Vận hội mới, thời cơ mới khi sáp nhập địa giới hành chính
UYÊN DU
Sáp nhập để có nhiều vận hội phát triển
Để tạo động lực phát triển mới cho đất nước, ngày 12-4-2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, “về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 60-NQ/TW), bao gồm việc hợp nhất địa giới hành chính của 3 khu vực TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc sáp nhập này sẽ mang đến cho TPHCM (mới) nhiều cơ hội để phát triển:
Hình thành tam giác phát triển
Việc hợp nhất không chỉ mở rộng địa giới hành chính, mà còn tái thiết mô hình phát triển và cơ chế quản trị vùng. Thành phố mới có diện tích trên 6.770km², dân số khoảng 13,7 triệu người, với tổng thu ngân sách năm 2024 gần 678.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng thu cả nước.
Quan trọng hơn, đây là sự tích hợp chiến lược 3 thế mạnh: TPHCM là trung tâm tài chính, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Bình Dương là thủ phủ công nghiệp với hệ thống khu công nghiệp hiện đại; Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải cùng tiềm năng lớn về dầu khí, năng lượng và du lịch biển.
Tam giác phát triển này tạo nền tảng để TPHCM mới vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - logistics - công nghiệp hàng đầu cả nước và khu vực.
Hạ tầng giao thông đồng bộ
Việc hợp nhất địa giới hành chính không chỉ tạo ra không gian phát triển đô thị vượt trội về quy mô và dân số, mà còn mở ra cơ hội chưa từng có để tái cấu trúc và đột phá hệ thống hạ tầng giao thông.
Từ nay, các tuyến cao tốc huyết mạch như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Vũng Tàu; TPHCM - Chơn Thành; các vành đai 3, vành đai 4,... sẽ trở thành mạng lưới hạ tầng “nội vùng” thay vì “liên tỉnh”. Điều này cho phép Thành phố tập trung nguồn lực cao hơn để phát triển.
Đặc biệt, khi Sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành, cùng với hệ thống metro liên tỉnh kết nối các trung tâm đô thị lớn, vùng đô thị TPHCM sẽ có hệ sinh thái giao thông đa tầng - hiện đại - tích hợp.
Không gian sống mở rộng, chất lượng đô thị được nâng lên
Một thành phố phát triển không thể chỉ mạnh về kinh tế mà còn phải có chất lượng sống cao. Khi không gian vùng được mở rộng và phân bố hợp lý, chất lượng sống của người dân sẽ được cải thiện đáng kể.
TPHCM có thể giảm tải dân số khu trung tâm, hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; đồng thời, tập trung phát triển các dịch vụ sáng tạo và chất lượng cao.
Bình Dương sẽ là nơi an cư lý tưởng cho lực lượng lao động trẻ, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển thành đô thị biển nghỉ dưỡng, với hệ sinh thái du lịch, hậu cần và năng lượng tái tạo.
Phương án sắp xếp sau sáp nhập
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 443-KH/TU, ngày 11-4-2025, về việc chuẩn bị các đề án tổ chức hành chính sau sáp nhập.
Tại Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, ngày 15-4-2025, Thành phố đã trình các đề án trọng tâm: sáp nhập địa giới hành chính, tổ chức lại chính quyền đô thị, sắp xếp hệ thống tổ chức đảng cấp xã, đề xuất các phương án bố trí nhân sự, cơ cấu tổ chức, điều chỉnh địa giới.
Về phương án tổ chức bộ máy, đối với khối chính quyền: sau khi sắp xếp địa giới hành chính, TPHCM sẽ tổ chức lại bộ máy chính quyền theo mô hình đô thị 2 cấp:
- Cấp thành phố: đại biểu hội đồng nhân dân của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM sẽ hợp thành hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới là TPHCM, tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kỳ họp thứ nhất của hội đồng nhân dân mới sẽ được triệu tập và chủ tọa bởi một triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định cho đến khi hội đồng nhân dân bầu ra chủ tịch.
- Cấp xã: đại biểu hội đồng nhân dân các xã thuộc TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hợp thành hội đồng nhân dân cấp xã của đơn vị hành chính mới, tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thường trực Hội đồng nhân dân TPHCM (mới) sẽ chỉ định chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã sau sắp xếp.
Các phường thuộc TPHCM tiếp tục không tổ chức hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, với việc tổ chức hội đồng nhân dân phường từ nhiệm kỳ 2026 - 2031 theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Hợp nhất 3 đơn vị hành chính được xem là bước ngoặt lớn, không chỉ về cấu trúc hành chính mà là cơ hội cho TPHCM hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, việc thiết kế lại bộ máy, không gian và mô hình tăng trưởng là điều kiện tiên quyết để phát huy vai trò “đầu tàu”, “trái tim kinh tế” của cả nước. |
Ủy ban nhân dân TPHCM mới sẽ được tổ chức theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, gồm 15 đơn vị cấp sở (Văn phòng Ủy ban nhân dân, Sở Nội vụ, Thanh tra, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Dân tộc - Tôn giáo, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở An toàn thực phẩm) và tương đương.
Việc tổ chức lại theo hướng “gọn mà mạnh” đặt ra yêu cầu cao về công tác cán bộ, đòi hỏi Thành phố phải thực hiện công tác quy hoạch nhân sự một cách chủ động và có kế hoạch, gắn liền với đào tạo lại, đánh giá và bố trí nhân sự hợp lý.
Mục tiêu không chỉ là duy trì tính ổn định hệ thống, mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Điều này cũng được xác định rõ trong Quy định số 232-QĐ/TW, ngày 20-1-2025, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thi hành Điều lệ Đảng (sửa đổi), tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc điều chỉnh tổ chức Đảng trong bối cảnh sáp nhập hành chính.
Những việc cần làm ngay
Việc sáp nhập địa giới hành chính không chỉ đơn thuần là tái cấu trúc không gian hành chính, mà là bước khởi đầu chiến lược để TPHCM (mới) kiến tạo mô hình chính quyền đô thị hiện đại, thông minh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Một là, khẩn trương rà soát, sắp xếp lại không gian hành chính cấp xã theo nguyên tắc tinh gọn, hợp lý, thuận tiện nhất cho dân sinh, sản xuất, kinh doanh. Việc lựa chọn tên gọi đơn vị hành chính mới cần kế thừa lịch sử, văn hóa, thể hiện bản sắc đô thị đặc trưng của Thành phố.
Hai là, tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã sau sáp nhập cần được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm số lượng hợp lý, chất lượng cao, phù hợp với mô hình quản trị đô thị hiện đại. Quá trình này phải hoàn tất trước thời điểm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Ba là, cần xây dựng phương án nhân sự phù hợp với tổ chức mới, bảo đảm tính liên tục, hiệu quả và tránh xáo trộn lớn. Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động phải gắn với đào tạo lại, nâng cao năng lực quản trị đô thị và phục vụ nhân dân.
Bốn là, đẩy mạnh liên kết vùng và phối hợp tổ chức bộ máy phù hợp với cấu trúc mới của vùng siêu đô thị. Việc hình thành các trung tâm liên kết hành chính - kinh tế đòi hỏi mô hình tổ chức đồng bộ, hạ tầng kết nối mạnh mẽ và cơ chế điều phối hiệu quả.
Năm là, kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, về cơ chế đặc thù cho TPHCM đến năm 2030, nhằm bảo đảm tính liên tục và ổn định thể chế, chính sách sau sáp nhập./.
Các bài cũ hơn



