,... để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”; tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng; đẩy nhanh nỗ lực hướng tới giảm dần nhà máy nhiệt điện than không áp dụng các biện pháp giảm phát thải. 

Thỏa thuận đạt được sau 2 tuần đàm phán đầy cam go, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị phải kéo dài các cuộc họp hơn dự kiến. Việc thỏa thuận được ký kết cũng gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nhà đầu tư và hoạch định chính sách rằng, cả thế giới đều mong muốn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch - điều mà nhiều nhà khoa học cho là hy vọng cuối cùng để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu.

Chủ tịch COP-28 Sultan Al Jaber gọi đây là thỏa thuận mang tính lịch sử và kêu gọi các nước cần thực hiện những bước cần thiết để biến thỏa thuận này thành hành động cụ thể. 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một thỏa thuận về việc “loại bỏ dần” chứ chưa phải “loại bỏ hoàn toàn” nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, cam kết này vẫn chưa mang tính tuyệt đối như các nhà hoạt động vì môi trường trông đợi. 

Bên cạnh đó, thế giới tuy đã có một “kim chỉ nam” cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng sự thành công vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý chí và hành động của tất cả các bên. 

Do đó, thế giới sẽ lại cùng hướng đến COP-29 để nhìn lại những kết quả đạt được sau 1 năm triển khai các thỏa thuận tại COP-28 và trông chờ vào những cam kết mới mang tính mạnh mẽ và táo bạo hơn./.

3 January 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau