Cải cách đơn vị hành chính để tăng trưởng
Phan Lương
Sự cải cách cần thiết
Theo các chuyên gia, đơn vị hành chính là nền tảng không gian của quản trị quốc gia và đô thị, đồng thời cũng là phương tiện quan trọng để xây dựng và quản lý quyền lực chính trị, phối hợp và phân phối tài nguyên.
Do vậy, việc thiết lập đơn vị hành chính một cách khoa học và hợp lý có liên quan trực tiếp đến hiệu quả quản lý hành chính và sự ổn định của quyền lực chính trị được tất cả các nước trên thế giới coi trọng.
Do vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính và cải cách đơn vị hành chính là nhu cầu khách quan nhằm thích ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội trong các giai đoạn đô thị hóa khác nhau.
Trong lịch sử, các nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã tiến hành điều chỉnh hoặc cải cách đáng kể các đơn vị hành chính theo chức năng khu vực đô thị, phân bổ nguồn lực và nhu cầu hành chính, đặc biệt trong giai đoạn đô thị hóa nhanh.
Kể từ khi cải cách và mở cửa, Trung Quốc đang trải qua quá trình đô thị hóa lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử thế giới. Tối ưu hóa các đơn vị hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện mức độ đô thị hóa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tái cấu trúc liên khu vực liên quan đến các yếu tố sản xuất ở Trung Quốc đã gặp phải nhiều trở ngại về thể chế, trong khi vấn đề rõ ràng nhất về mâu thuẫn hệ thống và cấu trúc nằm ở khía cạnh phân chia đơn vị hành chính.
Sau khi cải cách và mở cửa, RDC đã dần dần trở thành một cách thức quan trọng để thúc đẩy đô thị hóa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong giới nghiên cứu ở Trung Quốc về hiệu quả kinh tế và hiệu quả toàn diện của việc cải cách đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố cấp huyện).
Điều kiện để cải cách
Tuy nhiên, kết quả một cuộc khảo sát và nghiên cứu mới đây về vấn đề này cho thấy hiệu quả của việc loại bỏ đơn vị cấp huyện khỏi các thành phố lớn và siêu đô thị để thành lập các RDC rõ ràng tốt hơn so với việc áp dụng ở các thành phố vừa và nhỏ.
Ở thành phố vừa và nhỏ, RDC rõ ràng có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế. Cụ thể, tác động của cải cách đơn vị hành chính cấp huyện ở khu vực miền Đông và trung tâm của Trung Quốc là đáng kể, trong khi tác động của chính sách này ở khu vực miền Tây và Đông Bắc là không nhiều.
Khi sự phát triển của RDC đạt từ 15% đến 20%, hiệu quả của việc cải cách là tương đối tốt và việc điều chỉnh đơn vị hành chính của RDC có một cơ hội tối ưu hóa nhất định. Có thể nói, do có giai đoạn phát triển khác nhau, các vùng khác nhau thường có sự khác biệt lớn trong phản ứng trước cùng một chính sách.
Do vậy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc điều chỉnh cải cách đơn vị hành chính khi thiết lập RDC, sau khi điều chỉnh, sáp nhập, xóa bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.
Trước tiên, cần phải dựa vào đặc điểm quy mô thành phố. Thứ hai là đặc điểm vị trí thành phố. Các giai đoạn phát triển của thành phố có xu hướng khác nhau, do vị trí địa lý khác nhau. Ở Trung Quốc là sự khác biệt về mức độ phát triển giữa khu vực miền Đông và miền Tây. Thứ ba, là mức độ phát triển của các RDC.
RDC với tư cách là đơn vị hành chính nội thành, được thiết lập theo yêu cầu phát triển đô thị và quản lý đô thị sau khi đô thị đã phát triển đến một quy mô nhất định. Nếu khu vực đô thị trung tâm có nhu cầu thực tế cấp bách thì việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, bố trí công trình,... tại các quận mới thành lập sẽ được tăng lên, từ đó dễ dàng nâng cao hiệu quả kinh tế chung của khu vực đó.
Ý nghĩa của cải cách
Những năm gần đây, chính sách về đơn vị hành chính cấp quận/ huyện của Trung Quốc thúc đẩy đáng kể tăng trưởng kinh tế đô thị. Mô hình hồi quy cơ bản của khảo sát cho thấy ở khía cạnh quy mô thành phố, tác dụng của RDC đối với đơn vị hành chính cấp huyện ở các thành phố lớn và siêu đô thị rõ ràng là vượt trội so với các thành phố vừa và nhỏ.
Do đó, nghiên cứu cho rằng trong quá trình điều chỉnh đô thị vừa và nhỏ, không nên chỉ xem xét nhu cầu phát triển của đô thị trung tâm mà còn xem xét mức độ đô thị hóa của đơn vị hành chính cấp huyện bị tách, sáp nhập từ đó đưa ra phương thức điều chỉnh linh hoạt hơn.
Nghiên cứu cũng cho rằng ở khía cạnh mức độ phát triển của RDC, nếu mức độ này ở mức từ 15% đến 20% thì tác động của RDC so với đơn vị hành chính cấp huyện sẽ tốt hơn, phù hợp với kinh nghiệm thực tế ở các nước phát triển phương Tây.
Việc điều chỉnh RDC quá sớm sẽ dẫn đến những vấn đề như năng lực thúc đẩy kém, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bình thường của đơn vị hành chính cấp huyện bị loại bỏ và sáp nhập; trong khi việc chuyển đổi RDC quá muộn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng đô thị trung tâm.
Từ đó, công tác quy hoạch đô thị liên quan sẽ khó có thể mang tính khoa học và hiệu quả, gây ra những vấn đề như lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của toàn khu vực.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện là một dự án mang tính hệ thống, đa ngành, năng động, phức tạp và toàn diện. Cần tối ưu hóa bố cục theo nhu cầu phát triển thực tế của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trên cơ sở bám sát sự khác biệt và xu hướng thay đổi của phân bố không gian các yếu tố kinh tế.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, trong quá trình phát triển đô thị hóa nhanh chóng, trước hết cần hết sức coi trọng ý nghĩa quan trọng của việc điều chỉnh đơn vị hành chính trong quản lý các vùng đô thị.
Bởi thúc đẩy kịp thời điều chỉnh đơn vị hành chính có lợi để giảm chi phí phát triển đô thị hóa và nâng cao hiệu quả quản lý của các khu vực đô thị, đây cũng là kinh nghiệm quan trọng về phát triển đô thị hóa nhanh trong 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Thứ hai là thúc đẩy tối ưu hóa không gian của RDC dựa trên tư duy về sự tích tụ đô thị. Việc thiết lập khoa học và hợp lý RDC có thể tối ưu hóa quy mô và cấu trúc của các cụm đô thị, giải phóng hiệu quả tiềm năng phát triển không gian khu vực và nâng cao hiệu quả phát triển của hệ thống đô thị.
Thứ ba, việc điều chỉnh RDC cần tập trung vào mức độ phát triển và tiềm năng phát triển của các thành phố. Cần xác định khu vực đô thị lõi có nhu cầu thực tiễn cấp thiết hay không. Chỉ khi sự phát triển của khu vực đô thị trung tâm bị hạn chế và mức độ phát triển cũng như tiềm năng phát triển lớn, mới nên thiết lập các RDC mới và mở rộng diện tích cho các quận nội thành.
Thúc đẩy việc điều chỉnh RDC vào đúng thời điểm sẽ giúp giảm bớt vấn đề của các thành phố lớn và tạo thêm những ý tưởng mới cho việc quản lý khu vực đô thị./.