Châu Âu “chia tay” với mùa đông khắc nghiệt
Thanh Nam
Ủy ban châu Âu (EC) đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của EU nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga và thành công trong việc tăng cường an ninh năng lượng ngay trong năm 2023. Tất cả là những nỗ lực không mệt mỏi của toàn khối và họ đã thành công.
Cần nhớ rằng vào thời điểm cuối năm 2022, cả châu Âu vẫn đang lo lắng và loay hoay chuẩn bị tích trữ năng lượng cho mùa đông tới gần.
Cuộc xung đột Nga - Ukraina đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn khối và các nhà lãnh đạo buộc phải yêu cầu người dân tiết kiệm, thậm chí là tính đến phương án cắt điện luân phiên để có thể đảm bảo nguồn điện đủ cung ứng cho mùa đông khắc nghiệt.
Giá năng lượng thời điểm đó leo thang, lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3 trong vòng mấy tháng ở một số quốc gia gây nên hoang mang cho người dân.
Khi gần nửa lượng khí đốt của EU có nguồn gốc từ Nga và phần lớn lượng than cùng dầu mỏ, EU phải đối mặt với thách thức kép gồm tự bảo vệ an ninh năng lượng của mình, đồng thời phải duy trì giá ở những mức chấp nhận được.
Xoay chuyển tình thế
Trước thời điểm cuộc chiến bùng nổ vào tháng 2-2022, tổng nhu cầu khí đốt cho EU là khoảng 400 triệu mét khối/năm, trong đó sản xuất nội khối chỉ chiếm 10%, EU phải nhập khoảng 150 triệu mét khối khí đốt (bao gồm cả khí hóa lỏng và chuyển qua đường ống dẫn) từ Nga.
Con số này giảm còn một nửa (80 triệu mét khối) trong năm 2022 và sụt xuống ở tỷ lệ tương tự trong năm 2023 (43 triệu mét khối). Tóm lại, mức độ phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga giảm 45% trong năm 2021 xuống còn 15% trong năm 2023.
Việc xoay chuyển tình thế này đạt được nhờ nỗ lực không nhỏ từ Kế hoạch REPowerEU của EC, khởi động từ tháng 5-2022 nhằm ứng phó với các hành động của nước Nga. REPowerEU tập trung vào 3 giải pháp chính: tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp và vận tải; đa dạng hóa nguồn cung năng lượng; tăng cường khai thác năng lượng tái tạo.
EU dự chi tới 210 tỷ euro đến năm 2027 - khoản chi phí lớn chưa từng có - nhằm hiện thực hóa kế hoạch REPowerEU. EU đã làm việc với đối tác quốc tế để tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng mới ngoài Nga, đồng thời tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì lượng khí vận chuyển từ Nga thông qua các hệ thống đường ống.
Để bảo đảm vị thế thương lượng và phân chia khí đốt công bằng, EU thiết lập cơ sở hạ tầng và phát triển một “cơ chế mua chung” giống như với vaccine ngừa COVID-19. Về dài hạn, EU đặt mục tiêu trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới trung hòa khí hậu vào năm 2050.
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo của EU đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2004 tới năm 2022, thì khí đốt tự nhiên vẫn chiếm khoảng 1/4 tổng năng lượng tiêu thụ tại châu Âu.
Khi châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung nhiên liệu từ bên ngoài, việc đa dạng hóa nguồn cung ứng khí đốt và hợp tác với những đối tác tin cậy vẫn đóng vai trò sống còn cho việc bảo đảm an ninh năng lượng cho các công dân, doanh nghiệp và các dịch vụ thiết yếu ở châu Âu như bệnh viện, công sở.
Tăng cường vị thế trên thị trường
Cuộc khủng hoảng năng lượng từ cuộc chiến Nga - Ukraina đã dạy thị trường châu Âu một bài học đắt giá. Về đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, nghĩa là nếu một nguồn cung ứng bất thình lình bị cắt đứt, dù vì bất cứ lý do gì thì hệ quả cũng đỡ khắc nghiệt hơn.
Việc giao dịch với những đối tác năng lượng dễ đoán định và ổn định hơn sẽ giảm thiểu các rủi ro khi nguồn cung bị cố tình gây gián đoạn.
Việc kết hợp những đường ống đáng tin cậy hơn và nguồn khí đốt hóa lỏng nhập khẩu là điểm mấu chốt để EU vượt qua được sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Kết quả là Na Uy và Mỹ trở thành những nhà cung cấp khí đốt chính cho EU trong năm 2023, lần lượt chiếm tới 30% và 19% tổng lượng khí đốt nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, ở thời điểm đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng 2022, bất chấp sự thiếu thốn không thể phủ nhận (nhiên liệu) và một tình đoàn kết cần thiết trong vấn đề này, một số nước EU đã bất cẩn trong việc tranh thầu giá với nhau trên thị trường năng lượng toàn cầu nhằm nỗ lực đảm bảo nguồn cung.
Để giải quyết tình trạng ứng phó lộn xộn với cuộc khủng hoảng năng lượng trong EU, kế hoạch EU Energy Platform đã được thiết lập vào ngày 7-4-2022 để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho toàn khối, từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga bằng cách tự nguyện điều phối nhu cầu và mua chung các hợp đồng khí đốt tự nhiên.
Cơ chế mua chung AggregateEU được khối này khởi động năm 2023 nhằm bảo đảm nguồn cung tương xứng cho các mùa đông 2023 - 2024. AggregateEU tạo dựng một kênh để tập hợp nhu cầu về khí đốt cho tất cả các công ty kinh doanh khí đốt được thành lập trong nội bộ EU (những quốc gia tham gia Cộng đồng Năng lượng EU) và thu hút nguồn cung của các nhà cung ứng quốc tế.
4 vòng bỏ thầu đã được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 12-2023, trong đó các bên mua xác nhận lượng khí đốt muốn có và từng bên cung cấp đề xuất lượng khí đốt sẽ bán. Thực tế, với các vòng bỏ thầu này, sau khi tìm được mức giá cạnh tranh nhất từ các nhà cung ứng quốc tế, cơ chế AggregateEU đã đặt hàng được hơn 42 triệu mét khối khí đốt phục vụ nhu cầu của châu Âu.
Trên tất cả, cách tiếp cận EU Energy Platform đã chứng minh tính hiệu quả và do cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc, hôm 19-12-2023, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đã nhất trí kéo dài khuôn khổ pháp lý AggregateEU thêm 1 năm nữa./.