09/04/2025 | 17:01 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kiến tạo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trần Nhàn
Kiến tạo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững Tạo dựng, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi trên mọi phương diện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển (trong ảnh: dây chuyền sản xuất sữa tại nhà máy của TH)_Ảnh: TL
Ở gần như tất cả các nền kinh tế trong thế giới hiện đại, kinh tế tư nhân đã trở thành bộ phận quan trọng và thành tố không thể tách rời của nền kinh tế quốc gia. Phát triển kinh tế tư nhân luôn chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia. Khi tăng trưởng bền vững là mục tiêu vươn tới của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kinh tế tư nhân có thể đóng góp rất đáng kể vào việc kiến tạo nên và không ngừng thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Nhiều ưu thế nổi trội

Tăng trưởng bền vững đưa lại sự thịnh vượng, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và chất lượng cuộc sống cao cho con người. Kinh tế tư nhân có nhiều lợi thế đặc thù, ưu thế nổi trội mà các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể và nên tận dụng để phục vụ tăng trưởng bền vững. 

Trên phương diện này, kinh tế tư nhân vừa là nguồn lực quan trọng, vừa là lực lượng tham gia trực tiếp vào việc kiến tạo nên, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Kinh tế tư nhân có những thế mạnh riêng rất đắc dụng trong phục vụ tăng trưởng bền vững. Khu vực kinh tế tư nhân có tính năng động và linh hoạt cao, dễ thích nghi với biến động của thị trường nói riêng và môi trường kinh doanh, kinh tế đối ngoại nói chung, từ đó nắm bắt, tận dụng được nhiều cơ hội sản xuất kinh doanh và phát triển mới. 

Khu vực kinh tế tư nhân thường đi đầu trong việc chủ động và thiết thực đổi mới, sáng tạo về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, không ngừng tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kịp thời huy động được những nguồn lực cần thiết cho đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và đóng góp rất đáng kể vào ngân sách của chính quyền nhà nước.

Kinh tế tư nhân giúp đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế. Kinh tế tư nhân vừa bổ sung cho các thành phần kinh tế khác, vừa thúc đẩy cuộc ganh đua giữa các thành phần kinh tế trên nhiều phương diện. 

Trong đó, đặc biệt phải kể đến ganh đua trên phương diện đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ mới, cải tiến và sáng tạo, tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí đầu vào.

Những thế mạnh đặc thù trên giúp cho kinh tế tư nhân có thể phục vụ đắc lực cho tăng trưởng bền vững, nhất là trong khía cạnh tăng cường công bằng xã hội và giải quyết những vấn đề xã hội đi cùng với và nảy sinh từ quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Ở đây đặc biệt phải kể đến thực tế kinh tế tư nhân tạo ra nhiều chỗ làm việc, kể cả chỗ làm việc chất lượng cao, là nơi có thể đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc tăng trưởng bền vững. 

Sự tham gia và đóng góp tích cực của khu vực kinh tế tư nhân cũng còn là bộ phận quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ khí hậu Trái đất, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. 

Tương tự như vậy đối với khu vực kinh tế tư nhân trong tạo dựng, vận hành tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ kiến tạo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Những việc cần làm

Kinh tế tư nhân có nhiều lợi thế, ưu thế như vậy nhưng gắn việc phát triển kinh tế tư nhân với việc kiến tạo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững lại không đơn giản. Bởi kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước thuộc 2 chủ thể sở hữu, vận hành khác nhau; có cách xác định nội hàm và ưu tiên mục đích theo đuổi khác nhau; cũng như có trách nhiệm khác nhau về pháp lý và đạo lý. 

Vì thế, để phát triển kinh tế tư nhân phục vụ tăng trưởng bền vững cần phải hài hòa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước ở tất cả mọi khía cạnh nói trên. Khâu then chốt ở đây là thật sự coi trọng khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện và tiền đề chính trị - xã hội cũng như pháp lý và kinh tế thực sự thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển; bên cạnh đó, khích lệ ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội của khu vực kinh tế tư nhân. 

Vấn đề ở đây là kết hợp giữa thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân với khích lệ khu vực kinh tế tư nhân phục vụ đắc lực cho tăng trưởng bền vững. Đồng thời, nhà nước cần làm sao để khu vực kinh tế tư nhân thực sự tin rằng tăng trưởng bền vững cũng còn là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho khu vực kinh tế tư nhân không ngừng phát triển năng động, thịnh vượng.

Ngoài ra, chính quyền nhà nước còn cần phải làm 2 việc sau để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển và tận dụng sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân phục vụ tăng trưởng bền vững của quốc gia.

Thứ nhất, tạo dựng môi trường kinh doanh, sản xuất thuận lợi trên mọi phương diện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, không ngừng cải thiện môi trường này. 

Đặc biệt quan trọng ở đây là việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định pháp lý, ổn định các biện pháp chính sách quản lý nhà nước, chứ không thường xuyên thay đổi hay điều chỉnh, giúp khu vực kinh tế tư nhân được thường xuyên và kịp thời tiếp cận thông tin, tư vấn hỗ trợ, bảo đảm cho khu vực kinh tế tư nhân có được môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và minh bạch, được đối xử bình đẳng giữa tất cả các thành phần kinh tế trong nền kinh tế.

Thứ hai, hậu thuẫn thiết thực khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận và tận lợi từ thị trường quốc tế. Trên thị trường quốc tế, khu vực kinh tế tư nhân bị hạn chế ở mức độ không hề nhỏ về khả năng cạnh tranh, năng lực xuất khẩu, uy tín thương hiệu, kinh nghiệm thương mại quốc tế. 

Vì thế, chính quyền nhà nước cần mở đường, tạo điều kiện, cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân hội nhập khu vực và quốc tế, tham gia cuộc chơi toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, chinh phục các thị trường bên ngoài. 

Cách tiếp cận xác đáng, thích hợp nhất ở đây là muốn khu vực kinh tế tư nhân phục vụ tốt nhất và nhiều nhất tăng trưởng bền vững, trước hết phải phát triển thật sự mạnh mẽ và bền vững khu vực kinh tế tư nhân.

Khu vực kinh tế tư nhân có những lợi thế, ưu thế mà các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế không có được. Nhưng nó cũng có những khiếm khuyết và điểm yếu riêng. Việc tận dụng, khai thác những lợi thế và ưu thế của khu vực kinh tế tư nhân phục vụ tăng trưởng bền vững cần phải đồng hành với việc khắc phục những mặt trái của khu vực kinh tế tư nhân, giúp khu vực kinh tế tư nhân khắc phục những khiếm khuyết, điểm yếu riêng của nó. 

Kinh nghiệm quốc tế trên phương diện này cho thấy nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển rộng khắp như có thể được; nhà nước chỉ nắm giữ những ngành và lĩnh vực kinh tế, thương mại có tầm quan trọng chiến lược sống còn đối với quốc gia và ở những lĩnh vực giới kinh tế tư nhân không sẵn sàng can dự nhưng nhà nước không thể không can dự để bảo đảm có được tăng trưởng bền vững thật sự đầy đủ và toàn vẹn./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện

Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau