09/04/2025 | 16:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Liều thuốc” hay cho giảm thiểu thất nghiệp

Nguyễn Sơn
“Liều thuốc” hay cho giảm thiểu thất nghiệp Công nhân sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh, cụm công nghiệp Nam Đồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương_Ảnh: daidoanket.vn
Có nhiều tín hiệu lạc quan đối với thị trường lao động ở Việt Nam năm 2025, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn vô vàn thách thức. Chủ thể chủ lực tạo ra việc làm và giảm thiểu thất nghiệp trên thị trường này chính là các doanh nghiệp kinh tế tư nhân.

Khởi đầu với những tín hiệu tích cực

Được sự hậu thuẫn của những chỉ số kinh tế năm 2024 như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD (tăng 14,3%), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực tế ước đạt 25,35 tỷ USD (tăng 9,4%),... lại thêm quyết tâm cao phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8%, thậm chí 2 chữ số trong năm nay và những năm tiếp theo, thị trường lao động của Việt Nam năm nay có những thuận lợi to lớn. 

Trong 2 tháng đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở ra cơ hội cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết: “nhu cầu tuyển dụng dự kiến trong quý I-2025 của các doanh nghiệp trên địa bàn là khoảng 100.000 - 120.000 lao động, tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước), công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng... (tăng khoảng 10 - 15%)”. 

Ngoài ra, bán buôn, bán lẻ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính cần khoảng 20.000 - 25.000 lao động ở nhiều vị trí. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết nhu cầu tuyển dụng đầu năm tương đối khả quan với khoảng từ 50.400 - 55.500 chỗ làm việc (tăng 7% so với năm trước), trong đó nhu cầu nhân lực phân bổ ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 67,57%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 31,92%. 

Thông tin tuyển dụng tập trung cao ở các ngành, nghề như may mặc, da giày; kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng; cơ khí - tự động hóa; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; kế toán - kiểm toán; marketing.

Một nghiên cứu mới công bố của công ty chuyên về nhân lực Navigos Group cho biết: hầu hết các doanh nghiệp trong năm 2025 đều có kế hoạch tuyển dụng thêm. 

Cụ thể, trong 81,21% số doanh nghiệp dự kiến tăng nhân sự, 37,36% có nhu cầu tuyển dưới 10%, 29,81% có nhu cầu tuyển thêm từ 10% - 20%, 10,75% có nhu cầu tuyển thêm từ 20% - 40%; trong khi chỉ có 2,27% số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm nhân sự. 

Khảo sát của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters cũng cho thấy có đến 82% số doanh nghiệp sẽ điều chỉnh theo hướng tăng lương trong năm nay.

Vẫn còn nhiều áp lực

Những dấu hiệu khả quan nói trên mở ra nhiều hy vọng cho thị trường lao động - việc làm năm 2025. Tuy nhiên, thị trường này vẫn phải chịu nhiều áp lực.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ có những bước tiến mạnh mẽ, trực tiếp tạo ra những thay đổi to lớn trong sản xuất, kinh doanh, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thay thế các công việc của người lao động, thì nguồn lao động lại ít qua đào tạo, chưa thích ứng kịp thời với xu hướng mới; học sinh, sinh viên chưa được hướng nghiệp đầy đủ và cụ thể cho việc bước vào môi trường lao động nghề nghiệp. 

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động chưa theo kịp tiến bộ công nghệ, lại thiếu nhiều kỹ năng mềm thiết yếu, khiến lao động Việt Nam dễ để mất những công việc tốt, lương cao, dễ bị loại khi các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị công nghệ mới.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao khiến người lao động phải chấp nhận những công việc thấp hơn nhiều so với mong muốn của mình. Theo một khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), có đến 31,76% số người lao động mong muốn một việc làm có mức lương trên 20 triệu đồng/ tháng, tuy nhiên, chỉ có 9,77% vị trí cần tuyển dụng ở mức lương này. 

Chênh lệch quá lớn giữa mong muốn và thực tế khiến người lao động phải chấp nhận những công việc thu nhập thấp, nếu không sẽ thất nghiệp hoặc phải làm những công việc không phù hợp với chuyên môn, không tương xứng hoặc không toàn thời gian (bán thất nghiệp).

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay hợp nhất vào Bộ Tài chính), tính chung cả năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,0 triệu người, tăng khoảng 575,4 nghìn người so với năm 2023. 

Cả nước có khoảng 1,06 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động (tỷ lệ thất nghiệp là 2,24%), tuy có giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm trước, nhưng vẫn dao động quanh mức 2,2% như thời kỳ trước dịch COVID-19 xuất hiện.

Các chuyên gia lao động cho rằng, năm 2025 thị trường lao động - việc làm sẽ có cơ hội khởi sắc, thậm chí bứt phá, do kinh tế phát triển ở tốc độ cao (8%, thậm chí cao hơn), nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tăng lên, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng theo; nhiều ngành tạo ra việc làm và thu hút nhiều lao động như cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, công nghệ AI, chuyển đổi số, robot, bảo mật thông tin và an ninh mạng, kế toán, các ngành dịch vụ, bảo trì, vận hành máy móc... 

Tuy nhiên, cơ hội việc làm cho người lao động lại tập trung vào nhóm có chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cao. Những lao động thiếu các yếu tố này sẽ khó tìm được việc làm mong muốn hơn những năm trước.

Giảm thiểu thất nghiệp - cần “liều thuốc” từ kinh tế tư nhân

Áp lực lên thị trường lao động đặt ra câu hỏi: ai sẽ là chủ thể chủ lực tạo ra việc làm cho nền kinh tế? Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân với gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang tạo ra tới 82% việc làm cho nền kinh tế.

Khu vực kinh tế tư nhân với đại đa số các công ty thuộc loại vừa và nhỏ có độ linh hoạt hơn hẳn các khu vực khác trên thị trường lao động. Họ dễ dàng thay đổi mức lương để đạt điểm cân bằng cung cầu lao động hơn, trong khi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường duy trì mức lương cố định một đến vài năm. Vì thế, họ dễ thu hút lao động hơn hẳn so với các khu vực khác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ thường không câu nệ vào bảng mô tả công việc ban đầu. Họ dễ dàng thay đổi và bố trí lại công việc, gộp công việc của nhiều người với nhiều chuyên môn khác nhau vào làm một. Họ cũng dễ dàng hơn trong việc đào tạo tại chỗ để nhân công thích ứng với thay đổi công nghệ mà chi phí đào tạo lại tiết kiệm nhất.

Cuối cùng, khu vực tư nhân còn là nơi người lao động có thể tự tạo ra công việc cho chính mình thông qua các công ty khởi nghiệp hoặc nâng cấp từ các hộ kinh doanh lên công ty. 

Nếu chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu tăng thêm 1 triệu doanh nghiệp tư nhân (lên 2 triệu vào năm 2030), trung bình mỗi doanh nghiệp tạo ra 10 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì 1 triệu doanh nghiệp mới có thể tạo ra 10 triệu việc làm mới, một con số rất lạc quan để chiến thắng thất nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân vận hành và phát triển là “liều thuốc” quan trọng và hữu hiệu nhất để giải bài toán giảm thiểu thất nghiệp, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện

Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau