Chính quyền địa phương trong chiến lược chấn hưng vùng Đông Bắc Trung Quốc
Tường Linh
Từ “người con cả” thành “vành đai gỉ sét”
Vùng Đông Bắc Trung Quốc, lịch sử gọi là Mãn Châu, bao gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và một phần của Khu tự trị Nội Mông, với tổng diện tích 1,45 triệu ki-lô-mét vuông và dân số hơn 120 triệu người. Đây vốn là khu công nghiệp nặng truyền thống của Trung Quốc với phần lớn các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng từ thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, từng được coi là cái nôi của ngành công nghiệp nặng sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Đây cũng là một trong những vùng nông nghiệp lớn của Trung Quốc.
Thế nhưng trong nhiều năm qua, tốc độ phát triển của vùng Đông Bắc đã chậm lại đáng kể và tụt hậu khá xa so với các khu vực khác ở Trung Quốc. Vùng này phải đối mặt với những thách thức lớn do dân số giảm và sự phụ thuộc vào những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, nhất là các ngành công nghiệp đang suy thoái như than và thép.
Ngay từ năm 2003, chính quyền trung ương đã dành nguồn lực đáng kể vào việc tái sinh vùng Đông Bắc thành một “đầu máy” thứ tư của nền kinh tế Trung Quốc, sau vùng đồng bằng sông Châu Giang, đồng bằng sông Dương Tử và hành lang kinh tế Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc.
Tuy nhiên, dù khẩu hiệu “Phục hưng vùng Đông Bắc” đã được đưa ra từ gần 2 thập niên trước, dù nhiều văn bản của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến chủ trương này đã được ban hành, chính quyền các địa phương nhiều lần đưa ra các cam kết nỗ lực hồi sinh, nhưng nền kinh tế của khu vực vẫn trì trệ, thậm chí tăng trưởng tụt giảm mạnh hơn kể từ năm 2014.
Theo con số thống kê, đóng góp của vùng này vào GDP của cả nước giảm từ khoảng 11% năm 1990 xuống chỉ còn 5% năm 2021; GDP bình quân đầu người của cả 3 tỉnh trong vùng đều dưới mức trung bình của cả nước. Khu vực mà cố Chủ tịch Mao Trạch Đông từng trìu mến gọi là “người con cả” của nền kinh tế kế hoạch Trung Quốc nay bị gắn cái mác “vành đai gỉ sét” của đất nước.
Sự trì trệ của vùng Đông Bắc bắt nguồn từ yếu kém trong liên kết lợi ích, những hạn chế về cấu trúc bên trong và bên ngoài của khu vực, dẫn đến chủ nghĩa bảo thủ địa phương phát triển. Chẳng hạn, trong nhiều năm qua, vùng này không thể thu hút đầu tư vì nó được biết đến là một khu vực nơi các chính quyền địa phương thường xuyên can thiệp vào hoạt động thị trường.
Sự phá sản của Tập đoàn thép Dongbei Special Steel ở tỉnh Liêu Ninh có thể coi là một ví dụ điển hình. Trong giai đoạn tái cơ cấu trong quá trình phá sản, các quan chức chính quyền địa phương đã can thiệp mạnh tay.
Họ không phối hợp chặt chẽ với các chủ nợ ngân hàng quốc gia và không muốn tiết lộ thông tin, kể cả một số thông tin quan trọng theo quy định của nhà nước và pháp luật. Cho dù động thái này là nhằm tạm thời duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội, tránh phải sa thải hàng loạt công nhân, nhưng chính quyền địa phương đã phải trả giá đắt bởi những tác động tiêu cực phát sinh.
Năm 2015, các doanh nghiệp nhà nước chiếm 50% nền kinh tế của vùng, cao hơn mức trung bình toàn quốc vào thời điểm đó là 30%. Cấu trúc kinh tế của vùng phụ thuộc nhiều vào đầu tư công, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trung bình cao hơn khi kinh tế biến động.
Cấu trúc dân số cũng là một biến số quan trọng tác động đến triển vọng phát triển của khu vực. Ngay từ năm 2010, số liệu từ cuộc điều tra dân số lần thứ sáu của Trung Quốc cho thấy tỷ suất sinh của 3 tỉnh Đông Bắc lần lượt chỉ là 0,75, 0,76 và 0,74. Do tỷ lệ sinh cực thấp và tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng, quá trình già hóa của Đông Bắc Trung Quốc diễn ra sớm hơn cả nước khoảng 12 năm. Dân số Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2021 và giảm lần đầu tiên vào năm 2022.
Khi các cơ hội việc làm từ khu vực tư nhân không được mở ra, thanh niên đổ xô vào nhà nước. Theo một trang web thi tuyển công chức, hơn 60% số người dân ở vùng Đông Bắc Trung Quốc muốn trở thành công chức.
Năm 2017, tạp chí Phoenix Weekly có trụ sở tại Hồng Kông cho biết ở vùng Đông Bắc, kế hoạch lớn nhất trong đời của sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp là “ăn cơm nhà nước”. Có người từng 9 lần thi công chức, một số đã chi rất nhiều tiền cho các mối quan hệ để được vào nhà nước.
Phát huy thế mạnh của địa phương để tạo đột phá
Chấn hưng vùng Đông Bắc Trung Quốc đã trở thành yêu cầu cấp bách và là một nội dung quan trọng trong Quy hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc xác định thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các khu vực, theo hướng tổng thể là “Phát triển miền Tây, chấn hưng Đông Bắc, miền Trung trỗi dậy, miền Đông đi đầu”.
Đến năm 2021, định hướng lớn đó tiếp tục được cụ thể hóa trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở một giai đoạn phát triển mới, kế hoạch này tập trung giải quyết các vấn đề thể chế, tiếp thêm sinh lực cho các thực thể thị trường, điều chỉnh và cải thiện cơ cấu công nghiệp, phát huy thế mạnh của chính các địa phương để tạo ra những bước đột phá trong mục tiêu hồi sinh khu vực.
Nhiều tranh luận diễn ra gay gắt, tập trung vào việc khu vực này cần tập trung vào lĩnh vực nào, công nghiệp nặng hay nhẹ, ngành, nghề cụ thể nào. Tuy nhiên, điều quan trọng mà các ý kiến chốt lại là cần thúc đẩy tư duy kinh tế của chính quyền địa phương, hướng mạnh sang hệ thống kinh tế định hướng thị trường.
Nhìn bề ngoài, có vẻ vướng mắc của khu vực nằm ở chỗ không khai thác hết tiềm năng công nghiệp của vùng cũng như sự di cư lớn của lao động trong vùng. Nhưng thực chất, vấn đề chính là do hệ thống kinh tế bị phá vỡ bởi môi trường đầu tư yếu kém và sự can thiệp không thể đoán trước của chính quyền địa phương.
Để cải thiện môi trường đầu tư thông qua những thay đổi mang tính hệ thống, nhất là trong nền kinh tế thị trường, chính quyền các địa phương cần phải thận trọng, không thể thúc đẩy đầu tư bằng các mệnh lệnh hành chính.
Trong khi chờ các chương trình trọng điểm và những biện pháp chính nhằm hồi sinh khu vực, chính quyền các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và khu tự trị Nội Mông được yêu cầu tăng cường lãnh đạo, hoàn thiện cơ chế làm việc, đi sâu cải cách và mở cửa, tăng cường hỗ trợ chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh.
Các địa phương này được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chính sách của chính quyền trung ương nhằm xác định lại vai trò của chính quyền địa phương trong nền kinh tế thị trường, bao gồm loại bỏ một số khâu kiểm soát hành chính và cho phép thị trường có tiếng nói lớn hơn.
Trách nhiệm của trung ương và địa phương trong mục tiêu đổi mới, chấn hưng vùng Đông Bắc cũng được phân định rõ. Thay vì chỉ đơn thuần tiếp tục cách làm cũ là cung cấp vốn hoặc các chính sách ưu đãi, chính quyền trung ương nhấn mạnh vào việc khuyến khích khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới cơ cấu và thể chế.
Theo hướng đó, chính quyền trung ương chịu trách nhiệm chính về việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của vùng nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu cả nước; lập kế hoạch và điều phối các dự án kết cấu hạ tầng lớn; lập kế hoạch tổng thể và cung cấp các khoản thanh toán chuyển nhượng, chính quy hóa hệ thống an sinh xã hội trong khu vực; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần thiết.
Trong khi đó, chính quyền địa phương hướng sự tập trung vào việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của địa phương; hợp tác với chính quyền trung ương thành lập quỹ an sinh xã hội; cải thiện môi trường địa phương về kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ và thiết lập chính sách cho các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài.
Trong một lần đến thăm tỉnh Liêu Linh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế lớn thành một cường quốc kinh tế mạnh và một nhà sản xuất chất lượng. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tự lực trên con đường đổi mới độc lập, “đi theo con đường của riêng chúng ta”. Trong động lực công nghiệp của Trung Quốc mới, vùng Đông Bắc Trung Quốc sẽ đóng một vai trò then chốt./.