23/11/2024 | 16:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

An ninh lương thực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

Phan Lương
An ninh lương thực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu Biến động của mặt hàng gạo thế giới tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới nhiều nước châu Á, trong đó có Malaysia_Ảnh: independent
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu tăng cao cùng sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch COVID-19 đã tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh kế của hàng triệu người vốn dễ bị tổn thương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023. Là một trung tâm và động lực phát triển của khu vực, ASEAN không phải là một ngoại lệ. Nhiều biện pháp đã được chính phủ các nước triển khai và lên kế hoạch thực hiện nhằm bảo đảm một tương lai bền vững hơn, trước những mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Khó khăn chồng chất

Trong năm 2023, ASEAN phải vật lộn với những biến động của giá gạo toàn cầu tăng mạnh do tác động và hậu quả của biến đổi khí hậu như thiên tai hay hiện tượng El Nino. Ngoài sự gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu do các xung đột địa - chính trị và địa - chiến lược đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới, một lý do khác góp phần thúc đẩy tình trạng này là việc Ấn Độ áp đặt và duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, dự kiến đến năm 2024. Tình hình được nhận định sẽ không sớm trở lại bình thường, khi Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo giá gạo toàn cầu sẽ không hạ nhiệt trước năm 2025.

Do chiến lược phát triển cùng với đặc điểm địa lý khác nhau, chuỗi cung ứng gạo của các nước ASEAN là khác nhau. Tại Malaysia, gạo sản xuất trong nước ngày càng khan hiếm, khi chỉ đáp ứng được 70% cầu trong nước. Philippines và Indonesia cũng gặp khó khăn tương tự do giá gạo toàn cầu tăng vọt trong năm 2023. Trong khi đó, các nước ASEAN được định vị là nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia lại có xu hướng hạn chế hoặc giảm xuất khẩu gạo như một biện pháp phòng ngừa biến động giá gạo trên thị trường quốc tế.

Theo nhận định của không ít chuyên gia, kinh nghiệm từ những biến động giá lương thực toàn cầu trong 2 thập niên qua cho thấy những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là biến đổi khí hậu, xung đột và đại dịch. Tất cả đều là những cú sốc toàn cầu mà gần như không thể giải quyết riêng lẻ ở từng quốc gia. Các biện pháp hướng nội hoặc bảo hộ của mỗi quốc gia đều có thể làm trầm trọng hơn nữa khủng hoảng.

Kể từ khi Cộng đồng ASEAN được thiết lập vào năm 2015, thị trường gạo ASEAN đã được hội nhập, khiến việc tăng giá ở một nước có thể được truyền sang các nước khác trong Hiệp hội. Do đó, điều quan trọng đối với mọi nước ASEAN, khi xem xét vấn đề an ninh lương thực, là tránh các chính sách hướng nội và thay vào đó nhấn mạnh một quan điểm rộng hơn, cụ thể là lợi ích của an ninh lương thực ASEAN, đặc biệt vì 8/10 quốc gia thành viên ASEAN được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Đồng nghĩa cùng nhau giải quyết các tác động của biến động giá lương thực là vì lợi ích tốt nhất của ASEAN nói chung, các nước thành viên nói riêng.

Công nghệ là chìa khóa

Trong bối cảnh tác động từ biến đổi khí hậu đã trở thành mối đe dọa thường trực, các nước ASEAN rất nỗ lực để lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp chống đỡ nhằm bảo đảm an ninh lương thực, cũng như sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, nhiều biện pháp vẫn chủ yếu hướng vào người dân trong nước. Sự hợp tác ở tầm khu vực vẫn chưa có nhiều tiến triển về thực chất hơn nữa. Vì thế, theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp tốt hơn trong ASEAN với các nước trong khu vực để các nước thành viên Hiệp hội có thể bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi cung ứng bền vững. Công nghệ và đổi mới đã, đang và sẽ là một chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho các nước ASEAN.

Trong một sáng kiến đột phá hứa hẹn định hình lại tương lai sản xuất lúa gạo tại ASEAN, Viện Công nghệ châu Á (AIT) mới đây đã được Quỹ Rockefeller (RF) trao tặng khoản tài trợ 300.000 USD để thực hiện dự án đầy tham vọng “Nông nghiệp tái tạo ở ASEAN: Thúc đẩy các giải pháp tích cực về thiên nhiên cho sản xuất lúa gạo” (REGA-ASEAN). Theo đó, dự án REGA-ASEAN tìm cách cách mạng hóa hệ thống sản xuất lúa gạo bằng cách giới thiệu các nguyên tắc nông nghiệp tái tạo ở Campuchia, Lào và Thái Lan. Bằng chứng thực nghiệm được tạo ra thông qua dự án này sẽ là nền tảng của cuộc cách mạng này.

Ở tầm quốc gia, các nước ASEAN cũng nỗ lực tiến hành đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực. Singapore hiện phải nhập khẩu 90% lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Chính vì thế, trước những thách thức hiện này, Singapore mới đây đã triển khai sáng kiến “30 x 30” để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và bảo đảm an ninh lương thực trước rủi ro biến đổi khí hậu. Sáng kiến tập trung vào xây dựng năng lực và hiệu lực trong sản xuất nông sản trong nước hướng tới mục tiêu đáp ứng được 30% nhu cầu dinh dưỡng của Singapore đến năm 2030.

Để triển khai, Singapore dự kiến xây dựng một cơ sở nơi nông nghiệp và chăn nuôi có thể được thực hiện đồng thời để giải quyết các vấn đề không đủ đất để sản xuất lương thực. Chẳng hạn, việc trồng các loại cây không cần quang hợp và chăn nuôi sẽ được thực hiện dưới lòng đất bằng cách tận dụng công nghệ đổi mới để bảo đảm hệ sinh thái phù hợp cho sản xuất. Cơ sở này sẽ được trang bị nhiều công nghệ khác nhau nhằm giúp tiêu thụ năng lượng bền vững, như pin Mặt trời. Bên cạnh sáng kiến “30 x 30” nhằm mục đích bảo đảm an ninh lương thực và nguồn cung cấp bền vững, Chính phủ Singapore cũng dự trữ nhiều mặt hàng thực phẩm quan trọng để bảo đảm có chuỗi cung ứng thường xuyên.

Phối hợp bảo đảm bền vững

Phối hợp và hợp tác với các nước bên ngoài cũng là một biện pháp đang được các nước ASEAN tích cực triển khai. Bởi rõ ràng, thực trạng hiện nay, theo Trợ lý Tổng Giám đốc và Đại diện FAO khu vực châu Á Jong-Jin Kim, đang đòi hỏi một lời kêu gọi khẩn cấp đối với các hành động và đầu tư liên chính phủ, được điều phối tốt và hội nhập nhằm chuyển đổi hệ thống nông sản nếu muốn đảo ngược tình hình và đưa các quốc gia trở lại đúng hướng đáp ứng Chương trình nghị sự 2030 vì các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Nhật Bản hiện là một trong những đối tác đối thoại chiến lược toàn diện quan trọng nhất của Hiệp hội, đối tác thương mại lớn thứ tư và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ tư. Tại hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản mới đây, hai bên đã đưa ra các sáng kiến hợp tác mới nhằm tạo điều kiện phát triển các chiến lược chuỗi cung ứng mạnh mẽ nhằm chống lại những gián đoạn và cú sốc trong tương lai ở ASEAN, thông qua đa dạng hóa, số hóa và quản lý rủi ro.

Đáng chú ý, tại hội nghị, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã hối thúc ASEAN và Nhật Bản đưa ra lộ trình 10 năm về các kế hoạch dựa trên công nghệ mới và linh hoạt với môi trường, nhằm thúc đẩy và bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực. Ông cũng lưu ý sự cần thiết phải áp dụng công nghệ nông nghiệp và xây dựng Lộ trình hợp tác kinh tế chiến lược ASEAN - Nhật Bản có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, bền vững, bao trùm và lấy con người làm trung tâm sau năm 2025 trong 10 năm tới để giúp hỗ trợ tác động của biến đổi khí hậu đối với tất cả các nước, đặc biệt là đối với những quốc gia dễ bị tổn thương nhất như Philippines./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện