21/05/2024 | 04:49 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Điểm nóng tương tác lẫn nhau

Phạm Nhẫn
Điểm nóng tương tác lẫn nhau Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza, ngày 23-12-2023_Ảnh: THX
Các điểm nóng về chính trị - an ninh trên thế giới tương tác lẫn nhau, bởi đều liên quan đến quyền lực và ảnh hưởng, ý thức hệ và hệ giá trị, quá khứ lịch sử và đặc thù của thế giới hiện đại. Chúng đều là một phần trong bố cục và gam màu trên diện mạo của bức tranh chung về thế giới hiện đại.

Tác động trực tiếp tới những vấn đề toàn cầu

Điểm nóng là khái niệm với nội hàm khá rộng, cho dù trong nghĩa đen chỉ là nơi của bất an, bất ổn, căng thẳng và bạo lực về chính trị - xã hội thuần tuý ở một quốc gia, hay liên quan đến nhiều quốc gia trong những vùng nào đó trên thế giới. 

Điểm nóng về chính trị - an ninh có định nghĩa cụ thể riêng, liên quan trực tiếp đến an ninh và ổn định trên thế giới nói chung, trên các châu lục, các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ nói riêng. Nó là hệ lụy trực tiếp của chiến tranh và xung đột quân sự, đụng độ quân sự và đối đầu căng thẳng giữa các quốc gia. 

Điểm nóng cũng có thể là nội chiến hay đấu tranh quyền lực trong khuôn khổ phạm vi quốc gia, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến cả khu vực, châu lục hay thế giới.

Nguyên nhân hình thành các điểm nóng khác nhau và bản chất thật sự của các điểm nóng khác nhau. Tuy nhiên, các điểm nóng về chính trị - an ninh trên thế giới hiện tại lại tương tác lẫn nhau, chứ không biệt lập với nhau. 

Bởi thế giới hiện tại là thế giới mà các quốc gia và vùng lãnh thổ, các khu vực và châu lục tùy thuộc lẫn nhau; là thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; là thế giới của các cuộc chơi địa chiến lược giữa nhiều đối tác với nhau. 

Các điểm nóng trên thế giới tương tác lẫn nhau bởi điểm nóng về chính trị - an ninh nhưng lại tác động trực tiếp tới những vấn đề toàn cầu khác, tới quan hệ quốc tế nói chung. Mặt khác, thực tiễn đến nay cho thấy ở mọi điểm nóng về chính trị - an ninh không chỉ có cuộc đối địch giữa hai bên hay nhiều bên với nhau, mà còn có sự can dự gián tiếp của nhiều đối tác bên ngoài khác.

Điểm nóng về chính trị - an ninh được phân chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Tiêu chí để phân loại thường là phạm vi tác động, chủng loại vũ khí được sử dụng, số lượng chiến binh tham gia, mức độ thiệt hại về người và của. 

Từ đó mà có những cấp độ điểm nóng là chiến tranh (như cuộc chiến tranh hiện tại ở giữa Nga và Ukraina); xung đột khu vực (như cuộc chiến hiện tại ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel); nội chiến hay xung khắc bạo lực trong phạm vi khuôn khổ một quốc gia (như Thổ Nhĩ Kỳ giữa chính phủ và lực lượng vũ trang của người Kurds, như ở Syria hay Libya); hoặc thuần tuý chỉ là chuyện bất an và bất ổn định trong khuôn khổ phạm vi quốc gia (như ở Myanmar, đảo chỉnh ở một số quốc gia châu Phi, như ở Ethiopia). 

Bên cạnh đó, điểm nóng cũng được sử dụng để chỉ những nơi mà an ninh và ổn định bị thách thức như ngoài khơi bờ biển Somalia vì cướp biển, ở vùng Biển Đỏ bởi hoạt động quân sự của lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen. Điểm nóng cũng còn có thể là những nơi khiến cho quan hệ giữa các quốc gia với nhau trở nên căng thẳng và phức tạp.

Trình bày như thế để thấy trên thế giới hiện tại có nhiều điểm nóng. Nhìn bề ngoài, các điểm nóng thường ít liên quan đến nhau. Nhưng trong thực chất, các điểm nóng lại tác động lẫn nhau. Vì vậy, việc hạ nhiệt cho các điểm nóng cần các cách tiếp cận, giải pháp khác nhau, nhưng các giải pháp không thể hoàn toàn biệt lập với nhau.

Phản ánh cục diện quan hệ giữa các cường quốc

Các điểm nóng tương tác lẫn nhau trước hết thông qua việc cùng nhau tác động làm gia tăng bất an và bất ổn trong chính trị thế giới, quan hệ quốc tế. Tình hình chính trị, an ninh thế giới và quan hệ quốc tế như thế lại tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm nóng đã hình thành nóng thêm, dai dẳng lâu thêm, cũng như khó hạ nhiệt thêm và những điểm nóng mới dễ xuất hiện hơn. 

Hai điểm nóng nhất trên thế giới hiện tại về chính trị - an ninh là cuộc chiến tranh ở Ukraina và ở Dải Gaza đã đóng vai trò quyết định trong việc biến khu vực Biển Đỏ trở thành điểm nóng mới, cũng như làm cho chiến sự lây lan sang cả Syria, Iraq và Lebanon, tạo bối cảnh thuận lợi cho hoạt động khủng bố trở lại nước Nga và nguy cơ khủng bố gia tăng ở châu Âu. 

Ở Dải Gaza, chiến tranh xảy ra giữa Hamas và Israel; ở Ukraina giữa Nga và Ukraina. Nhưng Nga còn là một tác nhân rất quyết định đối với an ninh, ổn định, cũng như trật tự chính trị ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. 

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)và đồng minh đứng phía sau Ukraina trong cuộc chiến tranh ở Ukraina. Phe này xưa nay vốn luôn ủng hộ Israel. 

Nga phải tập trung ưu tiên cao nhất, tiềm lực nhiều nhất cho cuộc chiến ở Ukraina và đối đầu với phương Tây nên không thể can dự như trước được nữa vào các điểm nóng khác. Mỹ, EU, NATO và đồng minh phải san sẻ trợ giúp giữa cho Ukraina và Israel; phải tránh bị thế giới đánh giá là “tiêu chuẩn kép” giữa cuộc chiến ở Ukraina và ở Dải Gaza.

Các điểm nóng trên thế giới tương tác lẫn nhau thông qua việc gần như điểm nóng nào cũng có sự can dự trực tiếp hoặc liên đới đến các đối tác lớn. Các đối tác này tiến hành cuộc chơi địa-chính trị của họ ở các điểm nóng ấy. 

Họ can dự trực tiếp hoặc gián tiếp để gây dựng ảnh hưởng và tập hợp lực lượng, để ganh đua với nhau và đối phó lẫn nhau vì lợi ích riêng. Ở điểm nóng nào cũng phản ánh cục diện quan hệ giữa các cường quốc thế giới và khu vực về chính trị cũng như quân sự, kinh tế. 

Cuộc chơi này ở các điểm nóng luôn là một phần trong chiến lược toàn cầu của họ vì lợi ích, ảnh hưởng riêng.

Sự tương tác lẫn nhau giữa các điểm nóng còn thông qua việc điểm nóng ở các nơi trong thực chất là một dạng xung khắc đại diện cho mối bất hòa giữa các đối tác bên ngoài. 

Điều này thể hiện về quân sự và an ninh trên thực địa, trong khi về chính trị và ngoại giao trong Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương quốc tế, biến chính cả Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương quốc tế thành điểm nóng theo nghĩa bóng của khái niệm.

Sự tương tác giữa các điểm nóng về chính trị - an ninh trên thế giới còn thông qua những hậu quả, hệ luỵ chung hoặc giống nhau là gây chết chóc và tàn phá; kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội; huỷ hoại môi trường; gây ra làn sóng người tỵ nạn và di cư; đặt ra hàng loạt vấn đề nan giải, nhạy cảm mới đối với hiện tại cũng như trong tương lai.

Việc hạ nhiệt các điểm nóng về chính trị - an ninh hiện tại trên thế giới rất khó khăn, bởi cả khía cạnh bên trong lẫn khía cạnh bên ngoài của mọi ý tưởng giải pháp đều chưa thuận cho việc hạ nhiệt. 

Nói cách khác, các bên liên quan đều chưa sẵn sàng đi vào giải pháp chính trị hòa bình giúp hạ nhiệt. Trật tự thế giới mới chưa định hình, hiệu lực của luật pháp quốc tế bị thách thức nên rất khó để có được giải pháp giúp hạ nhiệt điểm nóng; rất khó có thể có được sự bảo đảm là giải pháp sẽ được thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ; rất khó có thể đạt được kết quả là điểm nóng đã hạ nhiệt rồi sau này không tăng nhiệt trở lại. 

Các điểm nóng chưa thể được hạ nhiệt, chừng nào vẫn còn có bên này hay bên kia chủ định trục lợi từ việc duy trì điểm nóng hoặc tạo nên điểm nóng mới./.