Bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Minh Minh
Từ đối tác tin cậy, ổn định lâu dài...
Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước có lịch sử phát triển hàng nghìn năm với nền nông nghiệp lúa nước, cùng chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông với nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo.
Sự kết nối giữa con người và con người, đồng cảm và gắn kết, cộng hưởng giữa người dân 2 nước chính là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nên mối quan hệ truyền thống, hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản.
Sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21-9-1973, quan hệ chính trị giữa 2 nước ngày càng được vun đắp, củng cố và mở rộng.
Từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002), quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng lên thành “Đối tác bền vững” (năm 2004), “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2006), “Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2009) và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2014).
Cùng với quan hệ chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế giữa 2 nước cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Từ năm 1992 đến nay, thương mại hai chiều bình quân hằng năm tăng khoảng 20%.
Năm 2011, 2 năm sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA) có hiệu lực, Nhật Bản trở thành thành viên đầu tiên của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ kinh tế bình đẳng giữa 2 nước.
Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 50 tỷ USD. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 36,9 tỷ USD. Nhật Bản tham gia sâu rộng vào các dự án kinh tế tại Việt Nam và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Tính đến tháng 7-2023, Nhật Bản đã đầu tư khoảng 5.143 dự án tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 71 tỷ USD. Để mở đường cho hợp tác kinh tế, Nhật Bản tích cực viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Từ năm 1993 đến nay, Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với tổng số tiền lên tới 29,3 tỷ USD (chiếm khoảng 30% tổng số ODA cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam), góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cùng với chương trình giao lưu văn hóa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, các hoạt động hợp tác trở thành cầu nối hữu nghị giúp tăng cường hiểu biết về văn hóa, lịch sử và sự gắn kết giữa hai quốc gia. |
Hợp tác văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân,... giữa 2 nước cũng đạt được những thành tựu khả quan. Trong những năm qua, Nhật Bản tích cực giúp Việt Nam bảo tồn và trùng tu nhiều di tích lịch sử, như phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long...
Hiện nay, số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam chiếm khoảng 40% trong tổng số gần 500.000 người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam luôn là điểm đến yêu thích của khách du lịch Nhật Bản, với khoảng 1 triệu lượt khách/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có khoảng 204.000 lượt khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương, Việt Nam và Nhật Bản còn chủ động đẩy mạnh phối hợp trên các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, như: Cơ chế hợp tác ASEAN mở rộng (ASEAN+3), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Liên hợp quốc...
Ngoài kênh chính thức, 2 nước cũng phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế ngoại giao kênh II, như: Đối thoại ba bên Việt Nam - Nhật Bản - Mỹ, Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP)...
Những thành tựu đạt được cùng với sự tin cậy trong chính sách, tương đồng về văn hóa đã đặt nền móng vững chắc và tạo động lực để hai bên đặt ra những mục tiêu lớn hơn cho quan hệ giữa 2 quốc gia trong tương lai.
... đến đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới
Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực khác nhau, nhất là hợp tác kinh tế.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, 2 nước nhận thấy cần điều chỉnh một số nội dung hợp tác để ứng phó với những thách thức mới.
Đó là lý do gần đây 2 nước có nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của mối quan hệ, nâng cấp quan hệ theo hướng tăng cường hợp tác cả về bề rộng và chiều sâu.
Trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 11-2023), hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, cho thấy sự phát triển liên tục và mở ra một giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Để có được bước tiến này, ngoài thiện chí nâng cấp quan hệ của hai bên, “đối tác chiến lược toàn diện” còn thể hiện yêu cầu chiến lược của 2 quốc gia.
Về phía Nhật Bản, sự thành công bước đầu của chính sách kinh tế Abenomics được đưa ra từ thời kỳ cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tạo điều kiện cho Nhật Bản mở rộng phạm vi của chính sách kinh tế Abenomics sang các quốc gia khu vực.
Hơn nữa, năm 2013, Chính phủ Nhật Bản ban hành Chiến lược an ninh quốc gia với nguyên tắc “chủ động đóng góp cho hòa bình”, theo đó Nhật Bản cần chủ động hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho Nhật Bản tham gia giải quyết các vấn đề khu vực.
Thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam là một trong những bước đi trong nỗ lực của Nhật Bản trở thành quốc gia “bình thường”.
Với phương châm đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế”, Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế” và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, ngày 25-10-2013, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới cũng như mở rộng phạm vi quan hệ với Nhật Bản.
Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 31 (tháng 12-2021) với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” đã góp thêm căn cứ thực tế để Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác với Nhật Bản.
Do vậy, quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” là bước phát triển quan trọng để hai bên tiếp tục hiện thực hóa chiến lược đối ngoại của mình.
Tầm nhìn chiến lược của 2 nước
Đạt được quan hệ tốt đẹp như ngày nay, ngoài nền tảng vững chắc cùng với những nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy quan hệ 2 nước liên tục phát triển từ sau Chiến tranh lạnh đến nay chính là vị trí và tầm quan trọng của 2 nước trong chiến lược phát triển của mỗi nước.
Đối với Nhật Bản, Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng cả về địa - kinh tế và địa - chính trị ở khu vực Đông Nam Á. Về kinh tế, với quy mô dân số 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn thứ ba ở Đông Nam Á - một tiềm năng không nhỏ đối với nền kinh tế hướng vào xuất khẩu của Nhật Bản.
Cơ cấu dân số trẻ và giá nhân công rẻ của Việt Nam cũng tạo nên sức hấp dẫn đối với đầu tư của Nhật Bản trong bối cảnh chi phí lao động và sản xuất ở Trung Quốc gia tăng.
Ngoài ra, sau thành công bước đầu của chính sách Abenomics, Nhật Bản đang tích cực mở rộng chính sách này sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong ASEAN cũng sẽ giúp Nhật Bản mở rộng phạm vi chính sách Abenomics sang Đông Nam Á.
Đối với Việt Nam, Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu trong chiến lược phát triển và chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện của Đảng và Nhà nước ta. Với tầm vóc của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến, Nhật Bản là đối tác phát triển hàng đầu giúp Việt Nam hiện thực hóa chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng việc triển khai “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: một là, khoảng cách phát triển giữa 2 nước còn khá lớn; hai là, kết cấu hạ tầng hạn chế và thủ tục hành chính phức tạp của Việt Nam đang làm chậm tiến độ một số cam kết hợp tác giữa hai bên; ba là, tình hình an ninh khu vực phức tạp đang có nguy cơ làm chậm tiến độ hợp tác giữa 2 nước.
Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ hợp tác trong thời gian tới, cần có sự quyết tâm chính trị từ cả hai bên. Ngoài việc duy trì thường xuyên tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước để thúc đẩy thực hiện các cam kết, hai bên cần có những hành động cụ thể hơn nữa để gia tăng sự gắn kết về lợi ích chiến lược trong quan hệ 2 nước...
Nhìn từ mọi khía cạnh, “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” là một bước tiến mới, cho thấy sự phát triển không ngừng của mối quan hệ tin cậy chiến lược giữa 2 quốc gia.
Với nền tảng vững chắc và tầm nhìn chiến lược sáng suốt của lãnh đạo 2 quốc gia, Việt Nam và Nhật Bản sẽ vượt qua mọi trở ngại, tận dụng một cách hiệu quả nhất những cơ hội mà khuôn khổ hợp tác này mang lại để hiện thực hóa chiến lược phát triển của mỗi bên vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân 2 nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




