21/11/2024 | 23:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Lời giải nào cho bài toán an ninh hàng hải qua Biển Đỏ?

Đăng Bảo
Lời giải nào cho bài toán an ninh hàng hải qua Biển Đỏ? Tàu chở hàng bị chìm ngoài khơi bờ biển Yemen sau khi trúng tên lửa của lực lượng Houthi, ngày 27-2-2024_Ảnh: AFP
Là một trong những huyết mạch giao thương quốc tế, Biển Đỏ không hề lặng sóng. Tuy nhiên, sóng gió có thể dịu đi nếu các bên hữu quan tôn trọng lẫn nhau và ngồi lại đàm phán hòa bình.

Là biên giới thiên nhiên giữa châu Á và châu Phi, đồng thời là một khúc đường hiểm yếu nhất nhì trên bản đồ hàng hải thế giới, Biển Đỏ luôn là một điểm nóng trong suốt chiều dài lịch sử loài người. 

Chạy dài giữa những dải núi giàu khoáng sản đỏ rực, nước biển cũng nhuốm đỏ mỗi mùa tảo nở hoa, Biển Đỏ từng được nhắc đến trong chuyến rẽ nước vượt biển nổi tiếng của Moses dẫn những người Do Thái chạy trốn sự truy sát của binh lính Ai Cập. 

Nó cũng được nhắc đến trong nhiều câu chuyện miêu tả các chuyến buôn bán mạo hiểm dọc hai bên bờ của người Ai Cập và La Mã cổ đại.

Ngày 25-4-1859, kỹ sư Ferdinand de Lesseps - quốc tịch Pháp, là bạn của Phó vương Ai Cập Said Pasha - đã khởi công đào kênh Suez với hơn 10 năm ròng rã và gần 120.000 lao động bỏ mạng tại công trường này.

Kênh đào được hoàn thành vào ngày 17-11-1869. Tổng chi phí đã đội hơn 2 lần so với dự tính ban đầu của các kỹ sư. Con kênh dài 193km, đủ khả năng cho tàu lớn 250.000 tấn lưu thông.

Với việc kênh đào Suez được khơi thông, tuyến đường biển qua Biển Đỏ và Địa Trung Hải đã làm thay đổi vĩnh viễn lịch sử vận tải hàng hải thế giới, giúp tàu bè không phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi, rút ngắn 6.000km lộ trình Âu - Á. 

Kênh đào Suez khiến khúc đường biển 1.900km qua Biển Đỏ trở thành một huyết mạch hàng hải khiến nó càng thêm nhiều sóng gió với sự cạnh tranh gay gắt của các cường quốc hòng kiểm soát được khúc đường biển trọng yếu này.

Biển Đỏ dậy sóng trong thế kỷ XXI

Bước vào thế kỷ XXI, Biển Đỏ lại một phen dậy sóng với hoạt động dồn dập của các xuồng cướp Somalia ở cửa vào Biển Đỏ - Vịnh Aden. Một số hải tặc từng là ngư dân đánh cá trên vùng biển này. 

Họ cho rằng những tàu bè qua Biển Đỏ đe dọa sinh kế của họ, nhất là những kẻ săn cá trộm và đổ trộm rác thải độc hại xuống vùng biển của họ. Họ bắt đầu lập những đội tự vệ canh bắt những kẻ này. 

Dần dần, do việc kiếm lời từ các khoản tiền chuộc và “lộ phí” quá lớn, quá dễ dàng khiến cướp biển trở thành một “nghề”.

Tính đến nay, cướp biển Somalia đã tiến hành trên 200 vụ cướp ở cửa ngõ vào Biển Đỏ. Có vụ cướp lên tới 7 triệu USD (vụ tàu chở dầu Maran Centaurus năm 2010), trong khi thu nhập bình quân đầu người ở nước này chưa tới 600USD. 

Thu nhập “khủng” khiến bọn cướp còn mở cả “sàn giao dịch cướp biển” - nơi các “nhà đầu tư” bỏ tiền mua cổ phần mua sắm xuồng cướp và vũ khí để được chia lợi sau mỗi vụ cướp. Bọn cướp còn trích một phần thu nhập của mình cho chính quyền địa phương xây dựng trường học, bệnh viện trong vùng chúng kiểm soát.

Từ năm 2005, Tổ chức Hàng hải quốc tế và Chương trình Lương thực thế giới đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự gia tăng cướp biển trên tuyến đường đi qua Biển Đỏ. Nó làm tăng chi phí vận chuyển và cản trở việc giao hàng của các chuyến hàng viện trợ lương thực. 

Năm 2008, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 1816 và 1838 cho phép các nước sử dụng quân đội và hải quân chống cướp biển, kể cả việc tiến vào lãnh hải và lãnh thổ Somalia. 

Nhóm tác chiến liên quốc gia 151 được hình thành để làm việc này. Họ đã bắt được trên 500 tên cướp biển nhưng sau đó 2/3 đã được thả vì... không chứng minh được hành vi cướp biển. 

“Liên hợp quốc cho phép họ vi phạm chủ quyền của chúng tôi, rồi sau đó toàn bắt phải những người vô tội”, một thủ lĩnh phiến quân Somalia nói. Tuy nhiên, thực tế là từ năm 2012, báo chí đã bớt dần và gần như dừng hẳn nói đến các vụ cướp biển xảy ra trên vùng biển này.

Cuộc chiến ở Dải Gaza lại một lần nữa khiến Biển Đỏ dậy sóng. Ngày 19-10-2023, Phong trào Houthi (Yemen) được Iran ủng hộ đã phóng một loạt tên lửa và thiết bị bay không người lái vào Israel, bắt giữ các tàu chở hàng dân sự đi gần bờ biển Yemen và coi bất kỳ chuyến tàu nào có liên quan tới Israel đều là mục tiêu tấn công. 

Phiến quân Houthi đã bắn vào các tàu thương mại của nhiều quốc gia khác nhau ở Biển Đỏ, đặc biệt là ở Bab-el-Mandeb - cửa ngõ hàng hải phía Nam biển này. Để tránh các cuộc tấn công của Houthi, hàng trăm tàu thương mại đã phải chuyển hướng đi vòng quanh Nam Phi khiến chi phí vận tải biển Á - Âu tăng vọt.

Ngày 18-12-2023, Mỹ tuyên bố chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng để bảo vệ tàu bè đi qua Biển Đỏ. Sau đó, Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án hành động của Houthi trên tuyến vận tải này và Mỹ - Anh bắn tên lửa vào các căn cứ Houthi trên lãnh thổ Yemen để răn đe. 

Liên minh châu Âu (EU) dù không tham gia Người bảo vệ thịnh vượng, cũng thành lập một phái bộ để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

Lời giải nào?

Chỉ tính riêng trong tháng 1-2024, Houthi đã tiến hành 27 cuộc tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ được cho đang hướng tới hoặc rời khỏi Israel. Mỹ và đồng minh cũng tiến hành 6 đợt tấn công vào các địa điểm ở Yemen được cho là mối đe dọa cho các tàu dân sự và quân sự đi qua Biển Đỏ. 

Các cuộc tấn công mang tính “ăn miếng trả miếng” khiến Biển Đỏ càng nổi sóng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên liên quan hạ nhiệt căng thẳng nhằm thiết lập hòa bình, ổn định ở Biển Đỏ và khu vực. Ai Cập cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đỏ và mong muốn các bên nỗ lực giảm căng thẳng, tránh mở rộng bất ổn trong khu vực. 

Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait đều lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm xung đột leo thang. Theo nhận định chung của giới chuyên gia, những can thiệp quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu khó có thể đạt được mục tiêu bảo vệ hàng hải thông suốt, cũng như không thể vô hiệu hóa mối đe dọa từ Houthi. 

Ngược lại, các cuộc tập kích của Mỹ lại làm cho căng thẳng leo thang và tăng cường danh tiếng cho Houthi trong khu vực.

Nhà nghiên cứu địa - chính trị Yemen Hannah Porter không loại trừ khả năng chính Houthi đã “cố tình chọc giận Mỹ để Mỹ tấn công họ, qua đó làm cho chiến tranh lan rộng và họ sẽ đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến vinh quang đó”. 

Bà cho rằng, giải pháp duy nhất cho vấn đề Biển Đỏ là “khu biệt hóa các đám cháy và rưới nước vào chúng”. Saudi Arabia có thể đóng vai trò trung gian hòa giải rất tốt: họ có quan hệ tốt với cả Houthi và Mỹ nên có thể đưa được hai bên ngồi vào bàn đàm phán. 

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là các bên phải kiềm chế, giảm căng thẳng trước khi tiến hành thương lượng.

Trong lúc đó, hãng tin Bloomberg tiết lộ Trung Quốc và Nga đã đạt được thỏa thuận an ninh hàng hải với Houthi. Lực lượng này cam kết không tấn công tàu bè của 2 nước này khi đi qua Biển Đỏ để đổi lấy sự ủng hộ chính trị tại các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Ông Mohammed al-Bukhaiti - một lãnh đạo cấp cao của Houthi - khẳng định, vùng biển gần Yemen vẫn an toàn đối với an ninh hàng hải nếu các tàu bè đi lại không liên quan tới Israel. “Hoạt động vận chuyển trong khu vực của Nga, Trung Quốc và hầu hết các nước khác không bị đe dọa. Chúng tôi sẵn sàng bảo đảm an toàn cho tàu của họ vì tự do hàng hải cũng quan trọng với chính chúng tôi”./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện