05/04/2025 | 09:16 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hạ nhiệt những điểm nóng


2024 không chỉ được dự báo là năm mà các kỷ lục về nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ tiếp tục bị phá vỡ bởi hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, mà còn “nóng” hơn bởi các cuộc chiến tranh, xung đột cũng như những bức xúc xã hội ở nhiều quốc gia.

Tiếp nối những diễn biến phức tạp kéo dài từ nhiều năm trước, từ đầu năm đến nay, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, giữa Israel và phong trào Hamas tại Palestine hay xung đột phe phái tại Sudan, tình trạng bạo lực ở Haiti,... vẫn là những điểm nóng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ở một số quốc gia, những khó khăn trong giai đoạn hậu COVID-19 cùng các chính sách xã hội chậm được sửa đổi cũng trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân... Như cách nói của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, tất cả những điều đó đang tạo nên một “thế giới phân cực”, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng hợp tác để cùng giải quyết, vì tương lai của chính chúng ta.

I. TƯƠNG LAI NÀO SAU LỆNH NGỪNG BẮN TẠI DẢI GAZA?

Trong những ngày cuối tháng 3, việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên buộc Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức, được xem như một bước đột phá trong tiến trình hạ nhiệt điểm nóng Trung Đông. Tuy nhiên, phản ứng của các bên, nhất là từ phía Israel, vẫn khiến cộng đồng quốc tế chưa thể yên tâm về tương lai của cuộc xung đột này.

Bước đột phá

Ngày 25-3, 14/15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết số 2728 yêu cầu Israel và lực lượng Hamas ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza; đồng thời các con tin phải được thả ngay mà không có điều kiện nào.

Nghị quyết số 2728 được đánh giá là mang tính đột phá, do 10 nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đưa ra và được đàm phán căng thẳng cho đến phút chót. Thay vì phủ quyết, việc Mỹ là nước duy nhất trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng đã giúp Nghị quyết được thông qua.

Trước đó, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình đối với 3 dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về cuộc chiến ở Gaza để bảo vệ đồng minh Israel khi Tel Aviv thực hiện các cuộc tấn công trả đũa Hamas tại Dải Gaza. 

Nước này cũng đã bỏ phiếu trắng 2 lần, cho phép Hội đồng Bảo an thông qua các nghị quyết nhằm tăng cường viện trợ cho Gaza và kêu gọi tạm dừng kéo dài chiến sự. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng đã phủ quyết 2 nghị quyết do Mỹ soạn thảo về cuộc xung đột này.

Các cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an về những nghị quyết liên quan đến cuộc chiến ở Dải Gaza trước đây luôn là “chiến trường” giữa các cường quốc. Trong khi phía Mỹ luôn phủ quyết vì cho rằng lệnh ngừng bắn và thả con tin có liên quan với nhau, đồng thời không lên án các cuộc tấn công của Hamas, thì Nga, Trung Quốc và nhiều thành viên khác lại ủng hộ lệnh ngừng bắn vô điều kiện.

Cùng với yêu cầu ngừng bắn và thả con tin vô điều kiện, Nghị quyết 2728 cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải mở rộng hỗ trợ nhân đạo và tăng cường bảo vệ dân thường trên toàn Dải Gaza, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ mọi rào cản đối với việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo trên quy mô lớn.

Đây được xem là một bước đi quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến Israel và Hamas đã bước sang tháng thứ bảy, làm khoảng 1.200 người Israel và trên 32.000 người Palestine thiệt mạng cùng hơn 74.000 người bị thương. 

Các cuộc giao tranh cũng khiến phần lớn trong tổng số hơn 2,3 triệu người Palestine ở Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa của mình và 1,1 triệu người phải đối mặt với nạn đói thảm khốc; khiến phần lớn Dải Gaza, trong đó có nhiều trường học, bệnh viện trở thành đống đổ nát..., tạo ra một thảm họa nhân đạo ngày càng tồi tệ.

Không ràng buộc?

Dù vậy, phản ứng của phía Israel vẫn khiến cộng đồng quốc tế chưa thể yên tâm. Chẳng hạn, trước việc đồng minh lâu đời của Israel bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết 2728, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã hủy chuyến đi đã lên lịch tới Mỹ của 2 cố vấn hàng đầu của mình. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Katz bày tỏ trên mạng xã hội X (Twitter cũ) rằng, đất nước của ông sẽ không tuân thủ nghị quyết: “Israel sẽ không ngừng bắn. Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas và chiến đấu cho đến khi những con tin cuối cùng trở về nhà”.

Điều đáng nói là, ngay sau khi nghị quyết được thông qua, các quan chức Mỹ như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã liên tục khẳng định rằng nghị quyết này không mang tính ràng buộc.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an là luật pháp quốc tế và có tính ràng buộc, nhưng theo nhiều chuyên gia quốc tế, ngay cả khi nghị quyết này mang tính ràng buộc, việc thực thi Nghị quyết vẫn không hề dễ dàng bởi chính thái độ từ phía Mỹ.

Hy vọng mới

Trong khi giữa các cường quốc còn tồn tại khá nhiều khác biệt về những giải pháp giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, thì trong suốt cuộc chiến, hai bên tham gia xung đột cũng luôn giữ quan điểm khá cứng rắn. 

Theo đó, phía Israel liên tục bác bỏ các yêu cầu của Hamas và nhiều lần thề sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi lực lượng này bị giải tán, trao trả tất cả con tin mà họ bắt giữ và giao nộp những người liên quan đến vụ tấn công hồi tháng 10-2023. 

Còn phía Hamas thì khẳng định hai bên chỉ có thể ngừng bắn vĩnh viễn khi nhà nước Do Thái chấm dứt hành vi gây hấn và rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza.

Mặc dù vậy, cho đến những ngày cuối tháng 3, Israel đã đồng ý cử các đoàn tới Doha (Qatar) và Cairo (Ai Cập) nhằm nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn, kèm điều kiện trao đổi con tin và tù nhân giữa Israel và Hamas. Ngày 29-3, Bộ Ngoại giao Israel cũng tuyên bố nước này cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, chấp hành phán quyết hôm 28-3 của ICJ.

Cùng với đó, nhiều nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng đã báo cáo với Thủ tướng Benjamin Netanyahu về ý tưởng thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Gaza.

Có thể nói, dù còn nhiều trở ngại, nhưng diễn biến trong những ngày gần đây là những chỉ dấu mang lại hy vọng mới cho việc giảm nhiệt điểm nóng Trung Đông.

Cùng với Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 28-3, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã yêu cầu Israel thực hiện mọi hành động cần thiết và hiệu quả để bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản cho người dân Palestine ở Dải Gaza và ngăn chặn nạn đói lan rộng.

 II. CUỘC CHIẾN NGA - UKRAINA: DỒN DẬP NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI

Tiếp tục “nóng”

Chỉ trong 1 ngày cuối tháng 3, Ukraina cho biết Nga đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ nước này; 9 máy bay không người lái và 9 tên lửa trong số đó đã bị phía Ukraina bắn hạ. 

Theo giới chức Ukraina, thời gian gần đây, Nga thường triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV quy mô lớn trong đêm, nhằm vào các nhà máy nhiệt điện và thủy điện ở miền Trung và miền Tây nước này.

Trước đó 1 ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 2 UAV của Ukraina trong tỉnh Belgorod thuộc Nga. Theo như tuyên bố của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, Kiev có ý định tiếp tục các cuộc tấn công bằng UAV nhắm vào những mục tiêu quan trọng ở Nga, bao gồm cả các nhà máy lọc dầu.

Những diễn biến trên diễn ra giữa lúc quân Nga được cho là đã đạt một số thắng lợi nhỏ trên chiến trường trong thời gian gần đây, trong khi quân Ukraina đang thiếu đạn dược và không thể tiến lên.

Trong các cuộc tấn công gần đây, Kiev đã nhắm vào ít nhất 12 nhà máy lọc dầu của Nga. Đây là một phần trong chiến lược của Ukraina nhằm “đưa xung đột sang lãnh thổ Nga” và làm gián đoạn nguồn cung dầu cho quân đội Nga, hạn chế nguồn thu nhập của Moscow. Tuy nhiên, sau khi Nga đáp trả bằng các vụ tấn công vào nhà máy điện trên khắp Ukraina, ông Zelensky nói rằng việc tấn công vào lãnh thổ Nga là một hình thức răn đe bởi Kiev đã cạn kiệt tên lửa phòng không mà phương Tây viện trợ.

Chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã thực hiện gần 60 cuộc tấn công, bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tsirkon, tên lửa đạn đạo siêu thanh và UAV nhắm vào các cơ sở công nghiệp quân sự Ukraina, các trung tâm chỉ huy của lực lượng vũ trang và Cơ quan An ninh Ukraina (SBU), xưởng lắp ráp tàu xuồng không người lái, kho vũ khí, kho nhiên liệu, cơ sở phòng không, cơ sở hạ tầng năng lượng, các địa điểm triển khai tạm thời của quân đội Ukraina cùng lính đánh thuê nước ngoài...

Phía Ukraina cũng thừa nhận, việc Nga tăng cường không kích các cơ sở năng lượng đã gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống hạ tầng điện vốn đã bị tàn phá trong vài tuần qua của quốc gia này.

Khó có “công thức hòa bình”

Cùng với cuộc chiến dai dẳng trên thực địa, khả năng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraina hiện chưa có dấu hiệu tiến triển rõ rệt, mặc dù trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông mới đây, Tổng thống Ukraina đã phát tín hiệu rằng việc khôi phục đường biên giới năm 1991 không còn là điều kiện tiên quyết của nước này để nối lại hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột với Nga, nhưng Kiev vẫn phải lấy lại những vùng lãnh thổ đã mất.

Bình luận về phát biểu này, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, Ukraina phải tính đến thực tế là biên giới nước này đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina. Ông Peskov lưu ý thêm rằng, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, Vùng Kherson và Zaporozhyesau các cuộc trưng cầu dân ý công khai là thực tế “không thể bỏ qua”.

Năm 2022, Tổng thống Zelensky ra quyết định cấm tất cả các cuộc đàm phán với Nga, thay vào đó là tập trung thúc đẩy “công thức hòa bình” 10 điểm, trong đó kêu gọi Moscow rút hoàn toàn lực lượng khỏi tất cả các vùng lãnh thổ nói trên, bồi thường chiến tranh và khôi phục đường biên giới năm 1991 của Ukraina.

Mặc dù vẫn duy trì quan điểm sẵn sàng đàm phán với Ukraina, nhưng Nga đã bác bỏ ý tưởng của “công thức hòa bình” vì cho rằng nó “xa rời thực tế”. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu rõ, nếu Ukraina muốn đàm phán thì trước hết phải hủy sắc lệnh cấm hòa đàm với chính quyền của ông.

Phát biểu của ông Zelensky được đưa ra sau tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba rằng, Kiev có thể đối thoại với Moscow sau hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ. Nga cho biết không có kế hoạch tham dự sự kiện này, ngay cả khi được mời.

Phản hồi phát ngôn của ông Kuleba, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Ukraina đang tự mâu thuẫn với chính mình khi tuyên bố rằng nước này có thể tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, sau hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ. 

“Tuyên bố như vậy hoàn toàn mâu thuẫn với lệnh cấm đàm phán với Nga của Tổng thống Ukraina”, ông Peskov nói; đồng thời cho rằng Nga sẽ không chấp nhận một bộ quy tắc “do người khác đưa ra”.

Vụ tấn công nhà hát Crocus ở ngoại ô Thủ đô Moscow vào ngày 22-3 khiến hơn 320 người thương vong đã trở thành thảm kịch khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại, kể từ sau sự kiện vây hãm trường học Beslan 20 năm trước.

Dư chấn từ sự kiện này không chỉ khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa Nga và phương Tây, khiến niềm tin của các bên về một nỗ lực hòa giải cho chiến sự ở Ukraina ngày càng phai nhạt, mà còn góp phần thúc đẩy các chỉ dấu leo thang xung đột rộng hơn ở các khu vực dọc biên giới Nga, từ các tỉnh giáp biên Ukraina đến tận khu vực Nam Kavkaz.

Cho dù phát biểu của ông Zelensky có thể coi như một tín hiệu cho thấy Ukraina đã “xuống nước” để hai bên có thể bước vào các cuộc hòa đàm, nhưng để đạt được bước đi đầu tiên này, cả Nga và Ukraina cũng như các bên liên quan còn cần phải có rất nhiều nỗ lực, nhất là khi cuộc khủng bố tại nhà hát Crocus tại Nga vừa qua trên thực tế đã khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa các bên vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến những nền tảng cho một kịch bản đàm phán đình chiến ở Ukraina.

III. THÊM MỘT NGHỊ QUYẾT CHO HÒA BÌNH Ở SUDAN

Những diễn biến đáng lo ngại

Xung đột giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) nổ ra vào tháng 4-2023. Trong 1 năm qua, giao tranh đã không ngừng lan rộng, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và đẩy Sudan vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc. 

Theo thống kê của các cơ quan Liên hợp quốc, đến nay cuộc xung đột đã khiến 12.000 người thiệt mạng nhưng con số thực tế có thể cao hơn; đồng thời buộc hơn 6 triệu người Sudan phải di dời trong nước và 1,7 triệu người khác phải chạy trốn sang các nước láng giềng như Cộng hòa Trung Phi, Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan. 

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Bắc Phi này đã đạt đến quy mô khổng lồ, với hơn một nửa dân số, tương đương 25 triệu người, cần được hỗ trợ để cứu mạng sống. Trong đó, khoảng 18 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.

Đặc biệt, Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) đã cảnh báo về con số đáng kinh ngạc của cuộc khủng hoảng đối với trẻ em, với ước tính khoảng 24 triệu trẻ em đang bấp bênh trên bờ vực của “một cuộc khủng hoảng thế hệ thảm khốc”.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết đang nỗ lực hết sức để giải quyết các nhu cầu nhân đạo tại Sudan, song các hoạt động cứu trợ bị cản trở do thiếu khả năng tiếp cận cũng như không đủ các nguồn lực.

Ngày 29-3, Bộ Ngoại giao Sudan cáo buộc RSF đã chặn một số xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khi đang trên đường đến El Fasher - thủ phủ của bang Bắc Darfur. Các xe tải này được huy động để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và y tế tại các trại tập trung của người phải di tản. RSF cũng bị cáo buộc cản trở các đoàn xe nhân đạo dọc tuyến đường Al-Dabba-Mellit-El Fasher bằng cách triển khai lực lượng gần thành phố Mellit, để phong tỏa và tịch thu hàng viện trợ.

Trong một thông cáo báo chí mới đây, CRC cho biết: “đã có những báo cáo đáng lo ngại về việc hãm hiếp dân thường, bao gồm cả trẻ em, việc từ chối tiếp cận nhân đạo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản của trẻ em và các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác, bao gồm cả vi phạm các quyền kinh tế và xã hội của trẻ em”. 

Tình hình này đã đẩy gần 24 triệu trẻ em Sudan vào tình thế nguy hiểm, trong đó có 14 triệu trẻ em cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, 19 triệu trẻ em không được đi học và 4 triệu trẻ phải rời bỏ nhà cửa.

Cơ quan này cũng cảnh báo về sự gia tăng số lượng trẻ em thiệt mạng hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục như một loại vũ khí chiến tranh so với 1 năm trước. Bên cạnh đó, trẻ em cũng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn do việc tuyển mộ trẻ em tham gia hoạt động quân sự tràn lan, đặc biệt là ở Darfur và nhiều khu vực khác, bao gồm cả miền Đông Sudan.

Nỗ lực “giảm nhiệt”

Trước tình trạng nguy hiểm ở Sudan, cùng với việc gia tăng các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, những nỗ lực hòa giải cấp cao do Liên hợp quốc dẫn đầu cũng được triển khai khá tích cực. 

Ngày 8-3 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết quan trọng, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này trong tháng Ramadan, bắt đầu vào ngày 10-3.

Trong nghị quyết 2724 (2024), được thông qua với 14 phiếu thuận và 1 phiếu trắng (Nga), Hội đồng Bảo an đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi, bao gồm “mức độ khủng hoảng hoặc tệ hơn” về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, đặc biệt là ở khu vực Darfur, cũng như các báo cáo liên tục về các hành vi vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, bao gồm cả các trường hợp bạo lực tình dục trong xung đột.

Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột thông qua đối thoại và “bảo đảm loại bỏ mọi trở ngại và cho phép tiếp cận nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở”; đồng thời tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, bao gồm bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Ủy ban trừng phạt Sudan được thành lập ngày 29-3-2005 để hỗ trợ giám sát việc thực hiện các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an áp đặt (cấm vận vũ khí, cấm đi lại và phong tỏa tài sản) đối với một số nhóm vũ trang và cá nhân ở Sudan.

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao những đóng góp của Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp của Liên hợp quốc tại Sudan (UNITAMS); đồng thời khẳng định “Liên hợp quốc sẽ không rời khỏi Sudan” và tiếp tục cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo để cứu người, hỗ trợ người dân Sudan thực hiện nguyện vọng của họ về một tương lai hòa bình và an toàn.

Trong một diễn biến khác, với 13 phiếu thuận và 2 phiếu trắng (Trung Quốc và Nga), Hội đồng Bảo an đã gia hạn nhiệm kỳ của của Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban trừng phạt Sudan thêm 1 năm nữa.

IV. LỐI THOÁT CHO TÌNH TRẠNG BẠO LỰC TẠI HAITI?

Tình hình nghiêm trọng

Vòng xoáy bạo lực

Tình trạng bạo lực ở Haiti liên tục gia tăng, khi các băng nhóm hợp lực phát động một cuộc tấn công phối hợp và yêu cầu Thủ tướng Ariel Henry - người lãnh đạo Haiti kể từ vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021 - từ chức; đổ lỗi cho ông về tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng tại quốc gia này. 

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi các băng nhóm tội phạm tấn công nhà tù quốc gia ngày 3-3 và giải thoát gần 3.600 tù nhân. Ngày 18-3, các băng nhóm tội phạm cũng đã tấn công 2 khu dân cư thượng lưu ở Thủ đô Port-au-Prince - những khu vực trước đây được đánh giá là “pháo đài bất khả xâm phạm”, biệt lập và khá an toàn trước tình trạng bạo lực băng nhóm. 

Trong khi đó, 4 trạm biến áp ở thủ đô và các khu vực khác cũng đã bị phá hủy và hư hỏng hoàn toàn, dẫn đến việc phần lớn Port-au-Prince bị mất điện...

Các cuộc tấn công không ngừng gia tăng gần đây làm dấy lên lo ngại bạo lực băng nhóm sẽ không giảm, buộc chính quyền quốc gia vùng Caribe phải áp đặt một số biện pháp cứng rắn, như gia hạn lệnh giới nghiêm và duy trì tình trạng khẩn cấp đến ngày 3-4.

Trước sức ép của các băng đảng, Thủ tướng A. Henry đã cam kết từ chức vào ngày 12-3, sau khi một hội đồng chuyển tiếp được thành lập. Tuy nhiên, việc thành lập hội đồng gặp nhiều khó khăn do có sự bất đồng giữa lãnh đạo các đảng.

Hàng triệu người gặp khó khăn

Tình trạng bạo lực khiến hàng chục người đã thiệt mạng và khoảng 17.000 người mất nhà cửa, đẩy 4,97 triệu người trong tổng số 11,5 triệu dân Haiti phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính và 1,64 triệu người ở mức độ khẩn cấp. 

Thung lũng Artibonite, được coi là vựa lương thực của đất nước, bị các nhóm vũ trang chiếm giữ. Theo ông Laurent Uwumuremyi - lãnh đạo chi nhánh tại Haiti của nhóm viện trợ Mercy Corps - các băng nhóm vũ trang kiểm soát gần 90% diện tích Thủ đô Port-au-Prince.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở Haiti đang thiếu kinh phí trầm trọng. Cơ quan này cần 95 triệu USD trong 6 tháng tới để có thể duy trì các chương trình cứu trợ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình sức khỏe và nhân đạo ở Thủ đô Port-au-Prince, vốn đang trở nên tồi tệ hơn do sân bay đóng cửa và việc tiếp cận cảng biển khó khăn, trong bối cảnh khu vực xung quanh đã bị các băng nhóm vũ trang kiểm soát.

WHO cũng không loại trừ tình hình sẽ xấu đi đáng kể nếu nhiên liệu trở nên khan hiếm và khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp y tế thiết yếu không sớm được cải thiện. Trong đó, máu, thuốc gây mê và các loại thuốc thiết yếu đã cạn kiệt và chỉ có một nửa trong số các cơ sở y tế ở thủ đô còn hoạt động.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, bạo lực và bất ổn ở Haiti đã gây ra cuộc khủng hoảng về sức khỏe và dinh dưỡng, có thể cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Cụ thể, số trẻ em Haiti bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ước tính đã tăng 19% trong năm 2024. 

Những nỗ lực viện trợ vào thời điểm đầy bất ổn cũng bị cản trở, tác động trực tiếp đến ít nhất 58.000 trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Trong khi đó, ngày càng nhiều người Haiti chạy trốn bạo lực bị các quốc gia láng giềng chặn lại trên đường di cư bất hợp pháp và gửi trả về quê hương. Trước tình cảnh này, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi các nước tạo điều kiện và tránh trục xuất người Haiti, bởi có thể đây là những người cần được bảo vệ, đặc biệt là các nhóm đối mặt nguy cơ cao, cũng như những người rơi vào hoàn cảnh bị tổn hại nghiêm trọng do hoạt động của các nhóm vũ trang gây ra.

Đối mặt với tình trạng bất ổn tại Haiti, nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Cộng hòa Dominicana và nhiều quốc gia châu Âu đã kích hoạt cơ chế bảo vệ lãnh sự để bảo hộ công dân tại Haiti; tiến hành sơ tán hàng trăm nhân viên ngoại giao và công dân bằng những chuyến bay đặc biệt.

Haiti chìm trong vòng xoáy bạo lực và một cuộc khủng hoảng toàn diện ở quốc gia này gây lo ngại tác động xấu tới an ninh khu vực. Cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy việc thành lập một lực lượng đa quốc gia nhằm triển khai tại Haiti. 

Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt khiến sứ mệnh quốc tế giúp đảo quốc Caribe lập lại trật tự còn đối mặt nhiều thách thức.

Lối thoát nào cho tình hình hiện tại?

Trước tình cảnh rối ren tại Haiti, các quốc gia thành viên Khối Cộng đồng và Thị trường chung Caribe (CARICOM) đã gấp rút hối thúc việc thành lập một hội đồng chuyển tiếp với kỳ vọng có thể sớm dập tắt bạo lực. Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn thủ tướng mới và hội đồng bộ trưởng.

Trong một diễn biến đáng chú ý, cuối tháng 3 vừa qua, hội đồng chuyển tiếp chịu trách nhiệm lựa chọn thủ tướng mới của Haiti đã đưa ra tuyên bố chính thức đầu tiên. 

Tuyên bố được ký bởi 8/9 thành viên thuộc hội đồng là dấu hiệu cho thấy quá trình đề cử gây tranh cãi và kéo dài sắp đạt kết quả và hội đồng này có thể sớm đảm nhận nhiệm vụ chính thức.

Thêm một nạn nhân của bạo lực băng đảng

Ngày 24-3, cô Brigitte Garcia (27 tuổi) - thị trưởng của thị trấn ven biển San Vicente và là thị trưởng trẻ nhất của Ecuador - cùng một nhân viên được phát hiện bị bắn chết trong xe ô tô. Sự việc này xảy ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này tiến gần đến tháng thứ ba áp dụng tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình trạng bạo lực băng đảng đang gia tăng.

Trước đó, ngày 8-1, Tổng thống Ecuador Noboa đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép quân đội làm nhiệm vụ trên đường phố và tại các nhà tù, cùng một lệnh giới nghiêm từ 23h đến 5h hôm sau. Đây là cách Chính phủ Ecuador phản ứng với việc thủ lĩnh Adolfo Macias của băng tội phạm Los Choneros trốn thoát khỏi nhà tù nơi hắn đang thụ án 34 năm và tình trạng bạo loạn nổ ra tại một số nhà tù ở Ecuador và nhiều nhân viên trại giam bị bọn tội phạm bắt làm con tin.

Các thành viên lưu ý, ngay sau khi hội đồng chính thức được thành lập, họ sẽ giúp “đưa Haiti trở lại con đường dân chủ hợp pháp và ổn định”; đồng thời cam kết “thực hiện một kế hoạch hành động rõ ràng nhằm khôi phục trật tự công cộng và dân chủ thông qua việc khôi phục an ninh, xóa đói giảm nghèo, đạt được bầu cử tự do cũng như những cải cách cần thiết”.

Các thành viên hội đồng xác nhận đã xây dựng những tiêu chí, cơ chế để lựa chọn chủ tịch hội đồng, thủ tướng mới và nội các.

Theo kế hoạch, hội đồng chuyển tiếp gồm 9 thành viên, với 7 người luân phiên giữ chức chủ tịch cùng 2 quan sát viên là đại diện của khu vực tôn giáo và xã hội dân sự. Tuy nhiên, hội đồng này đến nay vẫn chưa thể chính thức được thành lập sau khi Đại sứ Haiti tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Dominique Dupuy tuyên bố rút lui.

V. “GIẢM NHIÊT” CĂNG THẲNG TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

Căng thẳng y tế tại Hàn Quốc

Cuộc đình công từ lo ngại của bác sĩ tập sự

Cuộc đình công của các bác sĩ tập sự trên toàn Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 19-2. Khoảng 90% trong tổng số 13.000 bác sĩ tập sự tại gần 100 bệnh viện đã đồng loạt nghỉ việc để phản đối việc chính phủ nước này tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 2.000 người bắt đầu từ năm 2025, từ mức 3.058 sinh viên hiện tại.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, Hàn Quốc đang trong quá trình già hóa dân số nhanh chóng, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 30% dân số vào năm 2035. Trong khi nhu cầu nhập viện của người cao tuổi cao gấp 11 lần so với những người độ tuổi 30 và 40, nhu cầu chăm sóc y tế trong tương lai sẽ bùng nổ. 

Cùng với việc 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các chuyên gia tại Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc và Đại học Quốc gia Seoul đã phân tích và dự đoán rằng đến năm 2035, Hàn Quốc sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ.

Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc cho biết, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y là nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chăm sóc y tế trước tình trạng dân số già hóa, nhưng các bác sĩ tập sự cho rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế; đồng thời dẫn đến tình trạng dư thừa bác sĩ.

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) - tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của các bác sĩ - cũng lập luận rằng, kế hoạch của chính phủ sẽ không giải quyết được các vấn đề cơ bản trong hệ thống y tế, bao gồm tình trạng thiếu bác sĩ trong các lĩnh vực chuyên ngành và thiếu bác sĩ tại những vùng nông thôn. 

Những người chỉ trích còn cho rằng, việc bổ sung thêm bác sĩ sẽ dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn và thu nhập của ngành y sẽ ngày càng thấp hơn.

Điều đáng nói là lực lượng bác sĩ tập sự nghỉ việc chiếm tới 30 - 40% tổng số bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa ở Hàn Quốc và đội ngũ này giữ vai trò quan trọng trong hỗ trợ phẫu thuật và điều trị cho các bệnh nhân nội trú. Vì vậy, làn sóng đình công đã khiến nhiều ca phẫu thuật bị hủy bỏ và hệ thống y tế rơi vào tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Nhằm ủng hộ cuộc đình công của các bác sĩ thực tập, nhiều giáo sư y khoa ở Hàn Quốc cũng phản đối mạnh mẽ yêu cầu của các trường về tăng mạnh số sinh viên y khoa trong bối cảnh trường không thể đáp ứng chất lượng đào tạo. 

Nhiều người trong số đó đã nộp đơn từ chức hoặc tuyên bố sẽ giảm thời gian làm việc hằng tuần xuống còn 52 giờ; đồng thời giảm các dịch vụ y tế dành cho bệnh nhân ngoại trú để tập trung vào những ca nặng và bệnh nhân cấp cứu.

Những hậu quả nghiêm trọng

Việc các bác sĩ tập sự đồng loạt nghỉ việc và phản ứng của nhiều giáo sư y khoa đã gây gián đoạn dịch vụ y tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của một số bệnh viện đa khoa lớn tại Hàn Quốc. 

Sau ngày 19-2, các bệnh viện đã phải đồng loạt hạn chế điều trị cho những bệnh nhân nhẹ và hoạt động tập trung vào những bệnh nhân nặng. Nhiều bệnh viện không thể triển khai đầy đủ các dịch vụ y tế và buộc phải đóng cửa một số khoa, phòng do không thể tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu bác sĩ...

Trong bối cảnh đó, một hiệp hội bao gồm các bệnh nhân nguy kịch đã kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc đưa ra các giải pháp thiết thực và kêu gọi các bác sĩ kiềm chế. Hiệp hội này cảnh báo việc các bác sĩ tập sự và giáo sư đình công trong hoàn cảnh hiện tại chẳng khác nào “bản án tử hình” đối với bệnh nhân.

Kế hoạch cải cách mới

Để giải quyết tình trạng căng thẳng của hệ thống y tế do thiếu nhân lực, cùng với việc kêu gọi các bác sĩ quay trở lại làm việc, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai thêm hàng trăm bác sĩ phẫu thuật quân y và bác sĩ y tế công cộng tới các bệnh viện, đồng thời tìm cách thuê thêm các bác sĩ đã nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok-soo cũng đã công bố kế hoạch cải cách y tế nhưng vẫn kiên quyết giữ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh y khoa bắt đầu từ năm 2025.

Phát biểu tại cuộc họp chính phủ tổ chức ngày 21-3, Thủ tướng Han nhấn mạnh, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y khoa thêm 2.000 sinh viên là mức tăng tối thiểu nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. Chính phủ Hàn Quốc đã xem xét đầy đủ căn cứ và điều kiện giáo dục tại các cơ sở đào tạo trường y trên toàn quốc hoàn toàn có thể đáp ứng được. 

Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được phân bổ cho các trường y ngoài khu vực đô thị lớn, các cơ sở đào tạo nhỏ ở địa phương, nơi đóng vai trò là bệnh viện cơ sở của khu vực để đảm bảo điều kiện chữa trị trong khu vực.

Ông Han nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng để tiến hành cải cách y tế. Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ra 4 nhiệm vụ lớn cho cải cách toàn diện hệ thống y tế nhằm giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng của hệ thống y tế lâu nay. 

Theo đó, nước này sẽ hỗ trợ các cơ sở đào tạo, bao gồm thuê thêm 1.000 giáo sư giảng dạy tại các trường trên toàn quốc, tích cực sàng lọc để nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên y khoa, tăng cường đầu tư vào chăm sóc y tế ở cơ sở ngoài khu vực đô thị và tích cực hỗ trợ bồi dưỡng các bệnh viện địa phương xuất sắc.

Người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc cũng kêu gọi các giáo sư y khoa động viên sinh viên trở lại làm việc, học tập với sứ mệnh “coi sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân là trên hết”. Ông cũng nhấn mạnh, cánh cửa đối thoại luôn rộng mở và Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng lắng nghe ý kiến của ngành y.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc cũng thông báo chính phủ nước này sẽ mở rộng việc tuyển dụng nhân sự ngành y tế; đồng thời cảnh báo sẽ xử lý nghiêm tình trạng công kích các bác sĩ quay trở lại làm việc.

Dù cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc chưa chấm dứt, nhưng những động thái từ phía chính phủ cũng giúp hạ nhiệt phần nào những căng thẳng hiện nay.

Nước Đức “thở phào” khi các cuộc đình công chấm dứt

Ngày 26-3, nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn thông báo đã đồng ý với công đoàn GDL rút ngắn tuần làm việc của các nhân viên lái tàu, chấm dứt các cuộc đình công kéo dài hàng tháng trời trên khắp đất nước.

Giám đốc nhân sự của Deutsche Bahn gọi đây là giải pháp mang lại “sự linh hoạt” cho ngành đường sắt vào thời điểm nước Đức đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động tay nghề cao.

Báo cáo tổng hợp của các tổ chức tư vấn kinh tế hàng đầu ở Đức công bố ngày 27-3 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nền kinh tế này năm 2024 từ 1,2% xuống 0,1%. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng được cho là rơi vào suy thoái kỹ thuật sau quý đầu tiên của năm.

Một trong những yếu tố khiến nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu này đi xuống trong những tháng gần đây là các cuộc đình công thường xuyên ảnh hưởng đến cả hệ thống đường sắt và hàng không ở Đức, gây ra nhiều bất lợi cho hoạt động kinh tế và các lĩnh vực khác do nhiều chuyến bay và tàu bị hủy.

Theo thỏa thuận, từ năm 2026, tuần làm việc tiêu chuẩn của nhân viên lái tàu sẽ giảm dần từ 38 giờ xuống còn 35 giờ vào năm 2029 và người lao động vẫn được trả lương đầy đủ. Tuy nhiên, người lái tàu sẽ có quyền lựa chọn làm việc nhiều hơn nếu họ muốn, lên tới 40 giờ mỗi tuần, với mức lương cao hơn 2,7% cho mỗi giờ làm thêm. 

Cũng theo thỏa thuận, người lao động sẽ được tăng lương 420 euro (455 USD) mỗi tháng theo 2 giai đoạn và khoản thanh toán một lần là 2.850 euro để giúp bù đắp lạm phát. Thỏa thuận này chấm dứt tranh chấp gay gắt giữa nhà điều hành và công đoàn GDL dẫn đến 6 đợt đình công kể từ tháng 11-2023, gây khó khăn cho việc đi lại của triệu hành khách và làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng hóa.

Trong những tháng gần đây, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công trên nhiều lĩnh vực du lịch hàng không, giao thông công cộng, siêu thị... 

Tình trạng này làm trầm trọng hơn bức tranh kinh tế vốn đã ảm đạm, khiến tăng trưởng kinh tế Đức giảm 0,3% vào năm 2023 và dự kiến khả năng phục hồi khiêm tốn trong năm nay./.

Duy Anh - Thành Nam - Khôi Nguyên - Tiến Thắng - Công Minh (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ

Trang: 1 2 3 4 5 ... 25 Sau