30/04/2025 | 16:52 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh: Tiềm năng song hành thách thức

HÀ CHÂU
Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh: Tiềm năng song hành thách thức Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: Hà Châu
Năm 2025, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện các bước đi, thủ tục cần thiết để sớm triển khai xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm đã được thành lập, gồm 29 thành viên, đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.

Nhiều lợi thế, tiềm năng

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và nhiều chuyên gia kinh tế, Thành phố đã và đang sở hữu rất nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế. 

Trước hết, trong nhiều năm trở lại đây Thành phố được xem là “đầu tàu”, động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 23% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Năm 2024, GRDP của Thành phố tăng trưởng gần 7,2%, thu ngân sách nhà nước vượt hơn 500.000 tỷ đồng. 

Hơn nữa, Thành phố thu hút bình quân hơn 30% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước; mật độ tập trung các định chế tài chính vào loại cao nhất cả nước, tổng vốn tín dụng huy động được trên địa bàn chiếm bình quân hơn 20% tổng vốn huy động, tổng dư nợ cho vay cũng chiếm khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. 

Thành phố cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán đầu tiên của Việt Nam; tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố chiếm hơn 70% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và hơn 50% GDP cả nước.

Thành phố còn có vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối giao thông (đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không), vận tải cả trong nước lẫn quốc tế; là cửa ngõ giao thương với kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. 

Trong vòng 5 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của Thành phố chuyển biến tích cực, gần 20 cây cầu được đưa vào khai thác; tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1) được đưa vào hoạt động. Cùng với đó, chi phí hoạt động của doanh nghiệp ở Thành phố khá cạnh tranh so với các trung tâm tài chính quốc tế khác. 

Tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng trên địa bàn thuộc nhóm hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á. Đa số người dân Thành phố đều đã sở hữu tài khoản ngân hàng, khả năng tiếp cận tài chính toàn diện khá cao... 

Không những vậy, ước tính, số lượng công ty công nghệ tài chính (fintech) đặt trụ sở tại Thành phố chiếm tỷ lệ 30% - 40% tổng số công ty fintech đang hoạt động trên cả nước. Giữa tháng 3-2025, ấn bản lần thứ 37 của Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), do tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc phát hành đã xếp hạng TPHCM đứng thứ 98 trong tổng số 119 thành phố được đánh giá trên toàn thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2024.

Không ít thách thức

Năm 2002, Nghị quyết số 20-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010” đã xác định việc phấn đấu xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực Đông Nam Á. 

Nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-8-2012, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”. Tuy nhiên, sau 22 năm được giao trách nhiệm xây dựng và hình thành “trung tâm tài chính”, Thành phố vẫn đang còn trong quá trình “khởi động”. 

Trong khi đó, vai trò “đầu tàu” kinh tế của Thành phố đang có xu hướng giảm dần, quy mô thị trường tài chính so với cả nước ngày càng thấp, vốn huy động qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn so với cả nước đã giảm khá mạnh so với cách đây 20 năm (từ 40% giảm xuống 25%),

Cùng với đó, từ 20 năm nay, Thành phố đã và đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, “chướng ngại vật” như ô nhiễm môi trường (không khí, nước, tiếng ồn...), kẹt xe, ngập nước..., chưa kể những nguy cơ từ tình trạng biến đổi khí hậu. 

Không những vậy, những động lực tăng trưởng, phát triển trước kia (phần lớn là hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa) đã lạc hậu, suy giảm ưu thế và sức hấp dẫn so với một số địa phương lân cận như tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai...

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Thành phố còn đối mặt với “bài toán” nan giải về nguồn nhân lực, lực lượng lao động chất lượng cao và vấn đề “giữ chân” người tài trong lĩnh vực tài chính. 

Đặc biệt, mức độ tự do trung chuyển (luân chuyển) của dòng vốn còn thấp được xem là trở ngại hàng đầu trong việc hình thành và hoạt động hiệu quả của một trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam nói chung, Thành phố nói riêng.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật của nước ta còn không ít kẽ hở, hiệu quả chưa cao trong việc phòng, chống gian lận và tham nhũng tài chính; các hành vi giao dịch mờ ám và các loại tội phạm tài chính khác cũng là thách thức không nhỏ cho Chính quyền Thành phố trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính.

Hướng đến chuẩn mực quốc tế

Từ hơn 20 năm qua, sở hữu trung tâm tài chính quốc tế là khát vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân TPHCM. Trong bối cảnh vài năm gần đây, khát vọng này càng được “bùng cháy” mãnh liệt hơn; trung tâm tài chính quốc tế được xem là động lực, “cú hích” tăng trưởng và phát triển mới cho Thành phố. 

Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ mở ra “cánh cổng” thuận lợi trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư quốc tế, nhất là dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng; đồng thời, tạo nền tảng vững chắc, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững của Thành phố trong dài hạn. 

Dự kiến, trung tâm tài chính quốc tế ở Thành phố gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh. 

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Văn Nên, trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay đầu tư mà còn là nơi hội tụ của tri thức, công nghệ và kết nối toàn cầu. Hơn nữa, Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ tạo động lực mạnh mẽ, là nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm tài chính công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp phát triển thuận lợi hơn.

Theo các chuyên gia tài chính, để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế toàn diện, Thành phố cần nghiên cứu, kiện toàn vấn đề quản lý tài sản và đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân; gọi vốn cho các dự án hợp tác công - tư lớn; fintech và tài chính xanh. 

Để nâng cao uy tín, thứ hạng quốc tế, xây dựng thương hiệu cho trung tâm tài chính quốc tế, Thành phố cần đề cao các yếu tố xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; nâng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài (đặc biệt là các định chế tài chính quốc tế) tại các ngân hàng thương mại Việt Nam từ mức 30% hiện nay lên mức 49% và lên mức 60% trong tương lai. Việc nới lỏng tỷ lệ này sẽ thúc đẩy hoạt động giao dịch ngắn hạn lẫn dài hạn; giúp mở rộng quy mô thị trường tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa hệ thống ngân hàng trong nước tiệm cận các chuẩn mực quốc tế...

Bên cạnh đó, Thành phố cần xây dựng và hoàn thiện thị trường chứng khoán, tạo dựng hành lang pháp lý minh bạch, bảo đảm công bằng đối với tất cả các bên tham gia; khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư tổ chức và các hình thức đầu tư, chuẩn hóa về chuyên môn đối với các tổ chức tài chính trung gian...

Đồng tình với những ý kiến nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: khung pháp lý minh bạch, mạnh mẽ và linh hoạt, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; cơ quan giám sát đủ mạnh để bảo đảm các quy định đều được tuân thủ; nguồn nhân lực có đủ trình độ phù hợp; nguồn lực đầu tư đủ mạnh (cả khu vực công và tư) là những yếu tố thiết yếu, quan trọng hàng đầu để một trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả. 

Song song đó, việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp sẽ là yêu cầu then chốt trong việc cải thiện mức độ minh bạch của thị trường chứng khoán và thu hút nhà đầu tư; trong đó, cần chú trọng chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp, áp dụng thông lệ và chuẩn mực quốc tế về phát triển bền vững. 

Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Thành phố cần quan tâm, chú trọng đầu tư nhiều hơn về hạ tầng số, kết nối liên thông quốc tế, fintech..., đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, Thành phố cần thu hút được đội ngũ chuyên gia về fintech trong và ngoài nước; có chính sách hiệu quả nhằm “giữ chân” người tài. 

Cùng với đó, cần có chính sách phù hợp để thu hút được những nhà đầu tư “đại bàng” tham gia trung tâm tài chính quốc tế. Còn theo nhiều chuyên gia kinh tế, trung tâm tài chính quốc tế phải là “điểm đến” của các công ty fintech đẳng cấp quốc tế. 

Vì vậy, Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển hệ sinh thái fintech - xu hướng tương lai và là “con át chủ bài” của một trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố nên sớm có cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) việc hình thành, vận hành các công ty fintech và vấn đề tự do chu chuyển dòng vốn quốc tế./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện