Năm của những kỷ lục đáng quan ngại bởi biến đổi khí hậu
Nguyễn Trí Dũng
Nhiệt độ toàn cầu năm 2023 ấm hơn 1,40C
Phân tích từ Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, nhiệt độ toàn cầu năm 2023 ấm hơn 1,40C so với thời kỳ tiền công nghiệp - gần với ngưỡng 1,50C trong thỏa thuận khí hậu Paris và vượt xa ngưỡng các nhà khoa học cho rằng, con người và hệ sinh thái sẽ phải nỗ lực để thích nghi. Mỗi tháng kể từ tháng 6-2023 đều là tháng nóng nhất được ghi nhận và tháng 11 lại tiếp tục kéo dài. Tháng này ấm hơn khoảng 1,750C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 2 ngày nhiệt độ tăng vượt quá 20C, khiến các nhà khoa học lo lắng về điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với hành tinh trong những năm tới.
Báo cáo được đưa ra khi các đại biểu từ hơn 150 quốc gia có mặt tại Dubai để tham dự COP-28 (tháng 12-2023) - Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hằng năm của Liên hợp quốc, nơi cuộc thảo luận về việc có nên loại bỏ nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh hay không đang nóng lên. Brenda Ekwurzel - Giám đốc về khoa học khí hậu tại tổ chức UCS (Mỹ) - nói với CNN: “thời điểm không thể cấp bách hơn”. Bà nói thêm: “các quốc gia giàu có và có lượng phát thải cao, những nước đã đóng góp nhiều nhất vào năm phá kỷ lục này có trách nhiệm lớn hơn trong việc thực hiện giai đoạn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng, nhanh chóng và được tài trợ để giúp hạn chế tình trạng thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng do tác động của biến đổi khí hậu”.
Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ nóng lên đặc biệt của năm 2023 là kết quả tác động tổng hợp của El Nino và biến đổi khí hậu do con người gây ra. Một loạt đợt nắng nóng chết người và nhiệt độ phá kỷ lục đáng chú ý đã “tấn công” một số châu lục trong năm nay, trong khi sức nóng đại dương chưa từng có bao trùm phần lớn địa cầu. Theo Copernicus, mùa Thu ở Bắc bán cầu năm nay là mùa ấm nhất được ghi nhận trên toàn thế giới “với tỷ lệ lớn”. Tháng 11 cũng ẩm hơn mức trung bình trên hầu hết châu Âu, với cơn bão Ciarán mang theo mưa lớn và lũ lụt đến nhiều khu vực, trong đó có Italia. Khi nhiệt độ tăng cao hơn vào năm tới, thế giới dường như đang trên đà đạt tới mức tăng 1,50C trong thời gian dài. Mặc dù điều đáng lo ngại là hiện tượng nóng lên toàn cầu đang vượt quá mức nhiệt độ đó trong nhiều tháng, các nhà khoa học đặc biệt lo ngại hành tinh sẽ duy trì ở mức trên 1,50C trong thời gian dài. Đến năm 2022, Trái đất đã ấm lên khoảng 1,20C - và vài năm qua đã cho thấy rõ ràng rằng, thế giới đã cảm nhận được những dấu hiệu đáng báo động của cuộc khủng hoảng khí hậu mà nhiều người chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó, thích nghi.
Gian nan cuộc chiến loại dần năng lượng hóa thạch
Sau COP-28, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ thúc đẩy các lời kêu gọi loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tăng cường các cam kết khử carbon trong ngành y tế và một nghị quyết mới về khí hậu và sức khỏe, sẽ được đưa ra trước Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5-2024. Đó là những nội dung quan trọng tại cuộc họp báo cuối năm của WHO do Tổng Giám đốc, Tiến sĩ Tedros Adhanom và các quan chức cấp cao khác chủ trì vào trung tuần tháng 12-2023 tại Geneva, Thụy Sĩ. Tiến sĩ Tedros cho biết: “chúng tôi chọn nhiên liệu hóa thạch vì nó là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu”. Nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu, than và khí tự nhiên, chiếm tới hơn 75% lượng khí thải carbon. Một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đạt được hôm 13-12, khi kết thúc COP28, là những bước thăm dò đầu tiên hướng tới mục tiêu đó. Thỏa thuận được 198 quốc gia thông qua, kêu gọi thực hiện một quá trình chuyển đổi “công bằng, có trật tự và bình đẳng” khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng để đạt được “số 0 ròng vào năm 2050 theo khoa học”.
Lời kêu gọi loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, được 127 quốc gia ủng hộ tại COP-28, đã bị xóa khỏi văn bản sau khi các quốc gia sản xuất dầu mỏ, dẫn đầu là Arab Saudi, vận động hành lang mạnh mẽ. Việc đề cập đến “hệ thống năng lượng” cũng tạo ra lỗ hổng lớn trong các lời kêu gọi chuyển đổi, bỏ qua việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng như xi măng và thép, làm đầu vào cho phân bón và nhựa, thậm chí là liên quan tới vận tải.
Tiến sĩ Maria Neira - Giám đốc chương trình Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO - cho biết, nghị quyết của WHO về khí hậu và sức khỏe đang được các quốc gia thành viên đàm phán. Những nỗ lực ban đầu đang được tiến hành để khám phá cách các chỉ số sức khỏe có thể được tích hợp tốt hơn vào các biện pháp tiến bộ toàn cầu về biến đổi khí hậu, để nhấn mạnh hơn mối liên hệ về sức khỏe và truyền cảm hứng cho sự tiến bộ. Bà nói: “tại sao không đưa ra một chỉ số liên quan đến sức khỏe như một minh chứng cuối cùng cho sự thành công?”, đồng thời cho biết thêm rằng mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí có thể là một thước đo phù hợp vì hầu hết ô nhiễm không khí là do cùng một nguồn nhiên liệu hóa thạch hoặc đốt sinh khối gây ra, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. “Hoặc số lượng các quốc gia thực hiện các hướng dẫn về chất lượng không khí chẳng hạn, hoặc đưa y tế vào các khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định thì sao?”, bà Maria Neira đặt câu hỏi.
Ấn Độ vật lộn với thời tiết cực đoan
Ấn Độ là một trong số những quốc gia đang vật lộn với biến đổi khí hậu trong nhiều năm trở lại đây. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ấn Độ chịu thiệt hại kinh tế 4,2 tỷ USD vào năm 2022 do các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa khí hậu, phần lớn là do lũ lụt gây ra. Một phân tích của Trung tâm Khoa học và Môi trường cho thấy, Ấn Độ gần như ngày nào cũng chứng kiến thảm họa thời tiết cực đoan trong 9 tháng đầu năm 2023. Ngày 17-11 vừa qua không phải là một ngày bình thường. Vào ngày này, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất lần đầu tiên cao hơn 20C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp, cung cấp thêm bằng chứng về sự tích tụ nhanh chóng của khí nhà kính trong khí quyển.
Abdul Rehman Bhat - một người trồng táo ở quận Shopian của Kashmir, Ấn Độ - không nhận thức được tầm quan trọng của ngày 17-11. Ông cũng không đặc biệt chú ý vào các cuộc thảo luận diễn ra sau đó tại COP-28 ở Dubai. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, bốn mùa Chilla-i-Kalaan (mùa thu hoạch táo) vừa qua đối với ông không khác gì một cơn ác mộng. Nhiệt độ biến động mạnh trên khắp thung lũng dẫn đến tuyết rơi trái mùa hoặc đầu mùa hè, gây thiệt hại nặng nề cho vườn táo. Ông nói: “cây táo trở nên dễ bị bệnh do thời tiết thay đổi. Có một đợt nắng nóng vào tháng 2 và tháng 3-2023 khiến cải nở hoa vào thời điểm bất thường. Sau đó Kashmir phải hứng chịu những trận mưa đá dữ dội và mưa thất thường; nhiệt độ tháng 5 trở nên lạnh bất ngờ, trong khi tháng 2 và tháng 3 lại ấm áp”. Các chuyên gia thị trường cho biết, sản lượng táo đã giảm 30%, dẫn đến tình trạng khó khăn nghiêm trọng trong cộng đồng nông dân. Sajid Mir - một người trồng táo khác đến từ quận Baramulla phía Bắc Kashmir - cho biết năm ngoái ông đã sản xuất được 500 thùng táo, nhưng năm nay chỉ có thể thu hoạch được 300 thùng.
Nhiều chuyên gia cho biết, thời tiết khắc nghiệt thường xuyên cũng dẫn đến mất đi số ngày làm việc của con người trong lĩnh vực thủy sản. Cộng đồng ven biển đang bị thiệt hại về tài sản, bao gồm nhà cửa, tàu đánh cá và thiết bị do thời tiết cực đoan. Tất cả các tác động tiêu cực cho đến nay đều là phản ứng trước sự gia tăng 10C của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Quỹ đạo phát thải carbon hiện tại cho thấy sự nóng lên toàn cầu ở mức 20C vào năm 2050. Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra dữ dội hơn, thường xuyên hơn và bao trùm các khu vực rộng lớn hơn. Biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân và dữ liệu sức khỏe là rất cần thiết để xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.