06/10/2024 | 00:38 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sức chống chịu của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á

La Tuấn
Sức chống chịu của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á Sự kiện Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6-11-2023_Ảnh: doanhnhansaigon.vn
Là một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới với dân số hơn nửa tỷ người, chủ yếu là dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển; các nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á vẫn chứng tỏ được sức hồi phục mạnh mẽ, bất chấp “những cơn gió ngược” kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Báo cáo chung về kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á của Hãng Google, Temasek - một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore và Hãng tư vấn quản lý Bain & Company mới đây cho biết, bất chấp “những cơn gió ngược” kinh tế vĩ mô toàn cầu, các nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm 2023, tăng 11% so với năm 2022.

Các nhà phân tích của 3 đơn vị trên đều nhất trí cho rằng, Đông Nam Á đã vượt qua “những cơn gió ngược” kinh tế vĩ mô toàn cầu với năng lực chống chịu cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới, niềm tin của người tiêu dùng bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2023 sau khi giảm xuống mức thấp hơn trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, doanh thu trong nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á dự kiến đạt 100 tỷ USD trong năm nay, tăng gấp 1,7 lần tổng giá trị giao dịch của khu vực. Điều này xuất phát từ việc các công ty đang chuyển trọng tâm từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang lợi nhuận, trong nỗ lực xây dựng hoạt động kinh doanh “lành mạnh”. Fock Wai Hoong - người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Temasek - cho hay: “nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á thực sự đang ở giữa giai đoạn chuyển hướng chưa từng có hướng tới lợi nhuận. Hiện có sự tập trung giống như tia laser vào doanh thu và kiếm tiền chất lượng cao, qua đó là cực kỳ lành mạnh”.

Sapna Chadha - Phó Chủ tịch Google Đông Nam Á - cho biết: “việc duy trì tập trung vào khoảng cách tham gia kỹ thuật số và kiên quyết xóa bỏ các rào cản để cho phép nhiều người Đông Nam Á trở thành người dùng tích cực các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số sẽ giúp khu vực mở ra sự tăng trưởng hơn nữa trong thập niên kỹ thuật số này”.

Báo cáo hằng năm này đã phân tích 5 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á - thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận tải, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng

 Theo báo cáo trên, các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số đang cho thấy quỹ đạo tăng trưởng tích cực, với du lịch và vận tải đang trên đà vượt mức trước đại dịch vào năm 2024. Báo cáo cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp trực tuyến đang chuyển từ việc thu hút người dùng với chi phí cao sang tăng cường tương tác với khách hàng hiện tại để hướng sự tập trung vào lợi nhuận.

Florian Hoppe - chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương của Bain & Company - cho biết, mặc dù việc cắt giảm dự báo chủ yếu là do thay đổi mục tiêu dài hạn và ổn định sau đại dịch, nhưng giờ đây nó sẽ là một đường băng khá ổn định cho đến năm 2025. Theo đó, khu vực gồm 11 quốc gia có hơn nửa tỷ người, chủ yếu là dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển, đang biến khu vực này trở thành một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới.

Ông Fock Wai Hoong phân tích: “các công ty và doanh nhân hiện nay nhận ra rằng cách tốt nhất để phát triển không phải là tăng trưởng bằng mọi giá, mà là chuyển đổi nhanh nhất có thể qua giai đoạn khởi đầu, giai đoạn tăng trưởng và hướng tới sự bền vững tài chính hơn”.

Báo cáo trên cũng lưu ý rằng, các nền tảng thương mại điện tử đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút người dùng có giá trị cao, tăng quy mô giao dịch cũng như tìm kiếm các nguồn doanh thu như dịch vụ quảng cáo và giao hàng để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này ước tính đạt 186 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 139 tỷ USD trong năm 2023.

Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, nhu cầu của người tiêu dùng đã thúc đẩy hoạt động cho vay kỹ thuật số. Theo báo cáo, hoạt động cho vay kỹ thuật số này chiếm phần lớn doanh thu trị giá 30 tỷ USD từ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Dự kiến, Singapore sẽ là thị trường cho vay kỹ thuật số lớn nhất trong khu vực đến năm 2030.

Cùng với Philippines, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2025 và đang trên đà đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025. Đây là con số tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Báo cáo nêu rõ: “thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, hoạt động đầu tư từ các ngân hàng thương mại và sự phổ biến rộng rãi của mã QR”. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Theo báo cáo, nhờ sự phục hồi sau COVID-19, các lĩnh vực du lịch và vận tải trực tuyến đang trên đà đạt mức trước đại dịch vào năm 2024. Mặc dù hoạt động ăn uống trực tiếp quay trở lại và cắt giảm các chương trình khuyến mãi, doanh thu giao đồ ăn - thuộc lĩnh vực vận tải - vẫn đạt 800 triệu USD vào năm 2023, tăng 60% so với năm 2022. Thái Lan đang chứng kiến “nguồn động lực đáng kể”, trong đó du lịch trực tuyến là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Bột khô” vẫn tăng

Báo cáo lưu ý rằng, “những cơn gió ngược” kinh tế vĩ mô như lạm phát và chi phí vốn cao đã khiến việc triển khai nguồn vốn tư nhân giảm xuống mức thấp nhất của năm 2017. Tuy nhiên, “bột khô” (dry powder) - lượng dự trữ tiền mặt dành cho đầu tư - vẫn tăng, bất chấp các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng. Báo cáo cho biết: “để thoát khỏi cảnh mùa đông tài trợ này, các doanh nghiệp kỹ thuật số của Đông Nam Á cần phải chứng minh rằng các giao dịch chất lượng với lộ trình rút vốn rõ ràng luôn sẵn có”, đồng thời cho biết thêm rằng sự suy giảm này phù hợp với sự thay đổi toàn cầu theo hướng chi phí vốn cao và các vấn đề liên quan đến “vòng đời” tài trợ.

Theo báo cáo, bất chấp việc các nhà đầu tư ngày càng kén chọn hơn, lượng “bột khô” đã tăng lên 15,7 tỷ USD vào cuối năm 2022, tăng từ 12,4 tỷ USD của năm 2021. Fock Wai Hoong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Temasek, nhận định: “đó thực sự là một biểu hiện cho thấy các công ty có thể xoay vòng để đạt được lợi nhuận nhanh như thế nào. Họ thực hiện việc này càng sớm, nguồn vốn sẽ quay trở lại nhanh hơn. Điều này cho thấy có sẵn nhiên liệu để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á chuyển sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Bên cạnh đó, các lĩnh vực non trẻ trong khu vực như công nghệ y tế, công nghệ giáo dục và ô tô đang chứng kiến một phần hoạt động giao dịch ngày càng tăng, qua đó cho thấy các nhà đầu tư đang đa dạng hóa danh mục đầu tư”.

Có thể thấy, bất chấp “những cơn gió ngược” trong nền kinh tế vĩ mô toàn cầu, các nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á vẫn thực sự đang trong giai đoạn chuyển hướng hướng tới lợi nhuận chưa từng có. Và để thu hút nguồn vốn trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các công ty kỹ thuật số cần cho các nhà đầu tư thấy rằng họ có những lộ trình rõ ràng và khả thi để thu hút vốn cũng như kiếm lợi nhuận từ một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới này./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện