09/04/2025 | 16:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Vũ Thị Thu Hương
TS, Học viện Tài chính
Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân cần kiên trì, nhất quán thực hiện theo nguyên tắc của thị trường, tạo điều kiện cho quan hệ thị trường phát huy tác dụng_Ảnh minh họa
Kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện vai trò là động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam. Để phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế là giải pháp quan trọng hàng đầu. Không chỉ đơn thuần là xóa bỏ những rào cản, tạo môi trường thuận lợi, việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân còn cần phải khắc phục, kiểm soát được những hạn chế vốn có của kinh tế tư nhân.

Không ngừng được hoàn thiện

Là thành phần kinh tế chủ yếu trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân có vai trò to lớn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động, tạo ra tính năng động và động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. 

Ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP, gần 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 30% ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hơn 85% lực lượng lao động. Xuất hiện một số đơn vị kinh tế tư nhân có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và có sức cạnh tranh quốc tế, theo đó kinh tế tư nhân từng bước tham gia liên doanh liên kết, mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tư nhân bắt nguồn từ đổi mới tư duy phát triển và hoàn thiện thể chế đối với kinh tế tư nhân. Từ chỗ thừa nhận kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế (Đại hội VI của Đảng), Đảng ta đi đến xác lập vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế (Hội nghị Trung ương 5 khóa XII); kinh tế tư nhân hoạt động kinh doanh ở những lĩnh vực mà nhà nước cho phép sang những lĩnh vực mà nhà nước không cấm; phát triển kinh tế tư nhân không hạn chế về quy mô nhằm tạo ra tập đoanh kinh tế lớn mạnh, ứng dụng công nghệ hiện đại và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới (Đại hội XIII của Đảng). 

Thể chế kinh tế tư nhân từng bước được hoàn thiện theo nguyên tắc thị trường, tạo môi trường kinh tế tự do cạnh tranh để phát huy tính năng động, sáng tạo. 

Theo đó, thể chế kinh tế tư nhân đã và đang không ngừng được hoàn thiện: 

(i) Hình thành khung pháp luật chung, thống nhất về thành lập, tổ chức và hoạt động của các hình thức tổ chức kinh doanh đối với mọi tổ chức kinh doanh không phân biệt về hình thức sở hữu và ngày càng tiệm cận với quy định, quy tắc chung của quốc tế; 

(ii) Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa nhằm bảo vệ cho nhà đầu tư; 

(iii) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thủ tục quản lý nhà nước, gia tăng cơ hội tiếp cận các nguồn lực về tín dụng, đất đai, thị trường...

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những hạn chế. 

Một là, quy mô doanh nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, chi phí đổi mới công nghệ chưa cao. 

Hai là, hiệu quả hoạt động chưa cao, có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao nhất, tốc độ tăng năng suất lao động thấp nhất trong các thành phần kinh tế, năng lực cạnh tranh thấp. 

Ba là, kinh tế tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. 

Bốn là, kinh tế tư nhân “mãi không chịu lớn” với hơn hàng triệu hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển thành doanh nghiệp tư nhân do lo ngại phiền hà về thủ tục hành chính và phải nộp thuế nhiều hơn. 

Năm là, có hiện tượng “doanh nghiệp sân sau” về mối liên hệ giữa kinh tế tư nhân và chính quyền nhà nước trong việc đấu thầu, cung cấp các dịch vụ công... tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng và phần nào tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng.

Những hạn chế này một phần bắt nguồn từ thể chế cho phát triển kinh tế tư nhân chưa hoàn thiện: thủ tục hành chính còn rườm rà, gây chi phí tuân thủ và rủi ro cao; hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh có nhiều rào cản. 

Một số trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản chưa được thực thi đầy đủ. Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu của một số cán bộ nhà nước vẫn tồn tại. 

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế kinh tế cho sự phát triển kinh tế tư nhân hiện đang vướng mắc mâu thuẫn giữa tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển với những phương thức để kiểm soát, giảm thiểu những hạn chế vốn có của kinh tế tư nhân. 

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo không ngừng phát triển, những hạn chế của kinh tế tư nhân ngày càng bộc lộ, có thiên hướng khó kiểm soát và quản lý. 

Một số lĩnh vực để kinh tế tư nhân tự do hoạt động thì phát triển, nhưng khi nhà nước thực hiện quản lý thì lại gặp khó khăn. Mâu thuẫn này gây lúng túng cho hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân.

Giải pháp cần thực hiện

Để giải quyết mâu thuẫn trên, thúc đẩy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển nền kinh tế cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, việc hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế tư nhân cần kiên trì, nhất quán thực hiện theo nguyên tắc của thị trường, theo hướng tương hợp với các quan hệ thị trường, tạo điều kiện cho quan hệ thị trường phát huy tác dụng. 

Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả và phát triển kinh tế tư nhân. 

Phương thức thực hiện vai trò của nhà nước cần tuân theo nguyên tắc thị trường, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế, xóa bỏ các rào cản hành chính và cơ chế xin - cho

Thứ hai, hoàn thiện thể chế quyền sở hữu và thực thi hợp đồng kinh tế của khu vực tư nhân hiệu quả. 

Một hệ thống thực thi hợp đồng kinh tế minh bạch, hiệu lực, hiệu quả sẽ giảm thiểu rủi ro, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư, đồng thời xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lành mạnh.

Thứ ba, cần đặt ra những ranh giới rõ ràng cho sự phát triển kinh tế tư nhân về phương diện kinh tế, chính trị, xã hội mà những phương diện này được đánh giá dưới góc độ lợi ích tổng thể của quốc gia, dân tộc như quốc phòng an ninh, năng lực độc lập tự chủ, vị thế của quốc gia, dân tộc. 

Những giới hạn đó được đặt trong khuôn khổ pháp luật gắn liền với việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điểm hạn chế của phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện kinh tế thị trường có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, thao túng nền kinh tế của các doanh nghiệp lớn. 

Đặc biệt, kinh tế tư nhân có thể cấu kết với bộ máy chính quyền để nắm vị thế độc quyền nhằm thu lợi cho mình. Vì vậy, cần có thể chế hạn chế độc quyền, mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn lực, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm... nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Thứ tư, việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của nhà nước liên quan đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, những quy định về kinh tế tư nhân, mà còn là nhiệm vụ của mỗi cá nhân cũng như của toàn xã hội. 

Việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với việc xây dựng nền văn minh thị trường, trong đó mỗi cá nhân, mỗi chủ thể kinh tế cần hiểu rõ vai trò, cơ chế, nguyên tắc và các quy luật hoạt động của kinh tế thị trường, nhận thức rõ những lợi ích và nguy hại mà thị trường dành cho các chủ thể kinh tế vi phạm các nguyên tắc đó như thua lỗ, phá sản, tẩy chay, mất uy tín, mất thị phần, phải rút lui khỏi thị trường. 

Thông qua chính những thiết chế đó, thị trường từng bước thiết lập nguyên tắc ứng xử kinh doanh phù hợp.

Thứ năm, cần xây dựng được đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có tinh thần kinh doanh, luôn đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, có trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng sâu rộng... 

Đây là giải pháp mang tính bền vững để hoàn thiện thể chế khắc phục những hạn chế của kinh tế tư nhân theo phương thức thị trường.

Việc hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế tư nhân không phải là việc làm trong một thời gian, tại một thời điểm mà là việc làm cần thực hiện thường xuyên, liên tục, cần một thời gian đủ dài để các thể chế này bám chắc vào đời sống kinh tế và phát huy tác dụng. 

Cho nên, việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân không được nóng vội, cần từng bước thử nghiệm những giải pháp mới, đánh giá, đo lường kết quả một cách thận trọng và mở rộng triển khai áp dụng trên thực tế./.


Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau