Giữ vững vị thế “đầu tàu”, tạo động lực tăng trưởng mới
HUY HƯNG
Vai trò kết nối
Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm khoảng 22% GDP cả nước, hằng năm đóng góp khoảng 27% tổng nguồn thu ngân sách quốc gia. Với hệ thống hạ tầng giao thông, logistics, tài chính - ngân hàng hiện đại, Thành phố là điểm kết nối quan trọng giữa vùng ĐNB và vùng ĐBSCL.
Thành phố là trung tâm giao thông quan trọng, kết nối vùng ĐNB và vùng ĐBSCL thông qua hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt. Trong đó, nổi bật là các tuyến cao tốc như TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến quốc lộ 1A, 50,... tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, liên kết kinh tế giữa các vùng.
Không chỉ là đầu mối giao thương quốc tế, thị trường tiêu thụ lớn cho các sản phẩm công nghiệp của các địa phương vùng ĐNB và nông sản của vùng ĐBSCL, TPHCM còn là cửa ngõ quan trọng để xuất khẩu hàng hóa của 2 vùng này thông qua hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển và logistics hiện đại như Tân Cảng - Cát Lái, Cảng Sài Gòn...
Các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai cùng với các ngành dịch vụ, logistics ngày càng hiện đại của Thành phố đã tạo ra chuỗi cung ứng và sản xuất liên kết chặt chẽ, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của toàn vùng ĐNB.
Nhiều năm qua, TPHCM luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ, phân phối nông sản từ ĐBSCL, vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản và trái cây của cả nước. Gần đây, cùng với việc hỗ trợ nông dân thực hiện Dự án “Chuyển đổi số nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long” để tăng năng suất và giá trị lúa gạo, thông qua phong trào khởi nghiệp, các startup tại TPHCM như Mymarket, FoodMap đã kết nối nhiều nông hộ ở vùng ĐBSCL với thị trường tiêu thụ toàn cầu.
Bên cạnh đó, với hơn 50 trường đại học, cao đẳng, TPHCM là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất cả nước, là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐNB và ĐBSCL.
Thành phố còn có nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, chiếm khoảng 40% số doanh nghiệp công nghệ cao của cả nước, trở thành trung tâm chuyển giao khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho các địa phương trong cả 2 vùng.
Để “đầu tàu” mạnh hơn trên “đường ray” mới
Chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định: “Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nước đang khẩn trương chuẩn bị sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, việc phát huy vai trò “đầu tàu” của TPHCM trong liên kết với vùng ĐNB và ĐBSCL để phát triển nhanh, bền vững trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy vị thế “đầu tàu”, trước hết Thành phố cần triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặt mình trong bức tranh tổng thể của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn với việc xây dựng các hành lang phát triển có tính chiến lược theo hướng kết nối chặt chẽ với các địa phương vùng ĐNB và ĐBSCL.
Ðây không chỉ là tầm nhìn để mở rộng không gian phát triển mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm phát huy vai trò “đầu tàu” của Thành phố, tạo cơ hội gắn kết để cùng phát triển, phát huy tối đa sức mạnh, tiềm năng của Thành phố và các địa phương trong vùng ĐNB và ĐBSCL.
Khi không gian phát triển mở rộng sau sáp nhập địa giới hành chính, TPHCM cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò trung tâm trong việc điều phối các nguồn lực kinh tế, hạ tầng, nhân lực để hỗ trợ các địa phương lân cận, tạo ra một mạng lưới kết nối vững chắc giữa các vùng với Thành phố.
Trước hết, Thành phố cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm Vành đai 3, Vành đai 4; các tuyến giao thông quốc gia trên địa bàn như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, quốc lộ 50B; hệ thống đường sắt đô thị;... tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường giao thương, phát triển du lịch, văn hóa - xã hội giữa Thành phố với các địa phương vùng ĐNB, ĐBSCL và ngược lại.
Là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, thời gian tới, TPHCM cần tăng cường các chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, giúp các địa phương vùng ĐNB và ĐBSCL nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ.
Song song đó, để giữ vững vai trò “đầu tàu” trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, Thành phố cần chú trọng nhiều hơn các chương trình hợp tác với các địa phương để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề, hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo điều kiện để người lao động có thể tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Quá trình sáp nhập địa giới hành chính sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc không gian kinh tế, kéo theo yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch vùng theo hướng chú trọng yếu tố phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi đó, TPHCM có vai trò quan trọng trong việc điều phối các hoạt động liên kết vùng, từ việc xây dựng các khu công nghiệp liên kết, phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp và công nghiệp đến hợp tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các dự án phát triển hạ tầng và dịch vụ công.
Đồng thời, cũng cần xác định rõ vai trò của TPHCM là một trung tâm động lực, hỗ trợ các địa phương lân cận trong vùng ĐNB và ĐBSCL phát triển theo mô hình “vệ tinh”, tránh tình trạng tập trung quá mức vào đô thị trung tâm gây ra ùn tắc, ô nhiễm, quá tải hạ tầng./.
Các bài cũ hơn



