06/10/2024 | 00:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tin giả và quản lý tin giả: Vấn nạn toàn cầu, giải pháp triệt để

Vũ Thanh Vân
Tin giả và quản lý tin giả: Vấn nạn toàn cầu, giải pháp triệt để Lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam “Chiến dịch Tin” nhằm cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng mạng xã hội có thể nhận
Tin giả trở thành vấn nạn toàn cầu, gây ra những hậu quả chính trị, kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Năm 2023 tiếp tục là một năm tin giả sinh sôi, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, chiến tranh, xung đột, thảm họa thiên nhiên diễn biến phức tạp. Sự gia tăng không ngừng của tin giả dù không thể ngăn chặn hoàn toàn, nhưng rất cần được kiểm soát nhằm xây dựng xã hội và môi trường thông tin lành mạnh, an toàn.

Không ngừng gia tăng

26% số người dân Mỹ tự tin về khả năng phân biệt tin giả; 67% tin rằng tin giả gây ra rất nhiều sự hoang mang và 38,2% cho biết đã từng vô tình chia sẻ tin giả. Người Mỹ tin rằng, tình hình tin giả sẽ còn tồi tệ hơn trong 5 năm tới. 81% số người dân ở châu Âu tin rằng, tin giả là vấn đề đối với nền dân chủ; 18,4% số người tiêu dùng từng bị thao túng bởi các nội dung trên mạng. 

Trên phạm vi toàn cầu, mạng xã hội là nguồn tin ít đáng tin cậy nhất, đây là một số số liệu về tin giả do trang thống kê Statista cung cấp, cho thấy một bức tranh đáng lo ngại hiện nay. Tin giả không phải là vấn đề của riêng một quốc gia mà trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu.

Từ “tin giả” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1925 trong bài báo Tin giả và công chúng của Edward McKernon đăng trên tờ Harpers Monthly. Khi đó, từ “tin giả” được sử dụng để nói đến việc những kẻ đầu cơ thị trường sử dụng tin đồn và các thủ thuật thao túng tâm lý với sự trợ giúp của các hãng tin. Trong chiến tranh, tin giả cũng được sử dụng như công cụ tâm lý chiến, gây hoang mang cho đối phương.

Sự phát triển của Internet và mạng xã hội khiến tin giả trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính toàn cầu, đe dọa sự phát triển lành mạnh của xã hội và an toàn của cá nhân. Tin giả được ví như virus SARS-CoV-2 phát tán nhanh chóng trên diện rộng mà khó kiểm soát nguồn lây, ngăn chặn. 

Các nghiên cứu ngày càng chỉ ra đầy đủ các hậu quả đa chiều của tin giả trên phương diện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Mặc dù được định nghĩa theo những cách khác nhau, nhưng về cơ bản tin giả được xác định là những thông tin không chính xác, sai trái, bịa đặt nhằm mục đích dẫn dụ, lừa dối, gây tổn hại cho người khác và xã hội.

Các chuyên gia dự đoán, tin giả sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn, tinh vi hơn, độc hại hơn, đặc biệt với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) và các tệ nạn xã hội. Nếu như mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho tin giả sinh sôi, trí tuệ nhân tạo là phương tiện để tin giả khoác lên vỏ bọc khó nhận diện hơn. 

Bài viết Sự lan tràn của tin giả trí tuệ nhân tạo tạo ra “tình trạng siêu lây nhiễm tin giả” đăng trên tờ Washington Post ngày 17-12-2023 cho rằng, AI đã tự động hóa việc sản xuất tin giả, làm bùng nổ những nội dung giả mạo những bài viết có thật, từ đó lan truyền những thông tin không chính xác về các cuộc bầu cử, chiến tranh và thiên tai.

Tìm kiếm giải pháp

Việc tạo ra, phát tán tin giả thường được giải thích bởi lý thuyết khuếch đại xã hội và lý thuyết căn phòng tiếng vọng. Theo đó, những thông tin mang tính tiêu cực thường được phát tán mạnh hơn những thông tin mang tính tích cực vì con người vốn bị hấp dẫn bởi những tin tức giật gân. 

Bên cạnh đó, con người có xu hướng xây dựng các nhóm, cộng đồng có chung mối quan tâm, quan điểm trong đời thực và môi trường trực tuyến. Các căn phòng tiếng vọng này có thể là nguồn sản xuất, lan truyền tin giả. 

Petter Tornberg trong nghiên cứu Căn phòng tiếng vọng và tin giả lây lan: Mô hình hóa sự lan truyền của tin giả, cho rằng: “các căn phòng tiếng vọng có mối liên hệ với việc phát tán tin giả thông qua hiệu ứng mạng lưới. Khi tin giả phù hợp với quan điểm của những người trong cộng đồng tiếng vang, cộng đồng đó có thể trở thành nền tảng cho việc phát tán thông tin trên phạm vi toàn cầu”.

Từ tháng 5-2023, các trang web đăng tải các bài báo giả do AI sản xuất đã tăng hơn 1.000%. chuyên trang theo dõi tin giả về cuộc chiến Nga - Ukraina của NewsGuard phát hiện có 453 trang web cung cấp thông tin sai lệch về cuộc chiến này. Cuộc chiến Nga - Ukraina không dừng lại ở phạm vi của chiến tranh quân sự mà còn trở thành cuộc chiến tranh thông tin. Tom Buchanan (Đại học Kansas, Mỹ) trong nghiên cứu Tại sao mọi người phát tán thông tin sai lệch trên mạng? chỉ ra, những người có trình độ học vấn thấp và không có tư duy phản biện thường là những người dễ chia sẻ tin giả và những người sử dụng mạng xã hội có khả năng tiếp tay cho tin giả lan xa.

Tổ chức chuyên theo dõi tin giả NewsGuard (Mỹ) thống kê

Mỗi quốc gia tìm kiếm giải pháp khác nhau để phòng ngừa và xử lý tin giả tùy theo thể chế chính trị, trình độ công nghệ, điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa. Tại Mỹ, việc kiểm soát tin giả tập trung vào các nền tảng mạng xã hội hơn là nhắm đến người dùng vì việc quản lý mạng xã hội của người dùng vô cùng nhạy cảm trong khuôn khổ Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp. 

Nghiên cứu tháng 7-2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, phần lớn người dân Mỹ cho rằng, Chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ cần có các biện pháp để hạn chế thông tin sai lệch, những nội dung bạo lực cực đoan trên mạng. Tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ việc chính quyền liên bang hạn chế tin giả đã tăng từ 38% năm 2018 lên 55% năm 2023. 

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân ủng hộ các công ty công nghệ kiểm soát tin giả (65%) cao hơn tỷ lệ người dân ủng hộ chính quyền liên bang làm việc này (55%). Những người ủng hộ Đảng Dân chủ cũng có xu hướng ủng hộ các biện pháp kiểm soát tin giả hơn những người ủng hộ Đảng Cộng hòa.

Các quốc gia châu Âu cũng có cách tiếp cận tương tự khi gia tăng áp lực đối với các nền tảng mạng xã hội trong việc rà soát, ngăn chặn và xóa bỏ tin giả. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, mặc dù tin giả có tác động tiêu cực đối với xã hội nhưng không phải lúc nào nó cũng trái pháp luật và việc xử lý tin giả phải tuân thủ các quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí. 

Đức là một trong những quốc gia châu Âu có biện pháp cứng rắn đối với mạng xã hội trong việc kiểm soát tin giả. Theo luật Thực thi mạng (NetzDG), mạng xã hội ở Đức phải sàng lọc, xóa các nội dung thù địch và giả mạo, nếu không có thể bị phạt tiền lên tới 50 triệu euro.

Tin giả là một thảm họa công nghệ và xã hội, là sản phẩm của việc sử dụng mạng xã hội và các tiện ích công nghệ một cách sai trái, vì lợi ích riêng mà gây thiệt hại cho cả xã hội. Tính chất hai mặt của mạng xã hội khiến nó trở thành nền tảng cho việc sản xuất, phát tán tin giả một cách nhanh chóng trên phạm vi rộng lớn. 

Các chuyên gia công nghệ và truyền thông nhận định, sự gia tăng của tin giả là tất yếu, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, vấn nạn này có thể được ngăn chặn hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, có quốc gia áp dụng mô hình quản lý nhà nước đối với việc sử dụng mạng xã hội và có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, phát tán tin giả.

Mô hình thứ hai là kiểm soát tin giả thông qua các nền tảng mạng xã hội. Các công ty mạng xã hội như Facebook, YouTube, X,... không thể không có trách nhiệm duy trì nền tảng thông tin của mình sạch sẽ, an toàn và ngăn chặn tin giả hiệu quả. 

Các quốc gia trên thế giới ngày càng gây sức ép nhiều hơn với các mạng xã hội, buộc các mạng xã hội có giải pháp triệt để hơn để ngăn chặn, xóa bỏ tin giả nếu còn muốn tiếp tục hoạt động trong lãnh thổ của họ. 

Phương pháp tiếp cận này khá phổ biến và được coi là mô hình quản lý mạng xã hội và kiểm soát tin giả gián tiếp, gắn trách nhiệm cho các mạng xã hội thay vì áp dụng mô hình quản lý nhà nước.

Cho dù áp dụng mô hình quản lý mạng xã hội và tin giả nào đi chăng nữa, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm nâng cao trình độ công nghệ, năng lực phản biện và khả năng kiểm chứng thông tin để bảo vệ mình trong môi trường trực tuyến ngày càng phức tạp. 

Tin giả sẽ không còn đất sống nếu người dân thông thái, biết cách lựa chọn những nguồn tin đáng tin cậy đồng thời kiểm chứng mọi thông tin mà mình nhận được. 

Đây mới là mô hình bền vững, triệt để, nhưng cũng đòi hỏi nhiều thời gian nhất để giáo dục, bồi dưỡng người dân, đặc biệt là giới trẻ, cách thức sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật và đạo đức./.