23/11/2024 | 15:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Năm đột phá của trí tuệ nhân tạo và những thách thức phía trước

Lâm Phong
Năm đột phá của trí tuệ nhân tạo và những thách thức phía trước Lễ ra mắt GPT-4 của OpenAI_Ảnh: TL
Năm 2023 chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), từ sự ra đời của các mô hình ngôn ngữ lớn cho đến những thiết bị AI có thể mang theo người, hay việc tạo ra bài hát hoàn toàn mới từ dữ liệu đã được lưu trữ của nhóm nhạc lừng danh The Beatles. Hiện nay, AI đã tích hợp tương đối sâu, rộng vào cơ cấu cuộc sống con người, định hình công nghệ và tác động sâu sắc đến không chỉ các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật. Điều này đặt ra thách thức cho các chính phủ và tổ chức quốc tế về quản trị rủi ro liên quan đến sự phát triển của AI.

Những đột phá của AI

Sự chuyển đổi sâu sắc của AI trong năm 2023 được đánh dấu bằng những tiến bộ của AI nguồn mở, các cuộc tranh luận về cấp phép và sự xuất hiện của các mô hình AI có tính sáng tạo mạnh mẽ. Điển hình của sự phát triển AI nguồn mở có thể kể đến là việc phát hành các công nghệ PyTorch 2.0 (nền tảng học máy), Modulus (ứng dụng AI vào BlockChain) hay Colossal-AI (hệ thống đào tạo mô hình quy mô lớn)... Những “gã khổng lồ công nghệ” là Microsoft và Google đóng góp những cột mốc đáng chú ý cho tiến trình này, khi Microsoft tích hợp ChatGPT vào Bing và Google ra mắt Bard. Đồng thời, năm 2023 chứng kiến sự xuất hiện của các mô hình AI tiên tiến, tạo nên cuộc cách mạng trong việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tạo ra nội dung sáng tạo. Đơn cử, GPT-4 của OpenAI - một mô hình ngôn ngữ đột phá - đã định nghĩa lại các khả năng của AI. GPT-4 thể hiện xuất sắc trong các ứng dụng dựa trên văn bản, thể hiện trình độ vượt trội trong việc sáng tạo ngôn ngữ viết, mã hóa và giải quyết vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, AI thể hiện năng lực ngày càng tăng trong việc xử lý dữ liệu văn bản khổng lồ.

Đáng chú ý, năm 2023, ngành công nghiệp giải trí chứng kiến sự tiến bộ không ngờ tới của AI, với việc phát hành “Now and Then” - một bài hát mới của ban nhạc The Beatles. Sản phẩm này có được nhờ các kỹ thuật xử lý âm thanh tiên tiến tương tự như kỹ thuật được sử dụng trong bộ phim tài liệu “Get Back” năm 2021 của Disney. Trong bài hát, AI là công cụ trích xuất giọng hát của John Lennon từ một bản nhạc cũ. Bài hát nhận được nhiều phản ứng trái chiều về khía cạnh nghệ thuật, nhưng nêu bật tiềm năng ứng dụng của công nghệ AI và sự hồi sinh của những giọng ca mang tính biểu tượng, cho phép các nghệ sĩ hiện đại kết nối với những huyền thoại trong quá khứ. Điều này có thể mở ra khả năng tái hiện các bản nhạc cổ điển dựa trên AI và sự hợp tác giữa các thế hệ khác nhau trong sản xuất âm nhạc. Các kỹ thuật AI được thể hiện trong quá trình sản xuất bài hát của The Beatles gợi ý một tương lai cho kỹ thuật phục hồi, kỹ thuật âm thanh nâng cao. Phương pháp này cũng có thể áp dụng để làm lại các bản ghi âm cũ, bảo tồn di sản văn hóa và cải thiện chất lượng âm thanh của những nội dung liên quan tới lịch sử.

Những lo ngại đặt ra

Tuy nhiên, đồng hành với những bước tiến ấn tượng này, sự phát triển nhanh chóng của các mô hình AI gây ra những lo ngại về nhiều mặt. Các vấn đề như thành kiến trong nội dung do AI tạo ra, hay nhu cầu cấp thiết về tính minh bạch trong phát triển AI, đã trở nên gia tăng. Các chính phủ, tổ chức quốc tế và tập đoàn kinh tế phải vật lộn với việc bảo đảm sử dụng AI có đạo đức, trách nhiệm khi AI tiếp tục tích hợp sâu hơn vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sự tương tác giữa AI và việc làm đã chứng kiến những thay đổi đáng kể, được đánh dấu bằng sự tự động hóa ngày càng tăng và những thay đổi trong động lực thị trường việc làm. Việc sử dụng AI trong tự động hóa công việc trong các ngành đã mang lại hiệu quả cao hơn, nhưng gây ra mối lo ngại về tình trạng dịch chuyển công việc, hoặc viễn cảnh người lao động bị mất việc làm, đặc biệt là đối với những công việc lặp đi lặp lại. Minh chứng rõ nhất cho nguy cơ này chính là cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại Tập đoàn OpenAI. Tập đoàn này trải qua biến động vào tháng 11-2023, với sự ra đi của Giám đốc điều hành Sam Altman - một trong những nhà tiên phong tạo ra AI - do những vấn đề liên quan tới cơ chế điều hành tập đoàn phát triển AI. Tuy nhiên, trong một diễn biến đảo ngược khác, Sam Altman được phục hồi vị trí Giám đốc điều hành của OpenAI - chưa đầy 5 ngày sau khi bị sa thải. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại OpenAI đã nhấn mạnh mối quan hệ phức tạp giữa quản trị doanh nghiệp, đạo đức và sự đổi mới trong ngành AI. Cuộc khủng hoảng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản trị AI có trách nhiệm và sự cần thiết phải ưu tiên cân nhắc về mặt đạo đức trong việc theo đuổi những tiến bộ của AI. Việc giải quyết nhanh chóng vấn đề lãnh đạo, đỉnh điểm là sự trở lại của Altman ở OpenAI, cũng thể hiện tính chất năng động, khó đoán của vai trò lãnh đạo ở các công ty công nghệ đi đầu trong nghiên cứu, phát triển AI.

Thay đổi về quy định và chính sách

Trên phạm vi rộng hơn, các chính phủ và tập đoàn phản ứng bằng cách triển khai nhiều chương trình nâng cao, đào tạo lại để trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng liên quan đến AI. Các tổ chức giáo dục cũng điều chỉnh chương trình giảng dạy, tích hợp trong đó những khóa học về AI, chuẩn bị cho thế hệ tương lai bước vào thị trường việc làm chịu ảnh hưởng của AI.

Năm 2023 đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc thiết lập khuôn khổ quản trị AI, đồng thời chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt và định vị chiến lược giữa các quốc gia hàng đầu. Chẳng hạn, cách tiếp cận chủ động của Mỹ đối với sự đổi mới AI đã nhấn mạnh cam kết của quốc gia này đối với quyền và sự an toàn của AI. Những động thái này phản ánh mong muốn của Mỹ trong việc dẫn đầu và thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho AI. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển AI, đạt được những bước tiến đáng kể trong phát triển kết cấu hạ tầng AI triển khai với quy mô lớn. Càng ngày 2 cường quốc công nghệ này càng coi AI là một yếu tố quan trọng của an ninh quốc gia, tích hợp AI vào các chiến lược quốc phòng. Tuy nhiên, điều đó cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang AI. Trong khi đó, các quốc gia khác cũng không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua phát triển và quản lý AI. Anh, Pháp, Đức đã nỗ lực nâng cao trách nhiệm quản lý AI, đồng thời các quốc gia trên cũng nhận ra tầm quan trọng của việc lập khuôn khổ phù hợp với những nguyên tắc đạo đức trong phát triển công nghệ AI. Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò dẫn đầu trong việc quản lý AI thông qua các cuộc thảo luận về Đạo luật AI, nhằm thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu về đạo đức AI. Những quy định này tập trung vào vấn đề minh bạch, trách nhiệm giải trình và đạo đức. Như vậy, mặc dù không trực tiếp tham gia vào cuộc đua AI như Mỹ hay Trung Quốc, nhưng EU đã có ảnh hưởng đáng kể đến các tiêu chuẩn AI toàn cầu, nỗ lực cân bằng giữa đổi mới với quyền riêng tư và những rủi ro khác xung quanh AI. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc cũng tham gia vào những cuộc đối thoại về tác động toàn cầu của AI thông qua việc thành lập một cơ quan cố vấn mới - Cơ quan tư vấn cấp cao về AI của Liên hợp quốc.

Nhìn lại năm 2023, chúng ta thấy được những cơ hội mà công nghệ AI mang lại vừa rộng lớn, vừa phức tạp. Những năm tới, thách thức chính của nhân loại nằm ở việc khai thác sức mạnh của AI một cách có trách nhiệm, bảo đảm AI đóng vai trò là động lực vì lợi ích, tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới theo cách đem lại lợi ích cho toàn nhân loại, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của công nghệ này tới đời sống của con người./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện