22/11/2024 | 01:10 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cách thức Thủ đô Tokyo hợp tác hiệu quả với chính quyền địa phương

Vân Dung
Cách thức Thủ đô Tokyo hợp tác hiệu quả với chính quyền địa phương Tokyo - địa phương điển hình trong quản lý hiệu quả chính quyền địa phương ở Nhật Bản_Ảnh: TL

Với 23 đặc khu, 26 tiểu thành phố, 5 thị trấn và 8 làng, Tokyo là nơi đặt trụ sở các cơ quan đầu não của chính quyền Nhật Bản và là một trong những thành phố đẳng cấp thế giới. Tất cả đều được chính quyền vùng đô thị Tokyo quản lý, nhưng chính quyền địa phương ở mỗi khu vực có quyền quyết định nhiều hơn trong việc điều hành những công việc hằng ngày. Có thể nói, Tokyo là địa phương điển hình trong quản lý hiệu quả chính quyền địa phương ở Nhật Bản.

Đặc điểm của chính quyền Tokyo

Ở Nhật Bản, đơn vị hành chính được chia thành 2 loại, gồm đơn vị hành chính thông thường và đơn vị hành chính đặc biệt. Thành phố Tokyo và mỗi đơn vị nằm trong Tokyo (gồm tiểu thành phố, thị trấn và làng) là những đơn vị hành chính thông thường, còn 23 đặc khu là những đơn vị hành chính đặc biệt. Chính quyền các đặc khu được trao quyền hạn hành chính nhiều hơn so với các thị trấn và làng. 

Tuy nhiên, các đặc khu không có nhiều quyền hạn so với các thành phố. Chỉ có ở Tokyo mới có đặc khu, các đặc khu có chức năng như một khu hành chính cấu thành nên trung tâm của Tokyo. Thông thường mọi người hay nhắc đến Tokyo như một thành phố, nhưng tính theo đơn vị hành chính thì Tokyo là một đơn vị cấp vùng, bởi bên trong Tokyo còn có những tiểu thành phố.

Thứ nhất, chính quyền Tokyo có 2 cấp gồm chính quyền thành phố và chính quyền cấp quận hoặc phường đặc biệt, hay còn gọi là chính quyền địa phương. 23 đặc khu là những khu tự trị, mỗi khu có một thị trưởng và một hội đồng riêng. 

Ngoài ra ở Tokyo còn có 26 tiểu thành phố, 5 thị trấn và 8 làng, mỗi phân khu hành chính đều có chính quyền địa phương riêng. Sự phân chia này để bảo đảm tách biệt về quyền lực, nhờ đó đạt được sự kiểm soát và cân bằng quyền lực.

Thứ hai, chính quyền thành phố Tokyo quản lý công việc hành chính trên diện rộng, còn chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt, ví dụ như vấn đề phòng cháy chữa cháy và cấp thoát nước - vốn là những lĩnh vực thường được luật pháp quy định thuộc trách nhiệm của địa phương. 

Tuy nhiên tại Tokyo, chính quyền thủ đô quan niệm rằng những việc này có thể được quản lý hiệu quả hơn ở cấp trên và nhằm mục đích giảm gánh nặng tài chính cho địa phương, do đó, chính quyền Tokyo nhận trách nhiệm về các dịch vụ này.

Có thể thấy, đặc điểm nổi bật trong nền chính trị của Nhật Bản chính là tự trị địa phương - thể hiện được tính tự quản của nhân dân trong các vấn đề ở địa phương, vai trò của nhân dân trong quyền quản lý của mình. Sự kết hợp hài hòa trong các chính sách quản lý của chính quyền Tokyo chính là bài học có thể tham khảo về cách thức quản lý tổ chức chính quyền địa phương.

Thứ ba, ngoại trừ những vấn đề đối ngoại và quốc phòng, hầu hết các công việc hành chính đều do chính quyền trung ương và địa phương cùng gánh vác. Các chính sách quốc gia đều được thực hiện thông qua chính quyền địa phương.

Với dân số 13,96 triệu người (năm 2021), là vùng đô thị có dân cư đông nhất thế giới, Tokyo cũng là đô thị có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất thế giới. Để làm được điều này, chính quyền vùng đô thị Tokyo đã đưa ra những chính sách cải cách hợp lý, kết hợp hoạt động điều hành cùng các chính quyền địa phương. Chính phủ Nhật Bản cũng đề cao vai trò đi đầu của chính quyền Tokyo và mô hình của Tokyo được nhân rộng cho hầu hết các thành phố của Nhật Bản.

Những thay đổi mang lại hiệu quả

Năm 2020, chính quyền Thủ đô Tokyo đề xuất kế hoạch cải cách và chia thành nhiều giai đoạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn), theo thứ bậc (cơ cấu tổng thể, hình thức tổ chức cụ thể, cơ chế làm việc) và các lĩnh vực nhỏ (như văn hóa - y tế, giáo dục, an ninh trật tự, quản lý xã hội, phát triển kinh tế...). 

Mô hình cải cách này nhấn mạnh đến việc điều chỉnh trách nhiệm của từng bộ phận, thúc đẩy dần sự chuyển đổi chức năng thông qua điều chỉnh trách nhiệm và thiết lập toàn diện các thể chế. Những chức năng phù hợp với các tổ chức trung gian xã hội sẽ dần chuyển giao cho các tổ chức trung gian, trên cơ sở đó, ưu tiên thúc đẩy sự hợp nhất của các bộ phận nội bộ trong các bộ phận, sau đó hiện thực hóa quy mô lớn - hệ thống phòng ban.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản không ngừng củng cố nguyên tắc công việc hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân nên do các cơ quan chính quyền địa phương - nơi gần gũi với người dân đảm nhận. Chính quyền trung ương không tham gia quá nhiều vào chính sách của từng địa phương mà chỉ giữ mức can thiệp tối thiểu, định hướng hướng đi của các địa phương. 

Chính quyền Tokyo cũng áp dụng phương thức này. Có thể thấy hiệu quả của phương thức quản lý này thông qua việc phân chia trách nhiệm xử lý rác thải đô thị ở Tokyo. Chính quyền Tokyo và chính quyền địa phương đã sửa đổi một số luật tự trị địa phương để làm rõ việc phân chia trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải. 

Để xử lý chất thải hiệu quả hơn, 23 đặc khu đã cùng nhau xây dựng các cơ sở xử lý chất thải trung gian và thành lập một nhóm chung với tên gọi “Văn phòng Sở vệ sinh 23 đặc khu Tokyo”, chịu trách nhiệm xử lý chất thải trung gian của 23 đặc khu.

Bên cạnh đó, trách nhiệm chính của các cơ quan chính phủ được xác định bằng cách liệt kê những hạng mục cụ thể hơn. Liên quan đến vấn đề môi trường, chính quyền thành phố Tokyo yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tác động tiêu cực đến môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, khiến các doanh nghiệp có xu hướng sản xuất các sản phẩm có thể tái chế hoặc tái sử dụng khi phát triển sản phẩm mới, bao gồm tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng. 

Các doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng thông tin của sản phẩm (như chứng nhận nhãn sinh thái, tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, báo cáo tác động đến môi trường bao gồm việc ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, chi phí bảo trì...). 

Chất thải công nghiệp chủ yếu được quản lý bởi các nhà sản xuất - những người phải trả tiền cho việc quản lý chất thải. Do đó, các nhà sản xuất tích cực tái chế chất thải hoặc có phương án giảm thiểu lượng chất thải trong quá trình sản xuất, từ đó thiết lập mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa các nhà sản xuất chất thải công nghiệp và tái chế chất thải công nghiệp. 

Có thể thấy, sự phân chia rõ về trách nhiệm đã thúc đẩy doanh nghiệp tìm đến các công nghệ mới và công nghệ tái chế chất thải thân thiện với môi trường hơn.

Trong “Kế hoạch cải cách tổ chức và nhân sự thủ đô” do chính quyền thành phố Tokyo đề xuất, cải cách thể chế và nhân sự được thúc đẩy một cách tổng thể, đồng thời đề xuất tối đa hóa chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên ở từng vị trí thông qua cải cách thiết lập chức vụ; bãi bỏ hệ thống phân cấp chức vụ dư thừa; xây dựng hệ thống quản lý và thực thi theo nhóm; giải quyết theo vấn đề;... nhằm thúc đẩy cải cách thể chế ở cấp độ sâu hơn. 

Tokyo đã thiết lập một hệ thống bổ nhiệm nhân sự dựa trên năng lực và hiệu suất. Tất cả nhân viên đều có thể được thăng cấp lên cấp phó/trưởng phòng bằng nỗ lực cá nhân thông qua đánh giá công bằng và khách quan. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Tokyo ban hành “Chính sách cơ bản về phát triển nhân sự của chính quyền thành phố Tokyo” nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức, năng lực và kinh nghiệm nổi trội, có thể đáp ứng kịp thời trước những yêu cầu ngày càng khó khăn và phức tạp của người dân đối với hoạt động hành chính mà chính quyền thành phố phải đối mặt./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện