22/11/2024 | 00:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh tế tuần hoàn khởi đầu từ chính quyền địa phương

Thanh Nam
Kinh tế tuần hoàn khởi đầu từ chính quyền địa phương Một khu đô thị tại London, Anh được thiết lập chương trình can dự cộng đồng bằng cách thức giảm đồ phế thải, tiết kiệm tài chính và gắn kết những người hàng xóm_Ảnh: TL

Chính quyền địa phương các cấp đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc khởi động nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp. Bằng cách can dự trực tiếp vào thói quen sinh hoạt hằng ngày như giảm sử dụng năng lượng, tạo công ăn việc làm và xây dựng các kỹ năng tối cần thiết, mô hình phối hợp (công - tư) của chính quyền địa phương với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ góp phần thay đổi toàn diện và trực tiếp với các hành vi thực tế trong cuộc sống.

Thay đổi trải nghiệm

Việc chính quyền địa phương tham gia thiết lập nền kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tiết kiệm tài chính của người dân hằng ngày mà còn xây dựng sức chống chịu mạnh mẽ trong bối cảnh chi phí cuộc sống leo thang và cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu ở hầu khắp các khu vực trên thế giới. 

ReLondon - tên gọi của Hội đồng Chất thải và Tái chế rác London (LWARB), được thành lập theo Đạo luật về các quyền hạn rộng rãi hơn cho chính quyền Thủ đô London (Anh) năm 2007 - đang hỗ trợ mạnh mẽ cho xu thế này thông qua việc cộng tác với chính quyền địa phương và doanh nghiệp, tạo ra các dự án với mục tiêu cộng đồng hướng vào cuộc sống.

Hiển nhiên, việc nâng cao nhận thức cho người dân là tối quan trọng, như các thói quen tái sử dụng vật liệu, sửa chữa và chia sẻ đồ tiêu dùng. Tuy nhiên, đôi khi các chiến dịch tuyên truyền không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Việc hướng người dân vào các thay đổi trải nghiệm cho chính họ còn có sức mạnh hơn là việc tuyên truyền họ phải làm gì.

Theo các chuyên gia của ReLondon, rất nhiều yếu tố có thể đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn. Quyết định tiêu dùng của người dân có thể ảnh hưởng tới lượng cầu hàng hóa/dịch vụ, và ngược lại, cũng sẽ tác động tới việc doanh nghiệp phải chuyển hướng sang lựa chọn hoạt động sản xuất xanh. Đây là cách mà chính quyền địa phương có thể thể hỗ trợ cùng lúc cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp tham gia xu hướng này.

Can dự cộng đồng

Trong một dự án triển khai tại Hounslow - một khu đô thị chính thuộc khu Hounslow của London - các chuyên gia thuộc ReLondon đã hợp tác cùng cư dân để thiết lập chương trình can dự cộng đồng bằng những cách thức giảm đồ phế thải, tiết kiệm tài chính và gắn kết những người hàng xóm. Chương trình này bao gồm tổ chức các khóa đào tạo sửa chữa đồ dùng, những ứng dụng chia sẻ nhà thuê và các hoạt động tương tác kinh tế tuần hoàn. 

Bằng cách gắn kết cộng đồng vào việc tự lên kế hoạch, nhấn mạnh vào tính địa phương, chương trình này tối đa hóa khả năng thay đổi hành vi của cư dân.

ReLondon cũng hợp tác cùng hơn 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ có trụ sở tại thủ đô thông qua các chương trình hỗ trợ kinh doanh, gắn kết họ với các quỹ cấp vốn khu biệt để xây dựng nền kinh tế địa phương bền vững, thuê tuyển các lao động địa phương vào những công việc xanh. 

Định hướng kinh tế tuần hoàn dường như có vẻ là một nhiệm vụ lớn, nhưng sẽ không khó khi nó được khởi động từ cấp địa phương với sự “xắn tay” vào cuộc của chính quyền. Trong rất nhiều trường hợp, những lựa chọn “tuần hoàn” chứng tỏ sự hiệu quả, đặc biệt nếu nó được huy động nguồn lực địa phương. 

Những sáng kiến xuất phát từ cộng đồng là vô cùng quan trọng trong việc khuyến khích người dân hình thành các thói quen mới, trong khi hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp tạo ra các mô hình có lợi cả về mặt môi trường lẫn kinh tế.

Thói quen nguy hiểm

Một nghiên cứu mới của ReLondon và Đại học College London cho thấy mỗi năm người dân Thủ đô Anh quốc sử dụng tới 154.600 tấn quần áo mới, tương ứng khoảng 48 đồ quần - áo/người. Thói quen tiêu dùng thời trang này tạo ra khoảng 2 triệu tấn khí phát thải nhà kính mỗi năm.

Nếu mỗi người dân London chỉ giảm 30% số lượng đồ quần áo mua mới, bằng cách cắt giảm 12 món đồ mua mới thay bằng dùng đồ cũ (second-hand) và thay đổi thêm các thói quen sử dụng tủ đồ của mình, lượng phát thải khí nhà kính liên quan tới thời trang của người dân Thủ đô Anh quốc sẽ được giảm ở mức 30% tương ứng. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mỗi người dân London thải loại chừng 44 món đồ quần áo trung bình mỗi năm và 44% số đồ này sẽ được xử lý bằng các chôn lấp hoặc đốt rác.

Số 60% còn lại sẽ được các đơn vị tái chế địa phương, các tổ chức từ thiện và nhà kinh doanh đồ may mặc thu gom. Dù khoảng 10% số đồ này sẽ được tái sử dụng tại London, thì 2/3 số đó được bán ra nước ngoài vì ở nước Anh không có nhu cầu sử dụng quần áo cũ. 

Báo cáo của ReLondon và Đại học College London còn cho thấy 92% đồ quần áo của người London được nhập khẩu từ các nước trên thế giới, trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang sử dụng tới 1/4 “ngân sách” carbon thế giới tới năm 2050 (là ngưỡng thải carbon dioxide (CO2) có thể chấp nhận được vì không gây ra biến đổi khí hậu ở mức nguy hiểm).

Báo cáo chỉ ra cách thức mà rất nhiều thành phố và cư dân ở đó có thể hành động để tạo ra sự khác biệt, nhấn mạnh vào những kịch bản và các cách thức can dự cụ thể của Thủ đô London nhằm giúp cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong ngưỡng tới 1,50C trước thời kỳ công nghiệp.

Báo cáo này cũng sử dụng một phương pháp luận sáng tạo về dòng chảy vật liệu để xem xét các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu thông qua lăng kính tiêu dùng, thay vì chỉ xem xét các chi tiết của quá trình sản xuất có liên quan tới phát thải khí nhà kính. Điều này là có tầm quan trọng căn bản cho các thành phố lớn, bởi đây là những nhà nhập khẩu thuần các sản phẩm và dịch vụ. 

Các phân tích chỉ rõ rằng London nhập khẩu tới 92% sản phẩm may mặc, với 87% tổng số lượng khí phát thải nhà kính tạo ra từ chuỗi cung ứng thời trang của London có liên quan tới số quần áo nhập khẩu này. Con số so sánh này đặc biệt trái ngược với 12% lượng khí phát thải liên quan tới số lượng đồ may mặc được sản xuất tại London, và chỉ duy nhất 1% lượng khí phát thải nhà kính có liên quan tới hoạt động quản lý chất phế thải sau sử dụng.

Đồ may mặc và vấn đề sản xuất thời trang đang là một tác nhân chính cho tình trạng phát thải carbon toàn cầu. Báo cáo độc lập của ReLondon cho thấy mức độ nguy hiểm của thói quen mua sắm thời trang hằng ngày. Để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu khẩn cấp và bảo tồn những nguồn lực tự nhiên quý giá, rõ ràng, việc giữ gìn các đồ thời trang và sử dụng tốt những thứ đồ chúng ta đang có là vô cùng quan trọng để hướng tới một hành tinh xanh và sạch./.