21/05/2024 | 00:52 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến Nga - Ukraina

Vũ Thanh Vân
Giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến Nga - Ukraina Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp phái đoàn Nga và Ukraina tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29-3-2022_Ảnh: AFP
Cuộc chiến Nga - Ukraina đã kéo dài hơn 2 năm mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Có ý kiến cho rằng, diễn biến căng thẳng và phức tạp của cuộc chiến nhấn mạnh sự cấp bách phải tìm kiếm giải pháp ngoại giao.

Nỗ lực ngoại giao

Nỗ lực ngoại giao để kết thúc chiến tranh bắt đầu gần như ngay sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraina. Ngày 28-2-2022, chỉ 5 ngày sau tuyên bố phát động cuộc chiến, phái đoàn Nga và Ukraina đã gặp nhau tại Belarus để đàm phán điều kiện chấm dứt xung đột. 

Mặc dù mỗi bên đều có những điều kiện cứng rắn, không nhân nhượng nhưng cuộc gặp vẫn mang lại tia hy vọng mong manh cho những người yêu chuộng hòa bình và nhân dân Ukraina. Nỗ lực này được Liên hợp quốc và một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Belarus,... hoan nghênh. 

Tuy nhiên, những diễn biến sau đó đã phá hỏng hoàn toàn thiện chí ban đầu.

Trong khi nỗ lực ngoại giao đối mặt với những rào cản chưa thể vượt qua, chiến sự leo thang càng khiến nỗ lực đó trở nên bất khả thi. Mỗi bên đều cho rằng, thắng lợi trên chiến trường sẽ mang lại cho mình lợi thế cần thiết, sức ép đủ lớn để buộc phía kia bước vào bàn đàm phán. 

Một chiến thắng khả dĩ hoặc khả năng lấn lướt trên chiến trường sẽ cho phép bên này áp đặt điều kiện đàm phán với bên kia.

“Đổ thêm dầu vào lửa”, Mỹ và một số quốc gia châu Âu như Pháp, Anh, Đức,... trừng phạt kinh tế đối với Nga, đồng thời viện trợ quân sự cho Ukraina. Trong chuyến thăm Ukraina tháng 11-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố bổ sung một gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ euro cho Ukraina. 

Thay vì kêu gọi đàm phán hòa bình, đóng vai trò hòa giải, một số quốc gia đã gián tiếp khiến cho tình hình ở Ukraina trở nên tồi tệ hơn.

Trong bối cảnh chiến tranh leo thang, một số quốc gia đã đóng vai trò trung gian hòa giải. Sáu tháng sau khi xung đột bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và Ukraina với hy vọng kết thúc xung đột, thiết lập hòa bình. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky với nỗ lực đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù vậy, những kết quả đạt được hết sức khiêm tốn khi Nga và Ukraina liên tục gia tăng các hoạt động quân sự trên chiến trường.

Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc cũng là quốc gia tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraina. Trong tháng 3-2024, Trung Quốc đã khởi động lại nỗ lực hòa giải xung đột với việc cử ông Lý Huy - đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu đến - Nga, Ukraina và một số quốc gia châu Âu để tìm kiếm giải pháp ngoại giao. 

Các chuyến ngoại giao con thoi của ông Lý Huy nhằm khôi phục nỗ lực tương tự đã thực hiện từ hồi tháng 5-2023. Đầu tháng 3-2024, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc không “đổ thêm dầu vào lửa” mà hướng tới tìm kiếm giải pháp mang tính xây dựng nhằm mở đường cho đàm phán hòa bình.

Những nỗ lực ngoại giao vốn đối mặt với những khó khăn khổng lồ lại càng trắc trở khi cũng trong tháng 3-2024, Pháp bày tỏ “không loại trừ khả năng” đưa quân đến Ukraina. 

Đối mặt với áp lực và chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải thích: “điều đó không đồng nghĩa chúng tôi đang xem xét điều binh sĩ Pháp tới Ukraina trong tương lai gần. Chúng tôi chỉ đang bắt đầu thảo luận và suy nghĩ về tất cả những gì có thể làm để hỗ trợ Ukraina, đặc biệt là trên lãnh thổ nước này”. 

Chừng nào hai bên tham chiến là Nga và Ukraina chưa sẵn sàng ngừng bắn, đàm phán và tìm kiếm giải pháp hòa bình thì chiến trường còn tiếng súng, nhưng bất kỳ phát ngôn, hành động hiếu chiến nào cũng sẽ đẩy cuộc chiến đi xa hơn.

Ý tưởng hòa bình

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng kêu gọi các bên đàm phán, cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tướng Mark Milley - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - cũng từng kêu gọi đàm phán để kết thúc xung đột. 

Ông cho rằng: “khả năng Nga đạt được mục tiêu chiến lược chinh phục Ukraina là gần như không có... Khả năng Ukraina giành thắng lợi quân sự, đẩy lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraina và giành lại bán đảo Crimea cũng không cao về mặt quân sự”.

Một trong những ý tưởng hòa bình hiện nay là hai bên sẽ ngừng bắn và thực hiện trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ tranh chấp với sự giám sát của Liên hợp quốc. Người dân tại các vùng lãnh thổ này sẽ được quyền bày tỏ mong muốn trở thành công dân Ukraina hay công dân Nga. 

Trong quá trình đó, hai bên cam kết rút quân và chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý được thực hiện với sự giám sát của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Ý tưởng hòa bình này mặc dù có thể được người dân hoan nghênh nhưng tiềm ẩn những khó khăn thực tế, đòi hỏi Nga và Ukraina phải từ bỏ một số điểm cứng rắn trong lập trường đàm phán của mình. Giải pháp này cũng đòi hỏi vai trò trung gian tích cực, khách quan của một quốc gia được cả Nga và Ukraina tin cậy hoặc vai trò xúc tiến hòa bình của Liên hợp quốc. 

Điều này cũng có nghĩa là NATO, Mỹ và một số quốc gia châu Âu phải có thái độ thiện chí với hòa bình, chấm dứt tư duy và hành động trừng phạt nhắm vào Nga.

Cuộc chiến Nga - Ukraina cũng đặt ra câu hỏi về vai trò gìn giữ, bảo vệ hòa bình thế giới của Liên hợp quốc. Được thành lập sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên hợp quốc có sứ mệnh xây dựng cơ chế đàm phán, thúc đẩy các giải pháp ngoại giao, ngăn chặn chiến tranh và kiến lập hòa bình. 

Vai trò ấy cần được tỏ rõ hơn bao giờ hết trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Nga - Ukraina, xung đột Isarel và Hamas hiện nay... George Beebe và Anatol Lieven - chuyên gia của Viện Quản trị nhà nước trách nhiệm Quincy (Mỹ) - nhận định: “người ta tin rằng, giải pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh ở Ukraina là không khả thi và không cần thiết. Niềm tin này là sai lầm. Niềm tin này cũng vô cùng nguy hiểm đối với tương lai của Ukraina”.

Trong bối cảnh cả Nga và Ukraina đều muốn giành được chiến thắng áp đảo, mang tính quyết định, triển vọng hòa bình vô cùng mong manh. Thế nhưng, chính trong bối cảnh ấy, hy vọng hòa bình càng cần được nuôi dưỡng, nguyện vọng hòa bình của nhân dân càng cần được tôn trọng, việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh càng bức thiết. 

Nếu nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao không có trong suy nghĩ, bị cho là bất khả thi thì sẽ không có hành động thực tế nào để cứu vãn hòa bình. Quyết định phát động chiến tranh hay phòng vệ để bảo vệ lợi ích quốc gia là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo đất nước, còn hòa bình là quyền lợi và khát vọng của nhân dân./.