06/10/2024 | 03:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ


Sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được nhiều bước tiến quan trọng, phát triển sâu rộng, thực chất, toàn diện và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực quan trọng như chính trị, ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, an ninh và quốc phòng...
Đặc biệt, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước từ ngày 10 - 11-9-2023 của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo 2 nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây được xem là một chương mới sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm lợi ích, hiện thực hóa nguyện vọng của nhân dân 2 nước về một tương lai tươi sáng và năng động, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

I. MỘT SỐ CỘT MỐC ĐÁNG NHỚ


Năm 1995

Đêm 11-7 (ngày 12-7 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ William J. Clinton công bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sáng 12-7, tại Hà Nội (ngày 11-7, theo giờ Hoa Kỳ), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trước đó hơn 1 năm, ngày 3-2-1994, Tổng thống Hoa Kỳ William J. Clinton đã thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.

Ngày 5-8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Ngay sau đó, 2 nước đã khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội.

Việc dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao là dấu mốc quan trọng, đánh dấu quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang đối tác, hợp tác cùng có lợi theo tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Năm 2000

Tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ William J. Clinton thăm Việt Nam. Ông Clinton là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam.

Năm 2001

Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được hai bên thông qua và có hiệu lực.

Năm 2005

Nhận lời mời của Tổng thống George W. Bush, tháng 6-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh kết thúc. Trong chuyến thăm này, 2 nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác kinh tế và kỹ thuật cũng như các thỏa thuận về sự phê chuẩn quốc tế, tình báo và hợp tác quân sự...

Năm 2006

Tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush có chuyến thăm 4 ngày đến Việt Nam trong khuôn khổ các cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Năm 2007

Tháng 6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W. Bush. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên tập trung thảo luận về hợp tác kinh tế và thương mại; đồng thời ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).

Năm 2008

Nhận lời mời của Tổng thống George W. Bush, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ vào tháng 6. Trong các cuộc hội đàm, hai bên đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư và giáo dục...

Năm 2013

Tháng 7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Kết quả lớn nhất của chuyến thăm là hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, định hình khuôn khổ quan hệ song phương cho giai đoạn mới cũng như hướng phát triển của quan hệ trong những năm tới.

Năm 2015

Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, tháng 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó khẳng định: “việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”.

Năm 2016

Tháng 5, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết sau cuộc hội đàm cấp Nhà nước thể hiện rất nhiều cam kết về tăng cường hợp tác giữa 2 nước trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều văn kiện, dự án quan trọng, quy mô lớn được ký kết.

Chuyến thăm tạo ra dấu mốc mới trong quan hệ giữa 2 nước, khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về việc tăng cường lòng tin chiến lược và sự thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện giữa 2 nước.

Năm 2017

Tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Hai bên cam kết duy trì và phát triển đà quan hệ; đồng thời đạt được nhận thức chung về khuôn khổ mới hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới, tạo nên những động lực mới trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa 2 nước, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC 2017. Trong Tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được đưa ra nhân chuyến thăm, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Năm 2019

Tháng 2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chứng kiến Lễ ký kết 4 văn kiện hợp tác giữa 2 nước, liên quan đến lĩnh vực hàng không với tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD.

Năm 2023

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10 đến 11-9-2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Nhân dịp này, lãnh đạo 2 nước ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện.


II. HỢP TÁC THƯƠNG MẠI TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa 2 nước.

Đối tác xuất khẩu quan trọng

Từ năm 1994, khi Mỹ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được bắt đầu. Những năm sau đó, 2 nước ký kết Hiệp định thương mại song phương (năm 2000; thông qua và có hiệu lực năm 2011); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); 2 nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007)... Trong đó, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều so với các hiệp định thương mại mà nước ta đã ký trước đó. Hiệp định quy định chi tiết cam kết mở cửa thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của công dân và pháp nhân 2 nước. Đây là những nền tảng quan trọng, giúp tạo chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo thống kê, nếu như năm 1995, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ mới chỉ đạt 450 triệu USD, thì đến năm 2000 đã đạt 1,09 tỷ USD. Đặc biệt, từ khi có BTA đến nay, kim ngạch 2 chiều đã đạt tốc độ tăng cao (bình quân tăng 20%/năm), đạt 6,75 tỷ USD (năm 2005), 18,1 tỷ USD (năm 2010), 41,28 tỷ USD (năm 2015) và đạt tới 124 tỷ USD vào năm 2022, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ.

Riêng về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2000 là 0,733 tỷ USD, năm 2005 là 5,93 tỷ USD, năm 2010 là 14,24 tỷ USD, năm 2015 là 33,48 tỷ USD, năm 2020 là 79,6 tỷ USD và năm 2022 là 109,4 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ thuộc loại ít nhất, Việt Nam đã gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Mỹ. Năm 2014, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Mỹ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%), Singapore (9,5%).

9 tháng đầu năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 3,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Không chỉ tăng về khối lượng, hàng hóa chất lượng, có giá trị gia tăng cao của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn. Trong năm 2022, riêng kim ngạch xuất khẩu máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình đã đạt 42,5 tỷ USD, tăng 35,6% so với năm 2021; đồ chơi, game và dụng cụ thể thao đạt 3,03 tỷ USD, tăng 39,5% so với năm 2021; nhựa và sản phẩm nhựa đạt 2,56 tỷ USD, tăng 38,3% so với năm 2021; thủy sản đạt 1,35 tỷ USD, tăng 40,2% so với năm 2021; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,07 tỷ USD, tăng 36,7% so với năm 2021; sắt và thép đạt 1,06 tỷ USD; tăng 49,6% so với năm 2021...

Với việc xuất khẩu liên tục tăng mạnh, Việt Nam luôn xuất siêu sang Mỹ. Riêng năm 2022, xuất siêu là hơn 116 tỷ USD, xếp thứ ba trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ (sau Trung Quốc với 382,9 tỷ USD và Mexico với 130,6 tỷ USD).

Nguồn cung cần thiết

Theo đánh giá của các chuyên gia, một đặc điểm rất quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đó là tính chất bổ trợ của 2 nền kinh tế. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...

Trong khi đó, Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ... Việc tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu, sản phẩm này từ Mỹ không chỉ đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế, mà còn tạo ưu thế quan trọng bởi nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận.

Năm 2000, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam là 0,363 tỷ USD; năm 2010 là 3,77 tỷ USD; năm 2015 là 7,8 tỷ USD, năm 2020 là hơn 10 tỷ USD và năm 2022 là 14,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4% tổng nhập khẩu cả nước.

Thách thức và những tín hiệu tích cực

Mặc dù là thị trường quan trọng và có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức do phía Mỹ ban hành nhiều chính sách nhằm giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích sản xuất nội địa. Những chính sách này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Mỹ gia tăng tần suất các vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam và chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, gây ảnh hưởng, thiệt thòi lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian gần đây quan hệ thương mại giữa 2 nước cũng có không ít tín hiệu tích cực như: Cơ chế đối thoại chính sách thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) được triển khai hiệu quả, giúp xử lý nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ kinh tế thương mại song phương. Mỹ ngày càng coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực, luôn đặt trọng tâm hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến hợp tác mới của Mỹ trong khu vực như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF); các sáng kiến hợp tác của Mỹ như kinh tế số, năng lượng sạch,... nhận được sự quan tâm hợp tác. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.


III. NHÀ ĐẦU TƯ QUAN TRỌNG

Mỹ là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,7 tỷ USD, xếp thứ 11/143 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Nhà đầu tư có chất lượng

Cùng với xu hướng phát triển hoạt động thương mại song phương, sau khi bình thường hóa quan hệ, hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-8-2023, Mỹ đã có 1.286 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 11,7 tỷ USD, đứng thứ 11 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong nửa đầu năm nay, các nhà đầu tư Mỹ đóng góp trên 405 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Dù chưa nằm trong tốp các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam, nhưng Mỹ được đánh giá là một trong những nhà đầu tư có chất lượng. Điều cần lưu ý rằng, số lượng thống kê trên chưa thể hiện hết sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam là từ các tập đoàn lớn của Mỹ thông qua nước thứ ba. Nếu thống kê đầy đủ, con số đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.

Một báo cáo trước đó của cơ quan này cho biết, vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam đã đầu tư vào hầu hết các ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, nhưng tập trung chủ yếu vào các ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo; cấp nước và xử lý chất thải...

Các địa bàn nhận vốn đầu tư của Mỹ nhiều nhất gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng... Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Citigroup, American Group, Intel, Chevron, Ford, Starwood Hotel, AIA, Dickerson Knight Group, Coca Cola, Pepsi Cola, KFC,... đã có chỗ đứng vững vàng tại Việt Nam. Mặc dù đại dịch COVID-19 thời gian qua đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ, nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ như: Apple, Google, Netflix, Dell, Intel,... vẫn duy trì hoạt động, mở rộng đầu tư và tìm kiếm những cơ hội mới tại Việt Nam.

Theo đánh giá chung, thành công này đạt được là nhờ những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua. Cùng với đó, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp 2 nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn... Hai nước cũng triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay lượng vốn FDI Việt Nam thu hút được từ Mỹ vẫn còn khá khiêm tốn so với con số hơn 4.000 tỷ USD của Mỹ đầu tư ra nước ngoài và FDI của nước này tại khu vực châu Á nói chung hay ASEAN nói riêng. Kết quả này cũng được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa 2 nước.

Tiếp tục tận dụng cơ hội

Để tiếp tục tăng cường thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần chú trọng giải quyết hiệu quả những vấn đề còn gây khó khăn cho hoạt động thu hút vốn FDI. Trong đó, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa yêu cầu về giấy phép lao động; chính sách visa cho nhà đầu tư; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng; bảo đảm tính dự báo, dễ tiên lượng, ổn định của cơ chế, chính sách...

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách trong thu hút vốn FDI theo hướng hình thành các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Điểm thuận lợi của yêu cầu này là định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Cụ thể là ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển... Đây cũng là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ có tiềm năng và thế mạnh.

Hiện nay, nhiều công ty Mỹ quan tâm tới xu hướng tiếp tục mở rộng các trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, ngành hàng tiêu dùng nhanh, đồ chơi, nội thất, thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe... Các lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh cũng nhận được sự quan tâm mới từ cả hai bên. Trên thực tế, đã xuất hiện xu hướng rõ nét các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Intel, Walmart,... nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm bảo đảm tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.

Cuối năm 2021, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) đã công bố một khảo sát về tình hình đầu tư của nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, gần 80% số hội viên Amcham được khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung, dài hạn của họ về Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.

Theo đại diện AmCham, việc Chính phủ Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư là tiền đề để doanh nghiệp Mỹ mang vốn tới Việt Nam.


IV. THÊM NHIỀU ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỢP TÁC

Bên cạnh việc trở thành những đối tác kinh tế - thương mại - đầu tư quan trọng, trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn không ngừng được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực khác.

Về chính trị - ngoại giao

Trong 28 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao tiếp tục diễn tiến thuận lợi. Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo 2 nước đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai bên, từng bước nâng lên quan hệ Đối tác toàn diện và mới đây nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.

Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, hai bên tiếp tục đối thoại thẳng thắn, xây dựng về các vấn đề còn khác biệt, không để tác động tiêu cực đến các lĩnh vực hợp tác khác trong quan hệ song phương.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực về các vấn đề như an ninh, an toàn hàng hải, củng cố đoàn kết ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai Đối tác chiến lược Hoa Kỳ - ASEAN...; phối hợp tích cực trong các chương trình nghị sự toàn cầu như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước, chống tội phạm xuyên quốc gia...

Về quốc phòng - an ninh

Hợp tác quốc phòng- an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995 và đã có những thay đổi ấn tượng trong 28 năm qua.

Nếu như trong thời gian đầu, 2 nước mới chỉ dừng ở các cuộc tiếp xúc song phương tập trung vào giải quyết vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) trong chiến tranh tại Việt Nam, thì sau đó bắt đầu diễn ra các chuyến viếng thăm lẫn nhau của Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước, đi cùng với đó là những tiến triển tích cực, thực chất trong việc xử lý hậu quả chiến tranh và những hợp tác trên các phương diện khác.

Tháng 6-2015, Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ. Đặc biệt, ngày 23-5-2016, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thực hiện một bước tiến có ý nghĩa trong việc củng cố lòng tin giữa hai bên để tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh trong khu vực.

Vào tháng 5-2016, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về an ninh hàng hải, bao gồm thông qua Sáng kiến An ninh hàng hải, Chương trình Hợp tác giảm thiểu đe dọa và Quỹ Hỗ trợ tài chính quân sự đối ngoại. Hoa Kỳ đã bàn giao các tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam vào năm 2017 và 2020 để giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi luật hàng hải. Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Việt Nam thông qua hỗ trợ Việt Nam lần đầu tiên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào năm 2018...

Các lĩnh vực hợp tác song phương cũng được mở rộng sang hợp tác đào tạo quân y, hợp tác cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình, chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực phòng chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh nguồn nước...

Bên cạnh đó, Việt Nam - Hoa Kỳ cùng các nước tích cực hợp tác duy trì tự do hàng hải và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) tại khu vực Biển Đông; ủng hộ quan điểm về bảo đảm tự do, an ninh hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực; không có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực...

Về khoa học - công nghệ

Năm 2000, Việt Nam - Hoa Kỳ ký Hiệp định hợp tác về khoa học - công nghệ và thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học - công nghệ. Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân chính thức được ký kết năm 2014 đã mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đầy tiềm năng. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã bước đầu hợp tác về không gian, hàng không vũ trụ, an ninh năng lượng...

Về văn hóa, giáo dục, môi trường

Giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa 2 nước. Hiện có trên 30.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ, đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng và tạo việc làm của Mỹ.

Năm 2017, 2 nước phối hợp đưa Đại học Fulbright vào hoạt động, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam tiếp cận với giáo dục tiêu chuẩn cao, tiếp thu kiến thức hiện đại, góp phần xây dựng đất nước. Hằng năm, Mỹ cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam qua các chương trình học bổng như Fulbright và Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).

Hai bên tích cực trao đổi về Hiệp định thực thi Chương trình Hòa Bình, cho phép các tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục quan tâm tới các vấn đề về hợp tác y tế, môi trường, nhân đạo với Việt Nam, như tẩy độc các điểm nóng nhiễm chất dioxin, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tài trợ cho các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh...

Những trợ giúp của Hoa Kỳ đối với Việt Nam hướng đến việc củng cố các lợi ích nhằm bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, đồng thời thúc đẩy quản trị tốt và pháp quyền. Hoa Kỳ cũng hỗ trợ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như thực thi hiệu quả Bộ luật Lao động và bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động...


V. VIỆT NAM - HOA KỲ: ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10 đến 11-9-2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Nhân dịp này, lãnh đạo 2 nước ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ xác định sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa việc hợp tác trên các lĩnh vực...

Chính trị - ngoại giao

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao và sẽ thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở tất cả các cấp nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố lòng tin chính trị; ủng hộ việc nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại hiện có và dự định thiết lập cơ chế Đối thoại thường niên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ; đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa các chính đảng và các cơ quan lập pháp 2 nước, trong đó khuyến khích đối thoại, trao đổi, thảo luận về các ưu tiên và kinh nghiệm thực tiễn của mỗi bên...

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về thương mại và đầu tư...

Hai nhà lãnh đạo ủng hộ việc tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử, mở, công bằng, bao trùm, bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ, trong đó Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đóng vai trò nòng cốt. Hai bên hoan nghênh những tiến triển đạt được vừa qua và mong muốn có thêm bước tiến đáng kể về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) trong thời gian tới...

Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, trong đó có việc chú trọng khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam...

Hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu; nhất trí hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thúc đẩy hạ tầng số an toàn và tin cậy tại Việt Nam, khẳng định quá trình trên có tiềm năng mang lại những cơ hội mới để nâng cao năng lực cho cộng đồng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong lĩnh vực số, từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số ở Việt Nam...

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác giữa các cơ quan học thuật hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ, bao gồm thông qua các sáng kiến hợp tác nghiên cứu, các khóa đào tạo, trao đổi chuyên gia và các chương trình trao đổi tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Hợp tác giáo dục - đào tạo

Hoa Kỳ công bố các kế hoạch cụ thể hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển thời gian tới.

Việt Nam và Hoa Kỳ khuyến khích mở rộng cánh cửa các trường đại học và các phòng thí nghiệm của 2 nước nhằm chia sẻ những kinh nghiệm tốt, các tiến bộ khoa học và cơ hội học tập, trong đó tập trung hỗ trợ ngày càng nhiều sinh viên, giáo viên, học giả và chuyên gia nghiên cứu Việt Nam tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo tại Hoa Kỳ. Việt Nam cũng hoan nghênh việc ngày càng nhiều sinh viên, học giả và giáo sư của Hoa Kỳ theo học, nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học của Việt Nam và khuyến khích các trường đại học Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học của Việt Nam, trong đó có việc mở phân hiệu tại Việt Nam.

Hợp tác về khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế

Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phối hợp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, trong các lĩnh vực thích ứng liên ngành với biến đổi khí hậu; giảm ô nhiễm và hỗ trợ tự nguyện về kỹ thuật liên quan đến việc hiện đại hóa hạ tầng truyền tải điện, tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển thị trường khí hậu, giải pháp lưu trữ năng lượng và cải thiện khuôn khổ pháp lý cho phép chuyển đổi năng lượng kịp thời và công bằng. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác giữa 2 nước và với các chuyên gia ngoài chính phủ nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát thải thấp và có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm cũng như sức chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương, bao gồm các nỗ lực chuẩn bị ứng phó thiên tai. Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực tăng cường sản xuất năng lượng sạch của Việt Nam...

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh y tế như ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đại dịch và các nguy cơ dịch bệnh toàn cầu khác. Hoa Kỳ khẳng định hỗ trợ các chương trình ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh HIV và lao phổi nhằm kiểm soát hoàn toàn, chắc chắn dịch bệnh HIV và xóa bỏ bệnh lao phổi vào năm 2030, trên cơ sở phù hợp với các cam kết toàn cầu và chương trình quốc gia của Việt Nam. Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển ngành dược nhằm tăng cường hợp tác an ninh y tế toàn cầu...

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đây là ưu tiên trong quan hệ 2 nước, giúp xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự biết ơn của nhân dân Hoa Kỳ đối với sự hỗ trợ lâu dài của Việt Nam trong việc tìm kiếm thông tin và hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Việt Nam khẳng định tiếp tục hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh...

Văn hóa - giao lưu nhân dân - thể thao - du lịch

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động giao lưu nhân dân 2 nước; nhất trí làm việc cùng nhau để thúc đẩy du lịch hai chiều, hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, trao đổi chuyên gia và học thuật cũng như các cơ hội học tập. Hai bên dự định tăng cường hợp tác giữa các bang của Hoa Kỳ và các tỉnh, thành phố của Việt Nam theo hướng thực chất, hiệu quả, với các chương trình và dự án cụ thể; thúc đẩy quan hệ giữa các cộng đồng, các ngành, doanh nghiệp, giữa thế hệ trẻ, tổ chức nhân dân 2 nước...

Quốc phòng - an ninh

Hai bên dự định tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại, tham vấn đã được thiết lập giữa Bộ Quốc phòng 2 nước cũng như giữa các bộ, ngành khác; hợp tác hiệu quả trong các nỗ lực nhân đạo và mang tính xây dựng như khắc phục hậu quả chiến tranh, quân y, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thực thi pháp luật trên biển và năng lực an ninh biển cũng như các lĩnh vực cùng quan tâm khác, trên cơ sở phù hợp với các văn bản đã ký và thỏa thuận giữa lãnh đạo và các cơ quan 2 nước.

Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại Lao động Việt Nam - Hoa Kỳ hằng năm...

Ngoài ra, Việt Nam và Hoa Kỳ dự định tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng có lợi ích và quan tâm, đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp hình sự 2 nước; quyết định làm sâu sắc hơn nữa các nội dung hợp tác hiện có trong các lĩnh vực thực thi pháp luật, an ninh tình báo; phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hợp tác hàng hải và công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nạn cướp biển, rửa tiền, nạn mua bán người, buôn bán trái phép chất ma túy và tiền chất ma túy, tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao.../.

Duy Anh - Thành Nam - Tiến Thắng - Công Minh - Khôi Nguyên (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ