26/04/2025 | 08:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60: Xung lực mới cho hợp tác quốc tế

Lê Xuân Thuận
Ban Đối ngoại Trung ương
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60: Xung lực mới cho hợp tác quốc tế Hội nghị An ninh Munich thường niên lần thứ 60 tại thành phố Munich (Đức), ngày 16-2-2024_Ảnh: THX
Từ ngày 16-2 đến 18-2-2024, tại thành phố Munich (Đức) diễn ra Hội nghị An ninh Munich thường niên lần thứ 60 (MSC-60). Là một trong những cuộc họp quan trọng nhất thế giới về an ninh - đối ngoại, MSC-60 tạo diễn đàn trao đổi mở, đạt nhiều kết quả tích cực, hướng đến một tầm nhìn mới cho trật tự thế giới.

Diễn đàn đa dạng và công bằng

Với hơn 200 sự kiện lớn, nhỏ, MSC-60 tập trung bàn thảo về nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách liên quan đến an ninh khu vực châu Âu và toàn cầu, từ vai trò của châu Âu trong trật tự thế giới hiện nay, chủ nghĩa đa phương đến tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng trầm trọng hơn, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh mạng. Báo cáo thường niên công bố trước thềm MSC-60 cho thấy, bên cạnh mối quan tâm hàng đầu là Nga, các nhà lãnh đạo và cử tri châu Âu giờ đây quan ngại nhiều hơn về các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là vấn đề di cư do biến đổi khí hậu và xung đột hay mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch MSC Christoph Heusgen cho biết, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có, các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện trật tự toàn cầu, vì lợi ích chung, truyền tải thông điệp chính của MSC năm 2024 là “hòa bình thông qua đối thoại”.

Với khẩu hiệu hướng tới một tầm nhìn và ý tưởng mới cho trật tự toàn cầu dựa trên quan điểm không có “người thắng” hay “kẻ thua” giữa các quốc gia, Hội nghị An ninh Munich năm 2024 ghi nhận sự tham gia nhiều hơn của các quốc gia Nam bán cầu, vốn là những nước thuộc địa. Sự tham gia của các đại biểu đến từ khu vực châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ trong các cuộc thảo luận góp phần quan trọng nâng cao tiếng nói của các nước phía Nam bán cầu trong những vấn đề toàn cầu, đưa MSC-60 trở thành một diễn đàn đa dạng và công bằng hơn.

Những kết quả đạt được

Một là, thúc đẩy xu hướng hợp tác quốc tế trong bối cảnh thế giới còn đối mặt với nhiều thách thức. Với chủ đề “Cùng thua”, báo cáo thường niên nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị và sự bất ổn kinh tế gia tăng, với lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác, ngày càng có nhiều chính phủ ưu tiên lợi ích tương đối thay vì tham gia hợp tác cùng thắng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, thế giới đang ngày càng phân mảnh và chia rẽ hơn bao giờ hết, đồng thời nhấn mạnh các thách thức toàn cầu đến từ những cuộc xung đột, các vấn đề như hạt nhân, khủng hoảng khí hậu hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong bối cảnh đó, đa số các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và các nước, nhất là các nước lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Đức,... đều khẳng định nhu cầu và ưu tiên mở rộng, tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường hợp tác dựa trên sự công bằng, đoàn kết trong bối cảnh đang có sự chia rẽ và bất mãn trong quản trị toàn cầu. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách hội nhập quốc tế, vì sự thịnh vượng chung của thế giới và vì chính lợi ích của Mỹ, bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ sẽ “quay lưng” lại với thế giới để theo đuổi chủ nghĩa biệt lập. Về phía Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ trương xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, trật tự đa cực công bằng và kêu gọi cần tiếp tục hợp tác vì lợi ích chung thay vì đối đầu về hệ tư tưởng.

Hai là, đẩy mạnh phối hợp trong giải quyết các cuộc xung đột, nhất là xung đột tại Trung Đông, Ukraina và khu vực Sừng châu Phi. Đa số lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các nước kêu gọi cần tăng cường đối thoại trực tiếp giữa các bên trong giải quyết xung đột, ưu tiên đối thoại hòa bình, không sử dụng vũ lực, ngăn chặn những thảm họa nhân đạo. Đối với cuộc xung đột leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas, đa số các quốc gia đồng thuận kêu gọi ngừng bắn, nhấn mạnh giải pháp 2 nhà nước là giải pháp duy nhất đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (ảnh) cho biết, việc thả ngay lập tức và không điều kiện tất cả con tin, đạt lệnh ngừng bắn nhân đạo là giải pháp duy nhất để mở rộng tuyến đường nhân đạo tới Dải Gaza, tạo nền tảng bền vững cho giải pháp 2 nhà nước. Phó Tổng thống Mỹ K. Harris khẳng định quan điểm không thay đổi lãnh thổ địa lý tại Dải Gaza và kêu gọi Israel cần hành động tốt hơn để bảo vệ những người dân vô tội.

Đối với các cuộc xung đột tại khu vực Sừng châu Phi, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc bảo vệ dân thường, người yếu thế và đề cao trách nhiệm với các bên liên quan tới xung đột. Đáng chú ý, đối với cuộc xung đột tại Ukraina, đa số các quốc gia phương Tây, đi đầu là Mỹ, Đức, Pháp kêu gọi tiếp tục tăng cường ủng hộ, viện trợ cho chính quyền Tổng thống Ukraina Volodymyr Oleksandrovych Zelensky trong cuộc xung đột với Nga. Phó Tổng thống Mỹ K. Harris nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina trong cuộc xung đột với Nga. Trong khi đó, Đức, Pháp cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh và kinh tế cho Ukraina thông qua các thỏa thuận 10 năm với các gói viện trợ quân sự bổ sung lần lượt trị giá 1,13 tỷ euro và 3 tỷ euro.

Ba là, tăng cường ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Ngoài các cuộc xung đột vũ trang, MSC-60 nhấn mạnh các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu và di cư do môi trường sống bị hủy hoại, là mối đe dọa cấp bách đối với an ninh toàn cầu. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các quốc gia đang và kém phát triển, những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các thách thức trên, đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp về tác động ngày càng nghiêm trọng của những thách thức an ninh phi truyền thống; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là tài chính và công nghệ, để nâng cao hiệu quả ứng phó.

Trong khi đó, các đại biểu đến từ các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, cam kết tiếp tục thực hiện các thỏa thuận quốc tế, nhất là những cam kết tại các hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, để cùng chung tay ứng phó với thách thức này.

Một số vấn đề tồn tại

Thứ nhất, quan hệ giữa các nước lớn còn thiếu bền vững. Đơn cử như, trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, bất chấp những tín hiệu tích cực từ cuộc gặp giữa 2 Bộ trưởng Ngoại giao bên lề hội nghị, hai bên còn đối mặt với nhiều trở ngại. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích việc phương Tây liên tục kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới và nhấn mạnh, bất kỳ ai nhân danh việc giảm rủi ro để tìm cách giảm sự hiện diện của Trung Quốc đều đang phạm sai lầm lịch sử. Hay quan hệ Mỹ - châu Âu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là những quan ngại về thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực.

Thứ hai, các vấn đề nhân quyền, dân chủ, nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nhiều đánh giá cho rằng, sự chi phối quá lớn của các tổ hợp công nghiệp - quân sự khiến vấn đề về quyền con người dường như bị mờ nhạt.

Thứ ba, các cuộc xung đột khó đạt được giải pháp đột phá trong ngắn hạn. Việc tiếp tục thiếu đại diện đến từ các quốc gia như Nga, Iran, đặt ra dấu hỏi lớn về tính khả thi đối với các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột hiện nay./.

1 March 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau