Vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để hiện thực hóa khát vọng vươn mình
TRƯƠNG ĐỨC THUẬN
Luôn nỗ lực, sáng tạo để giữ vững vị thế
Được xem là đô thị năng động nhất nước, TPHCM có vị trí địa - chính trị quan trọng, là đầu mối giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước.
Suốt tiến trình xây dựng, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố không ngừng phát huy truyền thống chủ động, sáng tạo để phấn đấu đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước.
Dù chỉ chiếm khoảng 0,63% diện tích, gần 9% dân số của cả nước, nhưng 50 năm qua, bằng sự nỗ lực, phấn đấu để bứt phá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, nhất là đặt trong bối cảnh phải đối diện với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, đại dịch COVID-19...; Thành phố vẫn vượt qua bằng các giải pháp kịp thời, phù hợp, giữ mức tăng trưởng hợp lý với quy mô ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.
Thành phố luôn chủ động tìm tòi, thực hiện những cách làm mới với nhiều mô hình sinh động trên các lĩnh vực; năng động, sáng tạo, đột phá để tháo gỡ rào cản, vướng mắc, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Những dấu ấn nổi bật có thể kể đến là:
1- Để phát triển đô thị đáp ứng với yêu cầu mới, Thành phố đã thực hiện chủ trương phát triển đô thị hiện đại theo hướng bền vững;
2- Nhằm huy động vốn, triển khai thực hiện các chính sách đầu tư, Thành phố thành lập Quỹ đầu tư phát triển đô thị (nay là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM - HFIC) nên khi thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho xã hội luôn gặp thuận lợi;
3- Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, Thành phố chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh ở 3 góc độ là cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh sản phẩm và cạnh tranh doanh nghiệp;
4- Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu, khoa học - công nghệ trở thành nền tảng cốt lõi của sự phát triển, Thành phố chủ động phát triển cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ, chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2010 - 2015 phải đối diện với những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển, Thành phố đã đề ra 6 chương trình đột phá để thực hiện,gồm: cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông; đến giai đoạn 2015 - 2020 đã thêm chương trình thứ 7 là chỉnh trang và phát triển đô thị. Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, Thành phố đã “chia lửa” cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước để vượt qua.
Điểm qua những dấu ấn cơ bản và việc làm nêu trên để thấy được Thành phố luôn năng động, sáng tạo, nỗ lực trong quá trình xây dựng, phát triển; thể hiện vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, vị thế quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Thành quả bước đầu trong vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù
Suốt quá trình xây dựng, phát triển, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn dõi theo từng bước đi, trân trọng những kết quả, thành tích xuất sắc và chia sẻ những trăn trở với mong muốn TPHCM phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để tạo động lực cho vùng và cả nước phát triển.
Bởi vậy, để giải quyết những thách thức lớn trong điều kiện phát triển mới mà Thành phố phải đối mặt, ngày 24-11-2017, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết số 54) có hiệu lực từ tháng 1-2018 đến hết năm 2022. Sau gần 5 năm thực hiện, trong đó có 2 năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng kết quả bước đầu mang lại của Nghị quyết số 54 rất đáng ghi nhận; tuy nhiên một số cơ chế, chính sách trong Nghị quyết số 54 khi triển khai đã xuất hiện điều khoản, lĩnh vực chưa giải quyết được sự đòi hỏi từ thực tiễn.
Ngày 24-6-2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết số 98) với 44 cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội thuộc 7 nhóm lĩnh vực[2] trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 54, mang tính mới, đột phá cao..., là động lực, giải pháp tháo gỡ nút thắt, tạo điều kiện cho TPHCM tăng tốc phát triển xứng tầm bởi khát vọng và sứ mệnh mới.
Với phương châm “quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo”, toàn hệ thống chính trị của TPHCM đã quán triệt, xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, điều kiện thuận lợi cho Thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững.
Sau hơn 20 tháng triển khai, Thành phố đã đưa Nghị quyết số 98 đi vào cuộc sống. Đáng ghi nhận là, trong lĩnh vực quản lý đầu tư đã tạo sự đột phá hạ tầng đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng, thông qua các dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Làm tốt việc huy động nguồn lực liên quan, bố trí vốn đầu tư công, giải quyết việc làm; ban hành một số chính sách chuẩn bị dự án để tiếp tục triển khai và danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa.
Đáng chú ý, việc triển khai 9/10 cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố, việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đã góp phần giải quyết nhanh chóng hồ sơ của người dân và doanh nghiệp.
Từ những việc làm trên, Thành phố đã vận dụng Nghị quyết số 98 để gia tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khai thông các điểm nghẽn trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, TPHCM từng bước tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc nhiều dự án và nỗ lực hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2024; bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, nhất là 4 ngành công nghiệp trọng điểm gắn với đổi mới công nghệ tiên tiến có sự tăng trưởng khá, đạt 7,6%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố ước thực hiện năm 2024 là 508.553,09 tỷ đồng, đạt 105,32% dự toán, tăng 13,3% so với năm 2023 và trong 2 tháng đầu năm 2025 ước thực hiện được 108.800 tỷ đồng, đạt 20,9% dự toán và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2024...
Vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc
Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 31) đề ra mục tiêu: đến năm 2030, Thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Mặc dù còn những hạn chế, vướng mắc, nhưng với những kết quả bước đầu đạt được và những chủ trương mới của Trung ương sẽ mở rộng quy mô, tạo dư địa phát triển, là động lực, niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tiếp tục nỗ lực, ra sức thực hiện hiệu quả các nhóm chính sách, cơ chế lớn của Nghị quyết số 98 gắn các nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 31.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố không ngừng nêu cao quyết tâm chính trị, chung sức, đồng lòng phát huy nguồn lực nội sinh, với hành động quyết liệt; tích cực đổi mới với cách làm sáng tạo, phương thức mạnh mẽ, quyết sách đúng đắn, làm thay đổi diện mạo, tầm vóc của Thành phố vốn có nhiều nguồn lực, tiềm năng và lợi thế.
Từ đó, Thành phố tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức để hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành công thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
[1] Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, của Quốc hội khóa XV, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”.
[2] Gồm: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TPHCM và tổ chức bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức.
Các bài cũ hơn



