09/04/2025 | 17:06 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vai trò của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam

Nguyễn Đức Thọ
TS, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị
Vai trò của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam Nhiều doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu_Ảnh minh họa
Cùng với chính sách đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã được chính thức công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và của nền kinh tế nhiều thành phần. Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1999 dẫn đến sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân. Từ đó đến nay, vai trò của khu vực doanh nghiệp này ngày càng được khẳng định trong nền kinh tế.

Đóng vai trò to lớn trong sự phát triển

Tại nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển, những nuớc đang phát triển, những nuớc kém phát triển, cũng như đối với nước ta, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể trên các mặt sau:

Thứ nhất, các DNTN đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), ngân sách nhà nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân càng phát triển, mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của mỗi nước càng lớn. 

Có thể nhận thấy đây là một bộ phận góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng sản lượng, đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Thứ hai, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bắt nguồn từ đặc điểm quy mô, tính linh hoạt cao nên DNTN có ưu điểm là có thể hoạt động ở mọi nơi, thậm chí cả những vùng chưa phát triển như vùng núi, hải đảo... 

Tùy vào đặc điểm, thế mạnh của từng vùng lãnh thổ, các DNTN hoạt động sản xuất các mặt hàng khác nhau để phục vụ người tiêu dùng.

Thứ ba, tạo ra nhiều công ăn việc làm mới. Doanh nghiệp tư nhân đã giải quyết được phần lớn lao động dôi dư ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa..., vừa tận dụng được nhân lực mà lại ổn định được kinh tế và việc làm cho con em trong địa phương. 

Doanh nghiệp tư nhân không những cung cấp thêm nhiều cơ hội cho người lao động nông thôn mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu hiện tượng di cư vào đô thị, giảm sức ép dân số tại các thành phố lớn.

Thứ tư, là tiền đề tạo ra nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Trên thế giới có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn xuất phát từ những DNTN có quy mô vừa và nhỏ nhưng với quá trình hoạt động, tích lũy vốn, kinh nghiệm để trở thành những tập đoàn kinh tế lớn.

Thứ năm, làm tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các DNTN góp phần làm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. 

Với sự xuất hiện thêm nhiều DNTN trong cùng một ngành, cùng một lĩnh vực sẽ làm cạnh tranh gay gắt hơn và DNTN phải liên tục đổi mới, nâng cao sản lượng, chất lượng, làm ăn có hiệu quả để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. 

Điều này đã tạo ra điều kiện cho nền kinh tế hoạt động lành mạnh và hiệu quả hơn khi mà mỗi cá thể trong nó đang phải tự hoàn thiện.

Đóng góp của doanh nghiệp tư nhân

Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Nghị quyết số 10-NQ/TW từng bước đi vào cuộc sống và bước đầu phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế tư nhân, nòng cốt là các DNTN phát triển nhanh hơn và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, nhất là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện an sinh xã hội, đồng thời góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2024, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP của Việt Nam và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong nhiều năm qua, khu vực này luôn tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Kinh tế tư nhân là nguồn tạo việc làm chủ yếu, chiếm 85% tổng số lao động trong nền kinh tế và giúp hàng triệu người có việc làm, thu nhập ổn định. 

Theo thống kê, khu vực này tạo ra 8,6 triệu việc làm trực tiếp trong năm 2024, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Năm 2024, các DNTN chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực DNTN vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Trong tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2024 (3,692 triệu tỷ đồng, tương đương 151 tỷ USD), khu vực nhà nước đạt 1,019 triệu tỷ đồng (42 tỷ USD), chiếm 27,6%, tăng 6,9% so với năm trước. Khu vực DNTN đạt 2,064 triệu tỷ đồng (85 tỷ USD), chiếm 55,9%, tăng 7,5%. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 0,609 triệu tỷ đồng (25 tỷ USD), tăng 10,6%. 

Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng mức tăng trưởng của khu vực DNTN vẫn thấp hơn mức tăng trung bình 15% của giai đoạn trước đại dịch COVID-19. 

Năm 2024, có khoảng 157,2 nghìn DNTN thành lập mới và 76,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có gần 200 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động gần bằng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại.

Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí không chính thức cao và khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế. Hơn 50% số doanh nghiệp tư nhân phản ánh rằng họ phải chịu nhiều đợt thanh tra, kiểm tra trong năm, gây lãng phí thời gian và chi phí. 

Bên cạnh đó, DNTN chủ yếu có quy mô nhỏ, chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu, như Vietjet, Vingroup, Masan, FPT, VinFast,... vẫn còn ít.

Tăng cường hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp tư nhân

Cần nhận thức, phát triển DNTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một nội dung quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Muốn vậy, trước hết cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để DNTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP nhằm góp phần quan trọng tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương vào chiều 7-3-2025, về chuyên đề phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sớm ban hành một nghị quyết mới, đột phá về kinh tế tư nhân.

Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển DNTN lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực của DNTN, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Doanh nghiệp tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. 

Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Khuyến khích DNTN phát triển các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp. 

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân./.


Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau