21/05/2024 | 03:01 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Lời cảnh báo dữ dằn của chủ nghĩa khủng bố

Tường Linh
Lời cảnh báo dữ dằn của chủ nghĩa khủng bố Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tối 22-3 tại nhà hát Crocus City Hall, ngày 26-3-2024_Ảnh: Reuters
Vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Nga trong 2 thập niên qua nhằm vào nhà hát Crocus City thuộc thành phố Krasnogorsk ở rìa Tây Thủ đô Moscow hôm 22-3 đã bổ sung thêm một điểm nóng vào danh sách những thách thức toàn cầu vốn đã dài dằng dặc. Chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng để ngăn chặn.

Đêm nhạc rock biến thành thảm kịch

Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng cảnh nhà hát Crocus City cháy rụi cùng những hình ảnh tang tóc với những người thiệt mạng tại hiện trường vụ khủng bố vẫn còn ám ảnh người dân nước Nga và thế giới. 

Đêm diễn được ngóng đợi của nhóm nhạc rock Nga nổi tiếng Piknik đã biến thành thảm kịch khi những kẻ khủng bố lọt vào phòng hòa nhạc ngay trước giờ khai mạc và nổ súng vào đám đông khiến 144 người thiệt mạng và 551 người bị thương.

Sau cuộc truy đuổi, lực lượng an ninh ở tỉnh Bryansk đã bắt được 4 đối tượng tình nghi trực tiếp thực hiện vụ khủng bố. Cả 4 tên này đều là công dân Tajikistan. Ngoài ra, còn 3 người đàn ông khác, cũng là người gốc Tajikistan, bị tạm giữ do tình nghi đồng lõa. 

Theo lời khai của một nghi phạm, hắn đã bay đến Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tên này thú nhận giết người ở nhà hát Crocus City vì tiền. Phân nửa số tiền 500.000 ruble đã được chuyển vào thẻ ghi nợ của đương sự trước khi vụ khủng bố được thực hiện.

Lần theo dấu vết, cơ quan chức năng của Nga đã phát hiện 4 bộ quân phục, hơn 500 viên đạn và 28 băng đạn cũng như 2 khẩu súng trường Kalashnikov của các đối tượng tấn công. 

Các nhà điều tra Nga ngay lập tức bay tới Tajikistan - quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây - để thẩm vấn gia đình của 4 đối tượng bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công. Đích thân Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon giám sát cuộc điều tra bên phía nước này.

Hôm 24-3, Nga tổ chức quốc tang. Cả nước Nga buông cờ rủ, các sự kiện công cộng lớn bị hủy bỏ, các bảo tàng lớn dành một phút im lặng vào giữa trưa giờ Moscow để tưởng nhớ những người thiệt mạng, các nhà thờ chính thống của Nga tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân. 

Tại Thủ đô Moscow, người dân xếp hàng dài hiến máu cứu những người bị thương. Cho đến nay, vẫn còn 95 người được cho là mất tích.

Dù quá trình điều tra còn chưa kết thúc và có những manh mối khác nhau liên quan đến kẻ chủ mưu vụ khủng bố nhưng trước mắt, một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có tên “Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo”, hay IS-K, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. 

Nhóm này đã cho công bố một đoạn video được máy quay gắn trên người một trong các tay súng ghi lại về vụ khủng bố. IS-K còn cung cấp bức ảnh gồm 4 đối tượng mà nhóm này tuyên bố là những tay súng thực hiện vụ khủng bố.

Nước Nga không phải là mục tiêu đầu tiên của IS cùng các nhánh của nó. Kể từ khi thành lập năm 2014, IS đã gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Theo thời gian, IS đã vươn chiếc vòi bạch tuộc của mình từ khu vực Trung Đông sang khắp châu Phi và châu Á. 

Bàn tay đẫm máu của IS có thể thấy trong nhiều vụ khủng bố kinh hoàng, như: vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo Al-Rawda ở Syria tháng 11-2017, khiến hơn 300 người thiệt mạng; các vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ và khách sạn sang trọng dịp lễ Phục sinh ở Sri Lanka hồi tháng 4-2019, giết chết 250 người; vụ đánh bom kép ở thành phố Kerman (Iran) khiến gần 100 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương...

Nhưng vì sao thời điểm này, Nga lại là mục tiêu khủng bố của IS? Công luận Nga có thể đã quên IS, bởi vụ tấn công gần đây nhất mà phong trào thánh chiến Hồi giáo cực đoan này tiến hành trên lãnh thổ Nga là từ năm 2017, nhằm vào một ga tàu điện ngầm ở Saint Petersbourg khiến 15 người thiệt mạng. 

Tuy nhiên, nước Nga luôn là một “mục tiêu ám ảnh” của các toán thánh chiến Hồi giáo. Theo ông Michael Kugelman - Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington - IS nhắm mục tiêu vào Nga vì chính sách đối ngoại của Nga là “cái gai” đối với tổ chức này, bao gồm sự tham gia của Nga vào cuộc chiến toàn cầu chống lại IS. 

Đặc biệt là các chiến dịch quân sự mà Nga đã tiến hành chống lại các chiến binh IS ở Syria và ở các vùng của châu Phi, cũng như nỗ lực thiết lập mối liên hệ với Taliban ở Afghanistan - đối thủ của IS khiến Nga trở thành mục tiêu chính của IS/ IS-K.

Cuộc chiến không ngừng nghỉ và lâu dài

Vụ tấn công khủng bố ở Moscow một lần nữa cho thấy mối đe dọa dai dẳng của chủ nghĩa khủng bố cũng như phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng của các tổ chức khủng bố. Những năm qua, mặc dù nỗ lực chống khủng bố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực vẫn bén rễ và phát triển. 

Các “chân rết” của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và IS ở châu Phi đang nhanh chóng chiếm ưu thế ở những khu vực như Sahel và đang có xu hướng mở rộng về phía Nam tới Vịnh Guinea. 

Các nhà phân tích cho rằng IS hiện chú ý đến châu Âu, đồng thời nhấn mạnh Thế vận hội Paris 2024 có thể là mục tiêu tiềm năng tiếp theo sau vụ khủng bố ở Nga. Một loạt nước châu Âu và Mỹ đã phải thắt chặt an ninh, nâng mức cảnh báo về nguy cơ khủng bố.

Thế giới chưa an toàn và sẽ không thể an toàn, chừng nào chủ nghĩa khủng bố còn tồn tại. Theo ông Hugo Micheron - chuyên gia về Trung Đông giảng dạy tại Trường khoa học chính trị Paris, Sciences Po. - dưới nhãn quan của IS, trên thế giới như thể chỉ có 2 phe gồm: những người trung thành với phe thánh chiến và những kẻ “ngoại đạo”. 

Trong danh sách “những kẻ ngoại đạo” đó, không chỉ có Nga mà ngay cả những quốc gia Hồi giáo như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng là “những mục tiêu chính đáng như Mỹ hay châu Âu”.

Điều đó cho thấy, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành mối đe dọa mang tính toàn cầu. Vì thế, khủng bố chỉ có thể được ngăn chặn bằng nỗ lực chung. Đây là cuộc chiến không ngừng nghỉ và lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. 

Đáng tiếc trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố còn chưa được loại bỏ hoàn toàn, cơ chế hợp tác quốc tế chống khủng bố, trong đó có trao đổi thông tin tình báo, lại bộc lộ những hạn chế. 

Căng thẳng chính trị leo thang trên toàn cầu đã làm tiến trình đối thoại về vấn đề này bị gián đoạn. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất được một định nghĩa chung về chủ nghĩa khủng bố. Điều này gây khó khăn cho việc phối hợp hành động của các quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố.

Không những thế, một số chủ thể quốc tế còn mưu toan sử dụng khủng bố vì lợi ích địa-chính trị riêng. Theo ông Tasmagambetov - Tổng Thư ký Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) - chủ nghĩa khủng bố đang được sử dụng như một vũ khí trong chiến tranh tương lai, nhằm gây ra chia rẽ trong xã hội giữa các dân tộc và giữa các tôn giáo. 

Những rạn nứt địa-chính trị toàn cầu như vậy là môi trường lý tưởng, tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố như IS phát triển và gieo rắc tội ác.

Làm sao tăng cường hợp tác chống khủng bố trong một thế giới đang chia rẽ là vấn đề mà cộng đồng quốc tế phải quan tâm. Năm ngoái, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược chống khủng bố toàn cầu. 

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực, tiểu khu vực đẩy mạnh nỗ lực thực hiện một cách công bằng trên cả 4 trụ cột của chiến lược, bao gồm biện pháp giải quyết các nhân tố dẫn tới khủng bố; phòng chống khủng bố; xây dựng năng lực của các nước trong phòng chống khủng bố và tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này; bảo đảm tôn trọng quyền con người và luật pháp.

Một yếu tố quan trọng khác là phải loại bỏ một trong những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố là nghèo đói và kém phát triển. Tình trạng nghèo đói nói chung, khoảng cách giàu nghèo đáng kể làm gia tăng sự bất mãn và phẫn nộ của người dân. 

Kết hợp với các yếu tố tôn giáo, nó là những tác nhân tạo điều kiện cho các tư tưởng cực đoan tích lũy và lớn dần, trở thành miếng đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố. Trong thời điểm hiện nay, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố vẫn là ưu tiên hàng đầu./.