Căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ đe dọa an ninh kinh tế toàn cầu
Xuân Sơn
Sức mạnh của lực lượng Houthi
Lực lượng Houthi do Abdul-Malik al-Houthi lãnh đạo, là một nhóm nổi dậy người Shiite được Iran hậu thuẫn, đã tiến hành đấu tranh chống Chính phủ Yemen trong khoảng 2 thập niên và hiện kiểm soát vùng Tây Bắc và Thủ đô Sanaa của Yemen.
Houthi đã đẩy lùi các cuộc tấn công của liên minh quốc tế do Saudi Arabia lãnh đạo và được coi là đồng minh hỗ trợ tích cực cho phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine. Với sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh tại khu vực Cận Đông, quan trọng nhất là Iran, phong trào Houthi đã chứng minh là một lực lượng thiện chiến trong cuộc xung đột với liên minh quân sự Arab.
Thậm chí, Houthi còn tổ chức nhiều cuộc tấn công nhằm vào các vị trí chiến lược quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát rất hiệu quả, khiến liên minh bị thiệt hại nặng nề.
Khi cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu vào đầu tháng 7-2023, lực lượng Houthi tuyên bố ủng hộ Hamas và cho biết sẽ nhắm vào bất kỳ tàu nào đến Israel hoặc rời khỏi đó. Yahya Sarea - phát ngôn viên của Houthi - cho biết, nhóm này đang tấn công các tàu để phản đối việc “giết chóc, phá hủy và bao vây” của Israel ở Dải Gaza và thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine.
Lực lượng Houthi không chỉ sử dụng UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo để chống lại các mục tiêu trên biển, mà còn tấn công nhằm vào thành phố Eilat ở miền Nam Israel. Mặc dù các tên lửa của Houthi bị bắn hạ, nhưng những cuộc tấn công như vậy cho thấy sức mạnh đáng kể của lực lượng này.
Từ bỏ tuyến đường qua Biển Đỏ có nghĩa là từ bỏ một trong những tuyến đường vận chuyển toàn cầu phổ biến nhất từ châu Á đến châu Âu. Thực tế, 40% tỷ trọng thương mại Á - Âu là đi qua đường biển. Nếu các tàu tránh khu vực Biển Đỏ sẽ phải đi vòng qua phía Nam châu Phi, khiến chi phí nhiên liệu trung bình phát sinh thêm 1 triệu USD. |
Thực tế, phong trào Hồi giáo vũ trang tại Yemen có trong tay nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa nguy hiểm và chính xác. Trong vài năm qua, kho tên lửa của Houthi đã tăng lên đáng kể, phần lớn có nguồn gốc từ Iran. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ từ Iran, lực lượng Houthi cũng khôi phục nhiều tổ hợp tên lửa tấn công từ thời Liên Xô, trong đó có cả vũ khí chống hạm.
Không chỉ sở hữu tên lửa chống hạm, Houthi còn có trong tay nhiều tổ hợp tên lửa đạn đạo khó đối phó hơn nhiều. Phong trào Hồi giáo vũ trang này từng sử dụng các tên lửa đạn đạo để tấn công chính xác các mục tiêu ở Saudi Arabia - quốc gia vốn sở hữu nhiều loại vũ khí phòng không, phòng thủ tên lửa hiện đại từ Mỹ và phương Tây.
Ngày 11-1-2024, Mỹ và Anh đã ném bom vào hơn 60 mục tiêu của Houthi ở Yemen. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các cuộc tấn công sẽ tiếp tục diễn ra “khi cần thiết” để bảo vệ dòng chảy thương mại quốc tế tự do. Theo các chuyên gia phân tích, những cuộc tấn công như vậy có thể làm tăng nguy cơ xung đột khu vực. Hơn nữa, các cuộc tấn công của Mỹ và Anh có thể khơi mào lại cuộc nội chiến ở Yemen khi lực lượng Houthi bị dồn vào đường cùng.
Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ trong những tháng qua đã làm rung chuyển hệ sinh thái hàng hải toàn cầu. Ước tính, số lượng hàng hóa qua kênh đào Suez giảm 42% so với lúc đỉnh điểm, số tàu container giảm 67% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2023, chi phí vận chuyển tăng 20% - 40%.
Để đối phó với mối đe dọa này, 3 chủ tàu lớn của thế giới là các hãng MSC, Maersk Line và CMA CGM đã chuyển hướng đến tuyến đường đi quanh mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Đường vòng này dài hơn cả về thời gian và quãng đường (thêm 10 ngày và 4.000 hải lý), gây tốn kém hơn và ô nhiễm hơn. Còn tại Đức, hãng ô tô điện Tesla đã tuyên bố tạm dừng sản xuất xe điện vào đầu tháng 2-2024 do thiếu linh kiện sản xuất nhập khẩu từ châu Á.
Đối với các quốc gia nghèo ở khu vực, cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ còn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Sự thiếu hụt nguồn cung lương thực từ bên ngoài khiến nạn đói càng diễn ra trầm trọng hơn ở các nước vùng Sừng châu Phi như Djibouti, Somalia, Eritrea, Ethiopia và thậm chí cả Kenya và Sudan.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố tháng 2-2024, hoạt động giao thương của vùng Sừng châu Phi chủ yếu dựa vào kênh đào Suez, 31% lượng trao đổi thương mại với bên ngoài của Djibouti và 34% của Sudan đi theo tuyến đường hàng hải này.
Vì vậy, riêng với những quốc gia có đặc thù kinh tế dựa vào cảng biển như Djibouti, Sudan thì tác động của cuộc khủng hoảng mang lại còn lớn hơn do doanh thu sụt giảm tại các hải cảng chính sau khi vắng những tàu container.
Tại Djibouti - nơi có 75% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến từ kinh tế cảng biển - từ khi khủng hoảng Biển Đỏ xảy ra, số lần “dừng chân” của các tàu thuyền đã giảm 10%, con số này của Sudan là 22%. Những tàu container còn mạo hiểm đi qua Biển Đỏ sẽ phải chấp nhận gặp nhiều rủi ro và chi phí bảo hiểm bổ sung.
Phản ứng dây chuyền là số lượng container quá cảnh tại các quốc gia này ngày một ít hơn, các dịch vụ vốn xuống cấp cũng trở nên rất đắt đỏ. Hơn nữa, giá thuê container từ nội địa cũng tăng gấp 3, thậm chí 4 lần.
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ xảy ra vào thời điểm kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, do vậy chuỗi cung ứng vốn bị tổn thất nặng nền trước đó lại càng thêm mong manh, tác động trực tiếp đến chi phí sinh hoạt của người dân tại nhiều quốc gia.
Với những nước nghèo ở châu Phi, châu Á vốn không có mạng lưới an sinh xã hội tốt, sự thiếu hụt hàng hóa và giá cả leo thang càng khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể gây ra khủng hoảng nhân đạo.
Đơn cử như Ethiopia - quốc gia đông dân thứ hai châu Phi (dân số khoảng 120 triệu người) và không giáp biển - được coi là quốc gia đáng lo ngại nhất. Trong bối cảnh giá của container ở Ethiopia tăng vọt từ 1.500 USD lên 5.000 USD, nỗi lo thiếu hụt và giá quá cao đối với các sản phẩm thiết yếu như phân bón, thực phẩm đã làm gia tăng căng thẳng tại nước này, buộc Chính phủ Ethiopia phải đề nghị thỏa thuận với các nước láng giềng như Kenya và Somaliland để có quyền tiếp cận biển riêng.
Bất ổn an ninh tại Biển Đỏ cũng làm gia tăng nguy cơ xung đột, chiến tranh và nạn cướp biển. Vùng Sừng châu Phi có vị trí đối diện trực tiếp với Yemen, nơi đang bị lực lượng Houthi chiếm giữ phần lớn.
Trong khu vực này, Somaliland và Puntland, một phần của Somalia, có bờ biển trên vịnh Aden, ở phía bên kia eo biển Bab al-Mandeb là Eritrea và Djibouti với Sudan nằm ở phía Bắc Eritrea. Nhiều quốc gia trong số này có nguy cơ xảy ra chiến tranh và xung đột, cùng với các vấn đề về kinh tế và quản trị, và trong trường hợp của Somalia là khủng bố và cướp biển.
Trên thực tế, kể từ tháng 11-2023, nạn cướp biển đang trỗi dậy ở vùng Sừng châu Phi với 8 vụ cướp biển trong 3 tháng qua. Trong môi trường rủi ro như vậy, việc lực lượng Houthi tự do càn quét làm gia tăng khả năng bất ổn an ninh hơn nữa.
Do đó, nếu cuộc chiến Israel - Gaza tiếp tục kéo dài, cùng với những tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế hậu đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraina gây ra, rất có thể sự leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ hiện nay sẽ làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




