09/04/2025 | 16:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Doanh nghiệp tư nhân là động lực then chốt phát triển kinh tế

Nguyễn Hoài Bắc
Kiều bào Canada, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam - Canada (VCBA), Chủ tịch Đại Sơn Group
Doanh nghiệp tư nhân là động lực then chốt phát triển kinh tế Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, ngày 7-3-2025_Ảnh: TTXVN
Ngày 7-3-2025, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng”. Cùng với đó, là yêu cầu thay đổi trong tư duy, nhận thức để thay đổi trong cách “ứng xử” và hành động, thay đổi chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế này.

Gần 4 thập niên ước vọng, mong muốn của các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành hiện thực. Có thể tính từ năm 1996 đến nay, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển, dần thay thế các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn từ ngân sách nhà nước chi phối. 

Những con số biết nói là minh chứng quan trọng nhất để viết nên lịch sử đã đổi thay, cách nhìn nhận đã khác biệt với tư duy của ngày xưa. Chúng ta thừa nhận một điều rằng, trước năm 1996 chúng ta lấy doanh nghiệp nhà nước là động lực, là then chốt trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là có căn cơ, có mục đích chính trị và bảo vệ an ninh - quốc phòng cần thiết phải thế.

Sau khi Mỹ bỏ cấm vận (năm 1996), Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về logic là không sai, bởi mỗi nước, mỗi thể chế đều có bước đi, cách phát triển của riêng mình nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước và thăm dò phản ứng của thị trường, của doanh nghiệp dân doanh. 

Bài học rút ra sau gần 40 năm đổi mới và doanh nghiệp tư nhân, kinh tế đã hòa nhập vào dòng chảy của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta nhận thấy doanh nghiệp tư nhân mới là doanh nghiệp mang lại lợi ích lớn, tổng vốn hóa của tư nhân là vốn tự có, vốn vay phải chịu trách nhiệm với các tổ chức tín dụng và họ kinh doanh, sản xuất, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần bình ổn an sinh xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nắm bắt xu hướng phát triển của thị thường rất nhanh, chính xác, hiệu quả...

Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay đóng góp gần 50% GDP, hơn 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, giúp hàng triệu người có thu nhập ổn định, là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, song vẫn đang gặp phải nhiều rào cản, trở ngại lớn. 

Đây có thể coi là thời điểm không thể chậm trễ hơn trong việc phải xóa bỏ các rào cản, khơi dậy sức mạnh của khu vực kinh tế quan trọng này.

Theo thống kê, khu vực này tạo ra 8,6 triệu việc làm trực tiếp trong năm 2023, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Khu vực tư nhân là đầu tàu trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. 

Các tập đoàn tư nhân lớn của nước ta đã vươn ra thị trường quốc tế, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam lên bản đồ công nghệ và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Kinh tế tư nhân tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. 

Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực này trung bình 6 - 8%/năm, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhờ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, giá cả hợp lý hơn và chất lượng sản phẩm không ngừng cải thiện.

Trên bình diện thế giới, các nước phát triển, an sinh xã hội tốt như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Canada,... đều dựa vào doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân. Họ lấy doanh nghiệp tư nhân làm nền tảng, làm xương sống, làm trụ đỡ cho nền kinh tế quốc gia, kinh tế tư nhân, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa được chính phủ hỗ trợ tối đa để phát triển. Đó là kinh nghiệm quý để chúng ta tham khảo một cách phù hợp.

Nguồn lực từ kinh tế tư nhân không chỉ ở trong nước mà ở hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi ấy có hơn 6,2 triệu bà con kiều bào hằng năm gửi kiều hối về Việt Nam cho thân nhân, gia đình đầu tư xây dựng phát triển kinh tế với tổng số tiền năm sau cao hơn năm trước, đơn cử năm 2024 đạt gần 17 tỷ USD. 

Trên thực tế, dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của bà con kiều bào về đầu tư tại Việt Nam đạt hơn 1,87 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam. Tất cả dòng tiền này tựu trung chính là “kinh tế tư nhân” tạo thành bức tranh rực sáng, lung linh cho nền kinh tế Việt Nam những năm qua. 

Khu vực tư nhân đã đóng góp quan trọng vào xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Theo Bộ Công Thương, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao và nông sản.

Doanh nghiệp tư nhân cũng giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực và giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. Khu vực tư nhân có khả năng tối ưu hóa nguồn lực, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) cao hơn 30 - 50% so với doanh nghiệp nhà nước. Các tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng, sản xuất và công nghệ mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách công...

Năm 1946, khi gửi thư cho giới công thương Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, muốn đất nước phát triển, muốn xóa đói, giảm nghèo, chúng ta phải nhờ và đội ngũ doanh nhân tư nhân. Kể từ đó, kinh tế tư nhân luôn được quan tâm, nhưng chưa thực sự được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. 

Với những tư duy, chính sách đột phá tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân, tin tưởng rằng doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân nước ta sẽ có bước phát triển lớn mạnh, thực sự vươn mình trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.


Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau